Tiến Sĩ Lê Kế Sơn, nguyên Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Môi Trường của chính phủ CS Việt Nam đưa ra khuyến cáo: Đã đến lúc phải dũng cảm thay đổi công nghệ, không thể để những công nghệ xử lý rác xả ra nước thải có chứa dioxin vượt tới 5.000 lần mức cho phép như hiện nay.
Theo các chuyên gia thực hiện nghiên cứu phát thải dioxin từ hoạt động công nghiệp ở Việt Nam, việc hàng loạt nhà máy xử lý rác thải thải dioxin vượt mức cho phép chính là nguồn phát thải dioxin và các hợp chất có độc tính giống dioxin ra môi trường (gọi tắt là DRCs). Vì thế, để hạn chế tối đa việc hình thành và phát thải DRCs từ hoạt động công nghiệp cần quản lý chặt chẽ các cơ sở thiêu đốt chất thải, yêu cầu ngừng hoạt động với các lò đốt lạc hậu, cải tiến công nghệ đang và sẽ vận hành.
Tiến Sĩ Sơn nói rằng trong những năm qua Việt Nam chú tâm quá nhiều đến độ dioxin từ nguồn gốc chiến tranh, không để ý đến dioxin thải ra từ công nghiệp.
Ông đưa thí dụ là hồi 2010, các nhà khoa học Nhật Bản đã lấy mẫu thử nghiệm ở Cần Giờ và Hà Nội, kết quả cho thấy Hà Nội là nơi không hề bị rải chất mầu da cam mà lại có độ dioxin cao gấp 40 lần độ dioxin ở Cần Giờ.
Tiến Sĩ Sơn đề nghị chính phủ CS Việt Nam phải áp dụng những biện pháp chặt chẽ, phải đổi mới các công nghệ xử lý rác thải công nghiệp để bảo vệ môi trường.