Cuộc chiến không có chiến binh (*)
Có một người nói chuyện với tôi, chia sẻ về mọi cảm nghĩ của mình về những điều mà xã hội này đang gặp phải. Người đó nói rằng, chúng ta phải làm sao sống được thì mới có thể chiến đấu tiếp cho những điều ta mong muốn, như để nhấn mạnh rằng những người đấu tranh cho những giá trị nào đó nếu muốn đạt được mục tiêu và đi được một hành trình lâu dài thì ắt phải sống sót, bằng không nếu mất đi một cách vô ích thì chẳng có tác dụng gì cho những điều mình đã làm.
Điều đó chỉ đúng ở một góc độ rất nhỏ. Bởi nếu suy nghĩ như vậy thì ngay từ đầu, sẽ không tồn tại một cuộc chiến nào cả, vì ai sẽ là người khởi động cho một cuộc chiến và rồi cũng sẽ chẳng có chiến binh nào xuất hiện, một khi ai cũng nghĩ rằng mình phải sống mới có thể chiến đấu. Tôi lại khẳng khái thêm: người tốt nào cũng muốn mình sống để có thể tiếp tục chiến đấu, nên họ đã tìm mọi cách để ẩn nấp và giấu mình vào trong mọi vỏ bọc hoặc chui sâu vào trong các thành luỹ rồi chờ đợi những người khác dấn thân và hy sinh. Và người tốt cứ rủ nhau trốn thật kỹ để giành phần cuối cùng khi kết thúc cuộc chiến đó nếu thắng lợi hoặc là rút lui an toàn ra khỏi sự thất bại, nếu chẳng may điều đó xảy ra.
Người tốt nào cũng toan tính về những điều mình sẽ mất mà không chấp nhận đánh đổi để đạt được điều gì đó lớn hơn để hành động. Và cũng vì sự khôn ngoan ấy nên chẳng có cuộc chiến nào và cũng chẳng có chiến binh nào cả. Và rồi những hy sinh của những người quả cảm và kiên cường đều trở nên vô nghĩa vì những người tốt kia tâm niệm rằng bản thân họ không dành cho những mất mát đó mà để dành cho một hành trình lâu dài và có kết quả thực chất. Nhưng tôi đành mạnh dạn về một tình cảnh: một khi những chiếc vỏ bọc hoặc là những thành luỹ ấy bị bóc trần hay sụp đổ, sẽ chẳng còn nơi chốn nào để ẩn nấp, họ sẽ phải đối mặt với cuộc chiến, nhưng lúc đó thì hậu quả sẽ nặng nề hơn hẳn và kể cả là con cháu chúng ta cũng sẽ phải gánh chịu những thảm cảnh của nó. Và đất nước hay quốc gia nào mà hầu hết người dân đều ở trong cùng một tình trạng như vậy thì dân tộc đó thật là bất hạnh, khi nó sẽ tự mục ruỗng và sụp đổ bởi từ bên trong lòng chính nó chứ không cần tới sự xâm lược của ngoại bang. Vì không có chiến binh nào sẵn sàng để chiến đấu cho những điều tốt đẹp, đúng đắn và thiêng liêng, cao quý cả.
Rồi người đó cũng chuyển cho tôi một bài viết mà tôi đã biết trước cách lập luận của chúng là, nhấn mạnh đến cuộc bạo động ở Pháp sau biểu tình ôn hoà vì nhiều người đấu tranh đòi hỏi quyền lợi và buộc Macron từ chức Tổng thống. Tôi chỉ ngắn gọn lại một điều mà những kẻ viết theo lối viết ngu xuẩn bởi sự nguỵ biện của chúng thường dùng đánh lừa dư luận, rằng: thay vì ta có thể kiểm soát được tình hình của các cuộc biểu tình và vì vốn dĩ nó là quyền, còn hơn hẳn là để cho những chế độ độc tài sẽ thực hiện những cuộc tra tấn và tàn sát người dân trong thinh lặng. Và chính cái trật tự mơ hồ theo kiểu cách đó là lý do để chúng đứng trên luật pháp và tiến hành các cuộc thảm sát tập thể mà không mấy người biết, thậm chí coi nó là điều hợp lẽ và chính đáng. Trong khi biểu tình là quyền tối cao và một khi đặt ra nó để thực thi thì ta có thể kiểm soát được nó một cách rõ ràng và công khai.
Quay lại cậu chuyện cuộc đấu tranh và chiến binh. Rõ ràng là những người tốt trong xã hội này luôn tự cho rằng mình khôn ngoan và quan trọng, họ cần phải được sống và chiến đấu lâu dài và bền bỉ, họ không thể hy sinh một cách ngu ngốc và quá đơn giản hay nhanh chóng. Tôi nói rằng, có những cái chết dù chỉ là một khoảnh khắc nhỏ thôi sẽ đánh thức và đoàn kết được cả một sức mạnh lớn lao và rộng khắp từ cộng đồng và làm nên những sự thay đổi hoàn toàn lịch sử. Mà có những người sống cả cuộc đời nhưng thực không có bất cứ thứ gì đáng giá hơn là việc họ làm khi phải đối mặt với cái chết trước mắt. Và bạn ấy nói, nếu tôi có vợ và con thì có còn suy nghĩ như vậy không? Tôi nói, tôi sẽ sống để xứng đáng là một người chồng và một người cha đúng nghĩa. Và những gì có thể xảy đến với tôi đều là những di sản giá trị để dành cho con cái tôi nhận lấy và tự hào, chứ không phải là lo lắng là cái chết, điều mà ai rồi cũng phải trải qua.
Bạn đó lại hỏi tiếp rằng, nhưng sau khi chết thì chẳng thể nào biết được con cái mình có thể sống tốt hay không, thì sự hy sinh đó đâu mang lại điều gì hữu ích? Tôi đáp lại, vì khi chết rồi ta không biết điều gì xảy ra, nên khi sống ta phải quyết định được rằng ta đã sống thật xứng đáng với điều đó, nhất là khi đứng trước một cái chết. Và mỗi người đều phải tự sống cũng như chịu trách nhiệm với cuộc đời mình, tôi đã tranh đấu với toàn bộ sức lực của mình để có thể đóng góp và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn cho chúng, thì chúng phải tự tiếp tục gánh vác lấy điều đó trong cuộc đời của chính nó mà thôi.
Và đúng là, chúng ta luôn phải đối mặt với một cuộc chiến mà gần như chẳng có chiến binh nào cả. Thử hỏi, ai sẽ tranh đấu và kiên trung cho những giá trị và những điều tốt đẹp, khi kẻ xấu ngày càng hoành hành và người tốt thì còn ẩn mình toan tính về sự khôn ngoan và những điều được mất? Khi ta có thể quyết định điều được mất thì hãy hành động, đừng đợi đến khi ta không còn cơ hội nào nữa, ngoại trừ việc buộc phải đánh mất tất cả những gì mà ta, thực ra, đã từng có thể và có khả năng định đoạt.
Khi người tốt không chịu chiến đấu, kẻ xấu sẽ mặc sức hoành hành.
LS Lê Luân
Nguồn: FB Luân Lê
(*) Tựa nguyên thủy của tác giả