Sài Gòn của tôi sẽ trở lại …

Mót rác
- Quảng Cáo -
Tôi là người thức khuya, vì thức khuya nên nghe được nhiều âm thanh, những âm thanh có thể bị tiếng ồn ban ngày át mất, và cả những âm thanh chỉ xuất hiện vào buổi đêm.
Trước đây vài năm, cứ độ mươi ngày nửa tháng tôi lại phải nghe tiếng kêu cứu: “Cướp…! Cướp…!” một cách đơn độc/tuyệt vọng trong đêm thanh vắng, từ những người đi/về giữa khuya bị giựt điện thoại, túi xách…. Thiệt ra, họ kêu-chỉ-để-mà-kêu, bởi ban ngày ban mặt còn chưa chắc có người dám can thiệp, lý do là lũ cướp giật luôn có đồng bọn ẩn nấp, sẵn sàng tấn công người dám phá-đám chuyện-làm-ăn của chúng.
Từ ngày camera được gắn ở góc đường, tiếng kêu cứu đã không còn nghe nữa. Có vẻ như bọn cướp giựt sợ bị camera nhận diện và có thể bị thộp cổ. Vắng âm thanh đó, đêm trong tôi như nhẹ nhàng đi chút ít.
Một âm thanh khác, đúng hẹn và chưa hề thiếu vắng dẫu chỉ một ngày, là tiếng xe đi lấy rác. Khoảng hai giờ sáng, khi xe dừng lại, tiếng xe phì phò khá to, sau đó là tiếng người lao xao cùng với tiếng xẻng/chổi cào xúc rác, tiếng các thùng rác được máy nâng lên để đổ rác vào xe, cuối cùng là tiếng máy ép rác gầm gừ ầm ào… Tất cả kéo dài chừng mươi phút. Vào những ngày cận tết, đống rác dồi dào, phong phú hẳn, vun cao lên, thời gian lấy rác kéo dài hơn, và công nhân cũng ầm ỹ hơn hẳn. Họ trò chuyện như vỡ chợ, có người còn gọi điện thoại, nói chuyện oang oang, chẳng biết gọi cho ai vào cái giờ khuya khoắt ấy.
Vào lần đầu phong tỏa toàn thành phố Sài Gòn, sự khác biệt về âm-thanh-của-đêm ngay lập tức bộc lộ. Xe rác vẫn tới đúng giờ và tiếng xe vẫn ồn ã, nhưng tiếng người thì nhỏ hẳn lại. Có vẻ những căng thẳng/âu lo quá lớn trong đời sống đã khiến công nhân vệ sinh trở nên lặng lẽ hơn, đầy chịu đựng. Bởi họ thuộc tầng lớp yếu thế trong xã hội, tầng lớp luôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhứt mỗi khi có biến động kinh tế. Do rác ít hẳn đi, thời gian lấy rác cũng ngắn lại. Một Sài-Gòn-thành-phố-tiêu-thụ đã giảm hẳn phần sôi động nhứt của mình, giảm hẳn những thú vui chơi/mua sắm/tiêu xài, mà không vui chơi-mua sắm-tiêu xài thì không có rác. Và cư dân trong thành phố không hề biết, chính thứ rác-thải-sinh-hoạt hàng ngày hết sức bình thường của họ, đã trở thành nguồn thu/nguồn sống cho một số ít những người nghèo/người thất cơ lỡ vận vẫn đang thở hít chung bầu không khí đô thị đầy khói xăng bụi mịn cùng với họ…
