Đó là câu hỏi mà tôi mang theo trong suốt chuyến đi về thăm Việt Nam tháng 07/2013 vừa qua. Là một người rất quan tâm đến tình hình ở quê hương, tôi cũng biết được Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn: khủng hoảng kinh tế, bất ổn xã hội, nguy cơ bị thôn tính đang đe dọa. Và để giải quyết được tận gốc rễ thì việc thay đổi thể chế chính trị theo hướng dân chủ chính là giải pháp cho các vấn đề. Nhưng khi nào thì sự thay đổi sẽ xảy ra?
Trước khi về Việt Nam tôi hình dung ra một bức tranh ảm đạm về kinh tế khi hàng chục ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người và đó là một động cơ tốt cho sự thay đổi sẽ sớm diễn ra. Nhưng thực tế ở Việt Nam thì không phải đơn giản như vậy. Tầng lớp trung lưu, thị dân ở những thành phố chính vẫn sống rất sung túc, cuộc sống ngày càng tiện nghi hơn. Điều đó không chỉ đúng với giới quan chức lắm tiền nhiều của, xài tiền như nước khi có thể đốt hàng chục triệu đồng cho một bữa ăn. Mà với giới kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân, nhân viên và cả giáo viên cũng vậy, việc sở hữu xe hơi, xe tay ga đắt tiền không còn là hiếm. Bạn bè tôi khoe về những chuyến đi du lịch xa xỉ trong và ngoài nước, xài hàng hiệu và các thiết bị điện tử đắt tiền. Điều đó làm tôi thật ngạc nhiên khi hỏi đến thì ai cũng than là tình hình khủng hoảng kinh tế nên làm ăn ngày càng khó khăn hơn và giá cả sinh hoạt thì ngày càng đắt đỏ. Thế nhưng nhiều người tiết lộ với tôi rằng vẫn có nhiều cách kiếm tiền trong thời buổi nhiễu nhương này, miễn là mình thích nghi với tình thế. Quả thật người Việt Nam rất giỏi thích nghi với hoàn cảnh. Nhìn vào tình trạng giao thông ở Sài Gòn cũng có thể thấy một điều tương tự. Giao thông chật chội, bát nháo, nguy hiểm nhưng mọi người vẫn đi lại thoải mái vì đã quen với tình cảnh này chứ một người đã quen đi theo luật như tôi thì sợ chết khiếp, không dám băng qua đường chứ đừng nói là tự lái xe. Khi xảy ra kẹt xe thì mọi người đều tìm mọi cách len lỏi, lấn tuyến, leo lên vỉa hè, chui vào hẻm chứ chẳng chịu đứng yên. Vì vậy mà kinh tế khó khăn làm nảy sinh ra nhiều kiểu làm ăn bất lương. Những người bán hàng rong bỏ hóa chất để bắp luộc nhanh mềm, quán cơm bình dân bỏ hóa chất vào gạo mốc để cơm trắng và nở,… Những người lao động có cuộc sống khó khăn hơn nhưng bên cạnh những người siêng năng xoay xở làm thêm nhiều việc thì tệ nạn đánh đề, cờ bạc lại có nhiều người tìm tới để kiếm thêm thu nhập. Nhiều người nói với tôi rằng tuy kinh tế khó khăn nhưng “vẫn sống được” và cho rằng tình hình kinh tế năm nay đã được cải thiện hơn năm ngoái. Thực tế là bộ mặt hạ tầng của Việt Nam vẫn thay đổi rất nhanh, các thành phố lớn ngày càng đẹp hơn, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp vẫn đang mọc lên. Nói chung vì là một nền kinh tế mở cửa, đang phát triển nên tình trạng tệ hại đến mức mất đi “nồi cơm” của đa số mọi người dẫn đến vùng lên thay đổi như kịch bản của nhiều cuộc cách mạng ở các nước nghèo trên thế giới là khó xảy ra ở Việt Nam.
Nếu khủng hoảng kinh tế chưa thể hiện rõ nét để nhìn thấy được thì những bất ổn về xã hội lại cảm nhận được rất rõ ràng. Khó khăn kinh tế đã tạo điều kiện cho bất ổn của xã hội bộc lộ ra. Mọi người dù giàu hay nghèo đều cảm thấy bất an. Đồ ăn gì cũng lo bị bỏ hóa chất độc, ra đường lo bị cướp giật, đi đường sợ bị tai nạn giao thông. Tình trạng côn đồ tăng cao, chỉ vì những xô xát nhỏ cũng xảy ra giết người. Và mọi người rơi vào khủng hoảng niềm tin vì đạo đức suy đồi, tham nhũng, hối lộ hoành hành, công lý phụ thuộc vào tiền bạc và quan hệ. Nhiều người dù giàu có nhưng họ nói với tôi rằng họ không muốn con cái họ sống ở Việt Nam. Việc cho con cái du học nước ngoài trở thành mục tiêu phấn đấu của nhiều người. Nhiều doanh nhân nói với tôi rằng họ muốn đầu tư mở trường học khi thấy tình trạng giáo dục xuống cấp như hiện nay là rất nguy hiểm cho hiện trang xã hội cũng như tương lai của đất nước. Rõ ràng nhiều người đã nhận ra tiền bạc không thể giải quyết được tất cả, nếu không có những cải cách, thay đổi thì Việt Nam không còn là nơi tốt để sống.
