Ông Trump đề ra mục tiêu khó cho giao thương

John Lyons & William Mauldin - The Wall Street Journal

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cầm sắc lệnh rời bỏ TPP được ký ngày 23-1-2017. Ảnh: Reuters
- Quảng Cáo -

Đối với Tổng thống Donald Trump, rời bỏ TPP có thể là việc dễ nhất trong lời hứa tái tạo lại quan hệ giao thương toàn cầu và bảo vệ việc làm. Còn lời hứa đương đầu với Trung Quốc và đàm phán lại Hiệp Định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA) sẽ khó thực hiện hơn.

Tháo lật lại những quy luật giao thương hiện hữu có rủi ro làm tổn hại cho các công ty Hoa Kỳ buôn bán với Canada, Trung Quốc và Mexico, ba quốc gia đứng hàng đầu mua hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ. Hơn thế nữa, giao thương toàn cầu được cắm chặt vào nhiều hàng lớp luật lệ từ cuối thế chiến thứ Hai, rất khó để thay đổi các điều khoản mà không gây ra những hệ quả bất ngờ. Điều đó sẽ gây rắc rối cho nỗ lực của chính quyền ông Trump lấy lại nhượng bộ kinh tế từ các đối tác giao thương hiện hữu.

Theo Giáo sư Douglas Irwin, cũng là sử gia về chính sách giao thương Hoa Kỳ, thuộc Đại học Dartmouth, thì chính quyền ông Trump không lường trước việc này. Sẽ rất mất nhiều thì giờ và phức tạp, và có rủi ro gây tổn hại cho kinh tế Hoa Kỳ.

Bước kế tiếp cho Tổng thống Trump là tiếp xúc với lãnh đạo Canada và Mexico để mở màn việc đàm phán lại Hiệp Định NAFTA.

- Quảng Cáo -

Khi rời TPP, ông Trump nói rõ là ông muốn thương lượng giao thương với từng quốc gia một. Trong khi đó giới hậu thuẫn giao thương đa phương thì cho rằng làm vậy mới dễ dàng tạo ra chuẩn mực chung, và vùng mậu dịch lớn mới thu hút các quốc gia khác còn ngần ngại – một lý do chính để Nhật Bản vốn có chính sách bảo hộ ngành nông nghiệp của họ, đồng ý chịu mở cửa để tham gia vào TPP.

Nhiều người thuộc phe bảo thủ Hoa Kỳ cũng chuộng hiệp ước song phương vì cho rằng hiệp ước đa phương sẽ làm giảm chủ quyền của từng quốc gia một. Phụ tá ông Trump còn gợi ý rằng đàm phán riêng với từng quốc gia một dễ tạo áp lức lên đối tác hơn.

Giới lập pháp đảng Cộng Hòa có vẻ như chấp nhận hướng đi song phương của ông Trump. Rất có thể Hiệp Định NAFTA sẽ biến thành hai hiệp định song phương, một cái với Mexico và cái kia với Canada.

Ông Trump và các cố vấn còn ra dấu muốn đổi luật lệ về gốc gác của xe cộ và những ngành khác cũng như lập ra điều lệ để trừng phạt các quốc gia điều chỉnh giá tiền tệ để có lợi. Họ còn muốn thay đổi thuế đóng tại biên giới gây bất lợi cho giới sản xuất Hoa Kỳ.

Mỗi một việc nêu trên có thể gây ra nhiều tranh cãi tại Hoa Kỳ hay Bắc Mỹ nói chung. Có lúc Mexico và Nhật Bản tranh cãi nhau về điều lệ liên quan đến gốc gác xe cộ, thiết bị xe cộ đến từ đâu xém nữa là làm ngưng TPP trong năm 2015. Vấn đề phá giá tiền tệ cũng gây bất đồng trong giới lập pháp Hoa Kỳ năm đó và xém nữa là phá bỏ luật lệ cho phép ông Obama có quyền hành nhiều hơn ban hành luật. Bất đồng về vấn đề thuế khóa biên giới có thể làm cho chính quyền Trump đụng độ với WTO.

Ngay cả đàm phán với Canada và Mexico diễn ra nhanh chóng, Hiệp Định NAFTA mới cũng chỉ có thể ló dạng vừa đúng thời điểm bầu cử Quốc hội 2018. Ông Trump có thể đem các điều khoản mới của NAFTA để tái đàm phán với Nam Hàn, có hiệp ước song phương mới với các quốc gia Châu Á như Nhật và Việt Nam, hay ngay cả Anh Quốc, đang tìm cách thoát ly Liên Âu.

Để giúp lèo lái vượt qua những luồng sóng đối nghịch, ông Trump lập ra một nhóm cố vấn giao thương rành rọt về chính sách quốc tế và thương mại với Trung Quốc. Họ gồm có ông Wilbur Ross, Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ, ông Robert Lighthizer, Đại Diện Giao Thương Hoa Kỳ.

