Tháng Hai hàng năm, cuối Đông hay đầu Xuân thời tiết giao hòa không cần thiết phải chính xác nữa….
Chỉ biết mùa này Bạch Đào nở rộ. Vài ngày nữa, những cánh hoa mỏng manh sẽ rụng trắng cả đường đê trước nhà.
Cứ tự hỏi ngày tháng này, nơi ấy, nơi biên giới phiá Bắc ấy, Bạch Đào, Hồng Đào, và Sim tím có đã nở? 38 năm trước Hoa cũng nở như bây giờ? Và chúng bị đốn ngã chết tức tưởi cùng dân quân ở các tỉnh biên giới như thế nào, khi quân xâm lược Trung Cộng tràn qua vào tháng này ngày 17 năm 1979?
Sáng sớm ngày 17 tháng 2 năm 1979, 600 ngàn quân xâm lược Trung Cộng tấn công các tỉnh dọc biên giới Việt Nam: bao gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu.
Từ trang Wiki, Báo Quân đội Nhân dân csvn tháng Tư năm 1979 cho hay phía Việt Nam có hàng nghìn dân thường chết và bị thương. Còn theo tạp chí Time thì có khoảng dưới 10.000 binh sĩ Việt Nam bị thiệt mạng. Phía Trung Quốc tuyên bố bắt được khoảng 1.600 tù binh trong tổng số hơn 50.000 quân Việt Nam tham chiến tại mặt trận Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn.
Cuộc chiến đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về kinh tế cho Việt Nam: các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn, trường học, bệnh viện, nông trường, lâm trường, xí nghiệp, hầm mỏ bị san bằng và 80.000 ha hoa màu bị tàn phá, 400.000 gia súc bị giết và bị cướp. Hơn một triệu dân bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.
38 năm qua, chứng tích của trận chiến biên giới phía Bắc được ghi nhận bằng chừng đó những dòng chữ và những con số. Chúng hữu ích cho những người nghiên cứu lịch sử, và có lẽ chúng thật đáng ghét bỏ đối với những kẻ muốn lãng quên.
Thật vậy, 38 năm qua, chỉ có người dân và những chiến binh sống sót sau trận chiến, mới tưởng nhớ về trận chiến bảo vệ đất nước ấy. Hàng năm, họ vẫn có ngày tưởng niệm đồng bào bị nạn, các đồng đội đã hy sinh. Họ vinh danh những cái chết hằng sống này và truyền xuống các thế hệ kế tiếp để khơi giữ lòng yêu nước và sự tiết tháo sẵn sàng hy sinh bảo vệ đất nước.
Trong khi đó, bạo quyền csvn đã cố tình quên, cố tình xóa bỏ trận chiến mà qua trang Wiki, họ tuyên bố đã chiến thắng với những thành tích:
- Mặt trận Lạng Sơn: diệt 19.000 lính TQ, phá hủy 76 xe tăng, thiết giáp và 52 xe quân sự, 95 khẩu pháo-cối và giàn phóng hoả tiễn, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 4 tiểu đoàn (có hơi khác biệt so với kí sự Sư đoàn Sao Vàng).
- Mặt trận Cao Bằng: diệt 18.000 lính TQ, phá hủy 134 xe tăng, thiết giáp và 23 xe quân sự, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 7 tiểu đoàn.
- Mặt trận Hoàng Liên Sơn (Lào Cai): diệt 11.500 lính TQ, phá hủy 66 xe tăng, thiết giáp và 189 xe quân sự, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn.
- Mặt trận Quảng Ninh, Lai Châu và Hà Tuyên: diệt 14.000 lính TQ, phá hủy 4 xe tăng, thiết giáp, 6 xe quân sự, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn.
Tại sao trẻ con không được biết, người trẻ không được nhắc về chiến thắng “vẻ vang” này? Tại sao bia mộ của những người tạo nên chiến thắng đó lại bị phá hủy, bị bỏ hoang phế, không được trùng tu? và tại sao hàng năm người dân tổ chức tưởng niệm chiến thắng này lại bị nhà cầm quyền ngăn cản, bát hương bị lật đổ, vòng hoa bị dẫm đạp?
Nói đến mạng người thì dù một người bị chết oan hay chết vì hy sinh bảo vệ đất nước đều là đáng thương, đáng trân trọng.
Nhưng với csvn, để sòng phẳng, thì trong trận chiến được gọi là chiến tranh VN, do quân cs Bắc Việt tiến hành từ năm 1954 đến năm 1975, tức là trong 21 năm có một triệu mốt (1.1 triệu) bộ đội thương vong. Có nghĩa là một tháng có khoảng gần 5000 bộ đội bị chết.
Cộng sản VN chiến thắng trận chiến tương tàn này và hơn 40 năm nay luôn tổ chức ăn mừng.
Trận chiến Biên giới ngắn ngủi một tháng, có tới 10 ngàn bộ đội hy sinh để đẩy lui 600 ngàn quân xâm lược Trung Cộng, chiến thắng này bi tráng đến thế, tại sao csvn không ăn mừng, không tưởng niệm 10 ngàn cái chết hào hùng ý nghĩa vì bảo vệ tổ quốc? Tại sao lại muốn xoá bỏ?
Hôm nay nhìn Bạch Đào nở mà nhớ thương những người đã mất ở biên giới phía Bắc năm xưa.
Bạch Đào, Hồng Đào hay Sim tím thì tìm lại được, vì sau trận chiến hoa vẫn nở có phần thắm màu hơn. Nhưng những người mang thanh xuân ra chiến trường bảo vệ đất nước và nằm lại, thì không thể tìm được hình bóng họ. Thân xác họ đã trở thành cát bụi, nhưng thần khí của họ đã theo anh linh tiền nhân, hòa vào hồn thiêng sông núi.
Chúng ta hãy tin, hồn thiêng sông núi sẽ như mầm sống của những cội Đào, cội Sim sẽ hằng sống mãi, sẽ giữ giòng giống Việt luôn trường tồn và giang sơn Việt luôn được vẹn toàn bất kể những kẻ bán nước, vô ơn.
Ngày 17 tháng 2 năm 2017
Nguyễn thị Xuân Lộc – CTM Media