Không cần ai tuyên truyền thì đa số mọi người ở Việt Nam đều chán ngán chế độ cộng sản, bất mãn với chính quyền, đều mong muốn thay đổi. Nhưng một thực tế đáng ngạc nhiên là đa số những người tôi hỏi về sự thay đổi ở Việt Nam đều có tâm trạng bi quan. Một số người thẳng thắn nói rằng nước Việt Nam chúng ta quá xui xẻo khi ở cạnh Trung Quốc và thừa nhận sự chi phối ngày càng lớn của Trung Quốc với Việt Nam. Họ cho rằng chỉ khi nào Trung Quốc có thay đổi thì Việt Nam mới có thay đổi. Một số người khác thì nói rằng đối lập ở Việt Nam quá yếu và chính quyền toàn trị thì quá mạnh, khó tạo ra sức ép thay đổi từ phía đối lập. Họ còn lo lắng rằng thực ra chưa có lực lượng nào để họ tin rằng sẽ có sự thay thế tốt hơn hay sẽ bất ổn hơn khi các phe phái đấu đá nhau. Một số người khác thì tin rằng sự thay đổi sẽ đến từ trong nội bộ của đảng Cộng sản nhưng họ nói rằng phe cấp tiến quá yếu khi không có hậu thuẫn trong khi phe bảo thủ thì có hậu thuẫn từ Trung Quốc nên cũng rất khó có thay đổi xảy ra. Tâm trạng bi quan của những người có quan tâm đến tình hình đất nước dẫn đến tình trạng họ cho rằng họ cũng chẳng thể làm gì cho sự thay đổi diễn ra cả. Nhưng những người quan tâm đến chính trị đa số là những người lớn tuổi, trong khi giới trẻ thì rất ít người quan tâm đến chính trị mà mải đuổi theo sự hưởng thụ vật chất và các câu chuyện phiếm trên mạng internet.
Sau một thời gian ở Việt Nam, tôi nhận ra rằng thay đổi chưa thể sớm xảy ra ở Việt Nam. Dù rằng những yếu tố thúc đẩy cho sự thay đổi là rất nhiều, kinh tế ngày càng khó khăn hơn, xã hội ngày càng bất ổn hơn, chính quyền ngày càng bệ rạc và mất uy tín hơn nhưng thế giằng co giữa những cái tốt và cái xấu là rất lớn dẫn đến không dễ để đạt được những tình trạng tệ hại đưa đến những điều kiện sống còn phải thay đổi. Trước sự ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc và thái độ ngày càng sắt máu đàn áp của chính quyền thì cũng khó để có sự thay đổi đột biến dạng cách mạng hay đảo chính. Cách còn lại duy nhất mà hiệu quả dù không đến tức thời nhưng chắc chắn và bền vững. Đó chính là cách “chấn dân khí” làm giảm sức ỳ của xã hội trước thay đổi, tăng cường tinh thần của người dân phản kháng với những điều xấu xa trong xã hội và phản đối lại những sai trái của chính quyền. Một nguyên nhân sâu xa mà thay đổi chưa xảy ra tại Việt Nam chính là do thái độ chấp nhận, hợp tác với cái sai, cái xấu hoặc khoanh tay đứng nhìn của người dân. Đó cũng là do họ chưa ý thức được quyền của mình vì những khái niệm về “quyền con người” còn rất xa lạ. Nhưng rõ ràng những phản kháng dân sự của cá nhân cũng rất ảnh hưởng đến chính quyền. Khi ra gặp công an phường nếu vâng dạ sợ sệt thì sẽ bị hoạch họe nhưng nếu dõng dạc phản đối thái độ tắc trách thì họ không dám gây khó dễ. Những qui định của chính quyền gần đây gặp phải sự phản đối của người dân đều phải bãi bỏ. Những sự bộc phát phản ứng lại với CSGT, với chính quyền cưỡng chế đất đang diễn ra ngày càng nhiều báo hiệu sự bất tuân dân sự sẽ diễn ra rộng khắp. Nhưng để người dân có thái độ bất tuân dân sự đúng đắn để đòi hỏi các quyền của mình để dẫn tới chính quyền mở rộng quyền của người dân, tiệm cận tiến đến mục tiêu thay đổi thể chế theo hướng dân chủ vẫn cần có sự đầu tư, dấn thân vào việc “Khai dân trí, chấn dân khí” của nhiều người, nhiều tổ chức tiếp cận được với quần chúng khi chính quyền vẫn khống chế hệ thống truyền thông và báo mạng đối lập chỉ mới tiếp cận với một thiểu số dân chúng.