Có vẻ như những tiếng nói từ trong sâu thẳm tâm can, những than thở nhọc nhằn, mỏi mệt của người dân, những chia sẻ chất chứa tâm tư, nguyện vọng của nhân dân… dẫu có cố gắng đến mức nào, thì kết quả cũng chẳng đáng là bao. Nay đòi tăng thuế này, mai lại đẻ thêm loại thuế khác. Gánh nặng thuế phí đang bóp chết ước mơ và hi vọng của nhân dân, đè nén, cầm tù tương lai của cả đất nước này.
Ở xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, người dân nuôi vịt, muốn được chăn thả, tận dụng những hạt thóc rơi thóc vãi, tận dụng ruộng đồng còn đang để trống sau mỗi vụ lúa đã thu hoạch xong, thì phải nộp phí cho chính quyền địa phương. Chính quyền, thay vì khuyến khích, tạo điều kiện tối đa để người dân tăng gia sản xuất, chăn nuôi, lại đoạt lấy chén cơm của họ. Dẫu là chén cơm nhặt nhạnh từ những bước chân mỏi mệt lang thang trên khắp ruộng đồng, là chén cơm được nấu từ những giọt mồ hôi mặn đắng thì họ vẫn điềm nhiên tước đoạt.
Hành vi lạm quyền, tự tung tự tác, tự cho mình như cha mẹ của muôn dân, được quyền đòi hỏi con dân phải đóng góp gạo tiền là thực trạng đang xảy ra tại nhiều địa phương. Mấy ngày trước, ở xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hoá, người dân kêu rằng, đến cả việc chăn thả trâu bò cũng phải nộp phí. Một tổ chức gọi là hợp tác xã, không biết từ bao giờ lại được ban đặc quyền, bắt dân phải nộp phí thả trâu mỗi con là 100.000 đồng, thậm chí muốn nuôi trâu phải đóng tiền cọc từ 300.000-2.000.000 đồng? Ai? Quy định nào cho phép họ được trắng trợn xâm hại quyền tự do lao động, sản xuất của người dân?
Thôn thu phí. Xã thu phí. Từ cấp địa phương đến cấp Trung ương, đâu đâu cũng tận dụng sức dân bằng công cụ thuế phí. So với mức thu nhập hiện nay, không quá lời khi có ai đó nói sưu cao thuế nặng. Vậy mà, thuế VAT vẫn bị đề xuất tăng. Bộ Tài chính còn muốn đẻ thêm một thứ thuế mới, đó là thuế tài sản. Phần tài sản gom góp từ thu nhập tích luỹ sau khi đã đóng thuế, rồi đây lại phải chịu thuế thêm một lần nữa. Thuế chồng lên thuế, cứ như vậy bao nhiêu khoản thu là bấy nhiêu cơ cực, bao nhiêu tiền bạc là bấy nhiều bần hàn.
Vì thuế nhập khẩu giảm. Vì cân đối ngân sách. Vì ổn định kinh tế vĩ mô… Chính phủ có rất nhiều lý do để tăng thu thuế phí. Áp lực nợ công và thực trạng mất cân đối thu chi ngân sách là những vấn đề hiện hữu mà Chính phủ buộc phải đương đầu.
Đất nước này là của ai? Câu trả lời đương nhiên phải là đất nước của nhân dân. Người nắm giữ chức vụ trong bộ máy chính quyền, thực ra cũng là một người dân trong số muôn dân. Lẽ ra họ phải đặt mình vào vị trí của người làm chủ đất nước để không ngần ngại cắt giảm chi tiêu và tìm cho ra giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu.
Bởi vì, không một quốc gia nào có thể phát triển nếu những người điều hành bộ máy chính quyền giữ tâm thế của người cai trị, ra sức bòn rút sức lực của người dân bằng sưu thuế.
Làm chính trị là gì nếu không phải là mang đến tiếng cười, mang đến niềm tin và hi vọng, mang đến ước mơ và hoài bão cho tất cả người dân? Chính trị là chia sẻ chứ không phải tước đoạt.
Chính sách thuế phí cần chia sẻ với dân chứ không thể tước đoạt của dân. Bởi, tước đoạt sẽ dồn vào đường cùng, trong khi chia sẻ sẽ dẫn đến tương lai./.
Nghĩ lại lại cộng dồng chửi
bà tiến sĩ “Doàn Hương” hơi
bị oan. Cái dám quần chúng
nd ta “ngu thiệt”. Nên dám
cs dày tớ nd mới dạp lên công
lý lẻ phải ,cướp hết mọi thứ
bằng bạo lực như thời thực
dân phong kiến .
Tước doạt hay ăn cướp cũng là nó .