Một số nhà phân tích theo dõi chính sách của ông Trump nhận định là lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và một số quốc gia xuất khẩu lớn khác có thể giúp rút ra được một số nhượng bộ kinh tế hay ngay cả dẫn đến giao kết mới.

Dù vậy, với luồng phản ứng bất lợi đối với những hiệp ước giao thương giúp cho ông Trump lên nắm quyền, ông sẽ gặp chống đối với những giao kết nào không đáp ứng được mục tiêu của giới lập pháp nội địa, bất kể lý do chính đáng nào của các hiệp ước quốc tế.

Ông Trump vẫn có một lợi thế: điều gọi là thẩm quyền cấp tốc, một quyền lực đặc biệt về giao thương mà Quốc hội thông qua dưới thời ông Obama nhằm bảo đảm biểu quyết đúng thời hạn cho các hiệp ước thương mại, mà không bị chậm trễ.

Trên bình diện rộng, việc rời bỏ TPP là biểu hiện của Hoa Kỳ xa rời chủ trương khuyến khích các khu vực mậu dịch tự do để tăng trưởng. Trên trang mạng của Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ có một đoạn văn ngắn về “Chính Sách Thương Mại của Hoa Kỳ Trước Nhất”. Đoạn văn ghi, “Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ nỗ lực để xếp đặt lại khung cảnh chính sách giao thương có lợi cho tất cả người dân Mỹ”.

Để giữ lại công ăn việc lại tại Hoa Kỳ, ông Trump và nhiều người khác đề xướng những ý tưởng như xé bỏ các hiệp định giao thương hiện hữu như NAFTA, dựng lên các rào cản giao thương, ưu tiên các giao kết song phương với từng quốc gia một hơn là hiệp ước đa phương với các khu vực mậu dịch – một chiến lược từng được chính quyền ông George W. Bush áp dụng.

Bài toán của ông Trump tái tạo giao thương Hoa Kỳ có hữu hiệu hay không sẽ biết khi chính quyền Mỹ đương đầu với hai quốc gia mà họ cáo buộc là lấy đi công ăn việc làm của Hoa Kỳ, đó là Trung Quốc và Mexico. Hai quốc gia này gộp lại chiếm 1 nghìn tỉ đô la trong giao thương hàng hóa, hay 30% tổng số xuất/nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Ông Trump hăm dọa đánh thuế 45% lên hàng hóa Trung Quốc trừ khi họ chịu ngưng những biện pháp như trợ cấp cho ngành sản xuất thép. Tuy ông Trump có thể tăng thuế quan, hành động đó vi phạm vào điều lệ của WTO, sẽ khiến cho Trung Quốc và các quốc gia khác có biện pháp trả đũa.

Ông Trump còn hứa là sẽ tuyên bố liệt kê Trung Quốc vào hàng “phá giá tiền tệ”, tức là chính sách giữ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp. Việc mệnh danh đó sẽ giúp Hoa Kỳ có cớ tăng thêm thuế quan đối với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc gần đây đã tìm cách để đồng tiền không xuống thấp quá, thành ra Hoa Kỳ khó mà có lý do để cáo buộc.

Tăng thuế quan sẽ gây ra chiến tranh giao thương với nền kinh tế thứ nhì trên thế giới. Điều đó sẽ tác động các công ty Hoa Kỳ đang làm ăn tại Trung Quốc và gây tổn hại cho các đồng minh Hoa Kỳ như Nam Hàn và Nhật Bản, đang cung cấp cho Trung Quốc nhiều thiết bị để sản xuất cho xuất khẩu. Kết quả như thế sẽ gây hại cho lợi ích an ninh của Hoa Kỳ trong vùng.

Cuộc gặp gỡ giữa ông Trump với lãnh đạo Canada và Mexico sẽ giúp hé mở thêm những thay đổi gì ông muốn đối với NAFTA. Để hai bên kia nhượng bộ, Hoa Kỳ cũng phải có gì đó có qua có lại.

Nếu Hoa Kỳ dẹp bỏ NAFTA, thì giao thương với Mexico và Canada sẽ trở lại theo điều lệ của WTO, tức là vẫn khuyến khích giao thương tự do. Thuế quan 0% trên xe cộ theo NAFTA, thì bây giờ có thể tăng lên 2.5% theo điều lệ của WTO.

Ông Matt Gold, Giáo sư luật tại Đại học Fordham và từng là Phó Thứ trưởng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ, đưa nhận xét, “Đây là một loại bãi mìn mà ông Trump đang đứng ngay giữa. Bước đi mé nào cũng dẫm lên mìn, tạo thành những chuỗi phản ứng.”

Hoàng Thuyên lược dịch

 

- Quảng Cáo -

3 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here