Người dân Sài Gòn đối mặt với sạt lở

- Quảng Cáo -

SÀI GÒN (CTM Media) – Sau lún, rung lắc, giờ đây Sài Gòn lại bị thêm nạn sạt lở đe dọa. Được biết Sài Gòn hiện có 40 khu vực bị đe dọa bởi sạt lở, trong đó 23/40 khu vực đó thuộc diện đặc biệt nguy hiểm, 16/40 thuộc diện nguy hiểm.

Theo báo chí, thì việc di tản khẩn cấp tám gia đình cư trú cạnh bờ sông Rạch Tôm, thuộc xã Nhơn Ðức, huyện Nhà Bè, Sài Gòn, đã hoàn tất. Một số gia đình đang tạm trú trong trường học phía bên kia sông, một số tá túc tại nhà thân nhân.

Hôm 30 Tháng Năm, khu vực vừa kể xuất hiện một vết nứt dài, kết quả khảo sát địa chất xác định đó là tác động của một hố xoáy.

- Quảng Cáo -

Theo các chuyên gia, sạt lở xảy ra do dòng chảy biến đổi. Sự biến đổi này hoặc do khai thác tài nguyên quá mức, hoặc vì tác động của các công trình xây dựng.

Tuy có 23 khu vực thuộc diện đặc biệt nguy hiểm vì sạt lở, nhưng các cơ quan chức năng thành phố Sài Gòn chỉ mới tổ chức di tản dân ra khỏi một trong 23 khu vực nguy hiểm.

Một báo cáo của Sở Giao Thông-Vận Tải thành phố Sài Gòn về sạt lở xác định, huyện Nhà Bè dẫn đầu về số điểm sạt lở (16 điểm), kế đó là huyện Cần Giờ, quận Thủ Ðức và quận 2 (mỗi nơi có 5 điểm). Song song với việc dựng biển cảnh báo và theo dõi sạt lở, sở này đề nghị cấp thêm tiền để hoàn tất việc xây dựng các bờ kè.

Nhìn một cách tổng quát thì cả địa hình lẫn địa chất của Sài Gòn tiếp tục biến dạng.

Hồi hạ tuần Tháng Tư, Ðại Học Bách Khoa Sài Gòn công bố kết quả một cuộc khảo sát về bề mặt của Sài Gòn. Theo đó, bề mặt nhiều khu vực của thành phố này (các quận: 2, 7, 8, 12, Thủ Ðức, Bình Tân; các huyện: Nhà Bè, Bình Chánh) tiếp tục lún nặng. Ðộ lún trung bình từ 5 mm đến 10 mm/năm.

Đặc biệt, bề mặt Sài Gòn lún nhanh và nhiều vẫn vì khai thác nước ngầm quá mức, hoạt động xây dựng trong quá trình đô thị hóa tăng đè nén bề mặt những khu vực có nền đất yếu và rung động do hoạt động giao thông.

Ngoài ra, việc khai thác nước ngầm quá mức ở những khu vực gần biển còn khiến nước mặn xâm nhập vào các tầng nước ngầm, tác động tiêu cực đến các loại cây trồng, nguy hại cho nông nghiệp.

Cũng vào thời điểm vừa kể, một số khu vực khác tại Sài Gòn (quận 1, quận Thủ Ðức) liên tục bị rung lắc không rõ nguyên nhân. Dẫu rung lắc xuất hiện càng ngày càng nhiều nhưng nhà cầm quyền vẫn chưa thực hiện một cuộc khảo sát chính thức nào để xác định nguyên nhân thật và đặt định những giải pháp có thể ngăn chặn các hậu quả đáng tiếc. Các chuyên gia chỉ tạm nhận định, những đợt rung lắc có liên quan đến sự biến dạng của địa tầng, xảy ra do hoạt động xây dựng vừa thái quá, vừa không đúng nguyên tắc.

- Quảng Cáo -

6 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here