Ngô Đồng – Web Việt Tân
Nhiều người lầm tưởng rằng tăng trưởng GDP đồng nghĩa với việc đất nước đang giàu lên. Thực chất GDP không phản ánh đầy đủ mức độ giàu-nghèo của một quốc gia hay chất lượng sống của người dân. Ngược lại, việc theo đuổi tăng trưởng GDP “bằng mọi giá” như tại Việt Nam, đang đẩy nền kinh tế vào trạng thái lệ thuộc và thiếu bền vững.
Truyền thông trong nước hôm 27/12 dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2018 tăng 7,08%. Các kênh truyền hình, báo đài, phát thanh đồng loạt loan tải tin này và nói rằng đây là mức tăng cao nhất từ 10 năm qua. Nhiều phương tiện truyền thông còn gọi đó là “thành quả” từ sự lãnh đạo của đảng cộng sản, đặc biệt công đầu thuộc về Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tuy nhiên, bất chấp sự vui mừng của các quan chức cộng sản, thực tế nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn khi có tới hơn 90.000 doanh nghiệp trong nước phá sản trong năm 2018. Đồng thời, có nhiều chỉ dấu cho thấy sự lệ thuộc vào các tập đoàn ngoại quốc, thiếu năng lực nội tại và kém bền vững…
“GDP không phải là thước đo tốt”
Theo lý thuyết kinh tế, GDP là cộng dồn tất cả những thứ được sản xuất ra của một nền kinh tế. Từ các hộ gia đình, chính phủ và doanh nghiệp, bao gồm cả phần đóng góp của các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ số GDP đang ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết, không còn là thước đo đáng tin cậy phản ánh kinh tế của một quốc gia. Đặc biệt là trong thời đại tăng trưởng ngành dịch vụ, thương mại điện tử, công nghệ số có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng nó lại trở nên “vô hình” trước GDP.
Bên cạnh đó, GDP chỉ tính đến các sản phẩm được sản xuất, mua bán. Ví dụ như việc xây các trạm BOT khiến GDP tăng trưởng, nhưng thuế, phí từ các trạm BOT vắt kiệt túi tiền của người dân lại không được tính đến. Tương tự, việc nhà cầm quyền thúc đẩy khai thác dầu mỏ làm GDP tăng, nhưng hậu quả là tài nguyên bị cạn kiệt lại không được đề cập trong GDP. Hay như việc chính quyền cấp phép xây dựng hàng loạt khu công nghiệp, nhà máy sẽ khiến GDP tăng, nhưng những hệ lụy về môi trường, bệnh tật của người dân thì không được đề cập đến trong GDP…
Một điểm bất hợp lý khác nằm ở cách tính GDP. Chẳng hạn, nhà máy Samsung đặt tại Bắc Ninh, thuộc sở hữu của người Hàn Quốc. Lợi nhuận cũng là của người Hàn và được mang về cho người Hàn, nhưng lại được tính vào GDP và bình quân đầu người của người Việt Nam. Con số lợi nhuận đó góp phần lớn vào tăng trưởng GDP, nhưng không tác động gì nhiều đến mức sống của người dân và nền kinh tế Việt Nam.
Do vậy, giá trị kinh tế GDP đo lường thực chất không phản ánh sự phát triển của xã hội, hay sự giàu nghèo của một quốc gia. Một đất nước có thể có GDP rất cao, nhưng người dân của đất nước đó vẫn nghèo, Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới về GDP, nhưng người dân Trung Quốc vẫn rất đói khổ. Đây là lý do GS. Joseph Stiglitz, người đạt giải Nobel Kinh tế năm 2001, cho rằng “GDP không phải là thước đo tốt.”
Tăng trưởng của FDI đe dọa tính bền vững của nền kinh tế
Mặc dù mục tiêu tăng trưởng GDP tại Việt Nam đã hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch, nhưng thành quả trên chủ yếu do sự phát triển của các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện nay các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 65-70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, đóng góp khá lớn cho mức tăng trưởng này là Samsung, năm 2018 dự kiến đạt hơn 60 tỷ USD và Formosa ước đạt khoảng 2,6 tỷ USD. Thực trạng này là đáng báo động, vì số lợi nhuận mà các tập đoàn trên thu được sẽ chuyển về chính quốc, trong khi đặt nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro.
FDI có thể là một công cụ hữu dụng cho phát triển, nhưng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, không thể phụ thuộc vào khối doanh nghiệp này. Bởi suy cho cùng, mục đích của các công ty nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam chỉ là tăng lợi nhuận. Do đó vốn FDI có thể vào và đương nhiên có thể ra đi. nếu trong trường hợp khủng hoảng tài chính, loại hình đầu tư này sẽ rút đi rất nhanh, tạo ra hiệu ứng lan truyền. Đến lúc đó khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, hậu quả có thể là sự phá sản nền kinh tế của cả một quốc gia.
Đa số các doanh nghiệp FDI đang có mặt tại Việt Nam hiện nay không đưa công nghệ mới hoặc chỉ đưa công nghệ cũ vào sản xuất. Nếu có công nghệ tiên tiến, họ cũng thường viện cớ để không chuyển giao cho phía Việt Nam. Đây là lý do hoạt động kinh tế của Việt Nam vẫn phụ thuộc nặng nề vào gia công manh mún dựa trên nguyên liệu nhập khẩu. Vì vậy dù số liệu phát triển công nghiệp trên giấy tờ tốt, nhưng thay đổi thực tế chưa nhiều.
Chưa hết, điểm xấu của các doanh nghiệp FDI đó là họ đang làm giảm khả năng cạnh tranh quốc tế của các công ty nội, bằng cách khiến tỷ giá tiền Việt Nam đồng tăng, dẫn đến giá thành xuất khẩu sản phẩm tăng. Bên cạnh đó một số tập đoàn còn lợi dụng các ưu đãi của Việt Nam về chính sách vốn để sử dụng “giao dịch vòng”. Theo đó, họ sẽ sử dụng công ty con đi vay vốn lãi suất thấp tại Việt Nam, rồi cho vay lại công ty mẹ. Cứ như vậy, họ bòn rút nguồn vốn của Việt Nam để xây dựng nguồn lực cho tập đoàn của họ.
Tóm lại, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam không đóng góp nhiều vào nền kinh tế ngoài việc làm tăng con số xuất khẩu… để nhà cầm quyền CSVN tuyên truyền. Trong khi đó, hoạt động của các công ty này đang gây ra nhiều hệ lụy như: trốn thuế, vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên, tận diệt cây rừng và khoáng sản. Đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường, như: Formosa, nhà máy giấy Lee&Man, nhiệt điện Vĩnh Tân…
Rõ ràng, GDP không đo lường hết bản chất của nền kinh tế hiện đại. Phát triển bền vững phải tăng trưởng theo chiều sâu. Nói cách khác, không chỉ nhìn vào con số tăng trưởng mà còn phải quan tâm đến bản chất của tăng trưởng. Việc trông cậy vào GDP, cho thấy nhà cầm quyền CSVN đang đánh giá sai nhu cầu của nền kinh tế và thiếu chiến lược thúc đẩy tăng trưởng hợp lý.