Buổi tối, sau giờ mà các bịch-rác-gia-đình đã được mang tới vất ở góc-rác, sẽ có nhiều lượt người-mót-rác xuất hiện. Tôi đã đứng trên hành lang lặng lẽ quan sát khi lần đầu nhìn thấy người phụ nữ với chiếc xe tay ga dựng gần đó đang lúi húi bên đống rác. Đầu tóc, quần áo cho thấy bà ta không phải dạng người nghèo tới mức phải đi mót-rác. Tuổi bà khoảng trên dưới sáu mươi, cái tuổi mà con cái đã trưởng thành, để có thể nhờ vả chúng nếu cần. Thời điểm đó là khi đại dịch đã trở lại Việt Nam, và làm đảo lộn hoàn cảnh sống của rất nhiều gia đình. Hàng vạn công ty vừa và nhỏ đã thua lỗ/phá sản. Rất nhiều người lao động đã mất việc làm, mất nguồn thu/nguồn sống. Người phụ nữ mới gia nhập nghề mót-rác này đã chuẩn bị rất kỹ: trên chiếc xe tay ga máng nhiều bao tải: loại lớn nhứt dùng để chứa thùng các-tông, còn loại nhỏ hơn dùng chứa vỏ lon nhôm, vỏ chai nước, đồ nhựa… Trong khi lục-rác, động thái của bà thật ung dung, không có vẻ gì xấu hổ/né tránh sự chú ý của người khác. Lục xong đống rác này, máng tất cả bao bì lên xe, bà lại rồ ga chạy tiếp tới những đống rác khác, trên một lộ trình trong-kế-hoạch. Tôi theo dõi bà chừng vài tháng thì thấy bà không còn chạy xe tay ga mà dùng xe Nhựt đời cũ. Sau đó, vào một số ngày, bà lại còn gánh các túi rác trên vai bằng chiếc đòn gánh mà nông dân vẫn dùng để gánh lúa (người chưa từng gánh gồng sẽ không thể làm được vì rất đau vai). Thời gian sau, lại thấy bà lại tiếp tục ngồi xe gắn máy cũ đi mót-rác. Sau những đợt dịch liên tiếp, tôi không còn nhìn thấy bà bên đống-rác-quen nữa, chẳng rõ việc gì đã xảy ra cho bà và gia đình, và những thay đổi nào đã đến cho những người có hoàn cảnh giống bà.
Tôi đã quen-mặt những người mót-rác-chuyên-nghiệp trên đống-rác-gần-nhà này. Họ là cặp vợ chồng tuổi khoảng ba mươi, đẩy một chiếc xe ba gác móc thêm nhiều bao tải quanh thùng xe, họ lục rất kỹ từ đống-rác-tập-thể tới những bịch-rác-gia-đình trước mỗi hè nhà, lượm lặt tất cả mọi thứ có thể đem bán. Cùng nghề-mót-rác với họ còn có ba, bốn người cả nam lẫn nữ đều đi xe đạp, tuần tự kẻ trước người sau ghé thăm-đống-rác, khi liếc thấy nó đã bị xốc xáo tới mức tanh bành, hiểu là chẳng còn gì để mót, họ lại đạp xe đi thẳng. Có một phụ nữ tuổi bốn mươi cao lớn khỏe mạnh, trước là người đi thu mua ve chai báo cũ, mặt mũi áo quần tươm tất, về sau ngày càng lôi thôi lếch thếch, mặc toàn áo sơ mi đàn ông cũ xin được, và hình như đã dạt ra sống vạ vật ở vỉa hè. Còn người đàn ông mỗi đêm vẫn ngồi xe lăn ngang qua dòm chừng đống rác, hễ thấy có thứ gì còn mót được thì tạt vào, cứ ngồi trên xe cúi xuống lục lọi những gì ở gần nhứt, trong tầm với của cánh tay.
Có một người đàn ông cao gầy tóc bạc tuổi đã ngoài bảy mươi, đẩy chiếc xe trên có người mẹ rất già, gầy lép ọp ẹp nửa nằm nửa ngồi, đêm nào cũng đi vòng vòng quanh khu vực, thấy nhà nào có lon nhôm vỏ chai nhựa đang vứt lăn lóc thì tạt vào lượm, bỏ trong các bao tải quàng quanh chiếc xe người mẹ đang ngồi. Nhiều lần, tôi thấy người này dừng xe để ghé vào mua một ổ bánh mì không, chẳng rõ đó sẽ là bữa khuya hay bữa sáng của hai mẹ con đều đã bạc trắng tóc.
Nhưng những gì nhìn thấy vào đêm 31 tháng 5 vừa qua đã khiến tôi muốn bịnh…
Lúc đó khoảng mười một giờ. Nghe âm thanh lệt xệt là lạ từ dưới đường, tôi ra hành lang nhìn xuống. Một bé gái chừng mươi tuổi đang kéo lê một chiếc túi to tướng trên mặt đường. Đó là một túi chứa các thứ rác mới mót được. Em tạt vào đống rác gần nhà tôi, ngồi sụp xuống lục lọi hồi lâu, hình như chẳng kiếm được thứ gì. Vẻ mặt đầy thất vọng và mệt nhọc, em đứng lên, vén lại tóc, còng lưng kéo cái bao đi tiếp.. Tối hôm sau, vẫn nghe tiếng lệt xệt, tôi lại ra hành lang nhìn xuống. Lần này bé gái không đi một mình. Một bé trai nhỏ hơn, chạy xe đạp phía trước để thám thính, nhìn thấy chỗ rác nào có vẻ còn mót được liền quay lại báo tin cho chị. Hai chị em mặt mày sáng sủa, áo quần sạch sẽ, đang đi tìm rác để mót đúng ngày Quốc tế Thiếu Nhi khiến tôi thấy mọi lời lẽ/hình ảnh mà báo chí, ti vi vừa leo lẻo nhắc tới quả thật mỉa mai. Có phải gia đình đã đói khổ tới mức cha mẹ phải đành lòng cho các em đi mót rác? Hay chính các em, khi thấy cảnh gia đình bế tắc đã tình nguyện gia nhập đội quân mót rác trong cái đô thị lớn nhứt nước này?
Những tối sau đó, tôi có ý chờ hai em, nhưng rồi qua nhiều đêm, tôi không còn trông thấy chúng. Có phải số tiền kiếm được từ việc mót-rác chẳng được bao nhiêu nên cha mẹ đã không cho các em làm tiếp? Liệu các em có còn được tiếp tục học hành hay đã phải bỏ học nửa chừng vì không còn đủ cơm ăn áo mặc…?
Chỉ một đống rác bình thường ở một khu dân cư bình thường mà đã có bao con người sống dựa vào đó, gởi hy vọng đời sống mình vào đó. Rác-nhà-nghèo té ra cũng nuôi được một số đồng loại thuộc dạng cực-nghèo!
Tháng 6, khu vực nhà tôi vẫn còn nhúc nhích được bởi chỉ giãn-cách-số-15, nhưng qua tháng 7 thì đống rác gần nhà đã teo tóp, tiều tụy hẳn, và vì vậy trở nên vắng-khách. Những người mót-rác-chuyên-nghiệp đi ngang qua nhìn lướt, chẳng buồn ghé lại, vì rõ ràng chẳng có gì để mót. Hàng quán đóng cửa, nhà nhà khép cửa, không còn thùng các-tông, lon nhôm, vỏ chai nhựa… , không còn các thứ rác giúp họ mòn mỏi sống qua thời kỳ dịch dã dài lâu…
Rác mà còn ốm đói, đủ biết con người đã kiệt quệ tới mức nào…
Khi tôi viết những dòng này, vào buổi tối đầu tiên Sài-Gòn-lại-phong-tỏa 9 tháng 7, tôi nhớ lại đêm qua, tôi đã thức tới 3 giờ sáng…
Để thấy, vẫn còn một ít xe cộ đang chạy thốc tháo trên đường lúc gần nửa đêm. Có lẽ những con người vội vã ấy đang lao nhanh nhứt để kịp về nhà trước khi phong tỏa có hiệu lực, tránh không bị phạt.
Để rồi sau 0 giờ, tất cả vắng tanh vắng ngắt, chẳng còn lấy một bóng xe/tiếng động.
Đúng là thành phố Sài Gòn đã bị ngắt-cầu-chì/tắt-năng-lượng.
Sài Gòn sẽ chịu đựng và sẽ tìm ra cách vượt qua, như đã từng… Chỉ cần chúng ta biết rõ chính mình…
Sài Gòn của tôi, thành phố đã giang tay chào đón khi tôi mười tám tuổi, thành phố đã khai mở con-người-công-dân/con-người-văn-hóa trong tôi, đã lặng lẽ trao cho tôi một mẩu nhỏ phẩm giá của mình, giúp tôi hiểu ra rằng mình cũng sẽ trao tặng lại cho thành phố những gì quý nhứt mình có, để bằng cách đó, góp phần tạo dựng một nơi chốn của cái đẹp, lòng tin, sự bao dung, niềm hy vọng, và nỗi khát khao tiến về phía trước, phía của ánh sáng.
Sài Gòn của tôi sẽ trở lại/phải trở lại, vẹn nguyên một Sài-Gòn-giá-trị-có-thật của Việt Nam thân yêu…
- Quảng Cáo -