Liều mạng

- Quảng Cáo -

Nguyen Khan|

Nông dân Thái Lan gọi nông dân Việt Nam là dân liều mạng. Bởi đối với người Thái, công nghệ sau thu hoạch của họ rất hiện đại, đúng tầm của một nước dẫn đầu thế giới về sản xuất lúa gạo, với hệ thống chọn giống theo thị hiếu khách hàng, thu hoạch, làm khô, kho chứa, khâu tiêu thụ…bảo đảm thu nhập cao nhất cho các nông gia. Vậy mà nếu chưa có hợp đồng tiêu thụ, họ sẽ bỏ ải ruộng chứ không gieo giống. Trong lúc nông dân Việt Nam, luôn bị các nhóm lợi ích lúa gạo chèn ép, cùng với quá nhiều khâu trung gian ăn hết lợi tức, biến nông dân Việt Nam thành những con bò sữa ốm yếu, bị nhóm lợi ích cá mập và các khâu trung gian vắt kiệt sức, trở thành giai cấp bần cùng, đến nỗi người ta có thể kết luận ngay lập tức bạn là người nghèo mà không sợ tranh cãi nếu bạn nói bạn là nông dân trồng lúa. Vậy mà…cứ thu hoạch xong vụ này là xuống vụ khác, không cần biết có bán được lúa không, thành quen với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, không phải là dân liều mạng thì là dân gì ?

Nói cho đúng hơn, thực trạng khó khăn của nông dân Việt Nam là do tầm quản lý vĩ mô của nhà nước, vượt tầm với của người nông dân. Tiếc rằng, cho đến lúc này, chưa thấy Đảng của giai cấp công nông làm được phần nào những điều mà chính phủ Thái đã làm cho nông dân của họ. Đã vậy, có “an cư mới lạc nghiệp”, với chủ trương lỗi thời đất đai là sở hữu toàn dân, mảnh đất nào coi được dễ lọt mắt xanh của bọn cá mập bất động sản, thì đương nhiên người nông dân canh tác trên mảnh đất đó, nếu không bị đói nghèo vì mất sinh kế cũng thành dân oan đầu đường xó chợ. Bọn cá mập giải thích đất đai là sở hữu toàn dân để nhà nước dễ dàng thu hồi đất phát triển kinh tế xã hội. Vậy chẳng lẽ từ ngàn năm qua, và từ khắp nơi trên thế giới, với chính sách tư hữu đất đai, nhân loại không phát triển kinh tế xã hội được? Các nước giàu có đều tôn trọng và bảo hộ tư hữu đất đai, vì sao họ giàu mạnh ? Vì sao các nước không công nhận quyền tư hữu đất đai đều phát triển không bền vững, đa số không đủ gạo ăn? Nói thế để hiểu một trong những nguyên nhân làm người nông dân nghèo thêm là họ không có quyền tư hữu tài sản giá trị nhất, cũng là phương tiện làm ăn duy nhất của họ là đất đai, trong lúc các giai cấp khác đều ăn nên làm ra do họ có quyền tư hữu các loại tài sản và phương tiện làm ăn của họ.

Có thể nói, đối với XHCN đời đầu, thì lương thực là mặt hàng cực kỳ quý hiếm, đến nỗi khi phương Tây dùng vàng làm bản vị, tức kim bản vị, thì từ sau 30/4/1975 cho đến giữa thập niên 80 thế kỷ trước, Việt Nam dùng lúa làm bản vị để định giá các loại hàng hoá khác. Định giá một món hàng bằng cách quy ra tương đương bao nhiêu kg thóc để thành giá. cho nên có thể gọi là lúa bản vị. Từ đó mới hình thành cái sổ hộ khẩu và tem phiếu. Lớp trẻ ngày nay không thể nào hiểu nỗi hệ thống tiền tệ Lúa Bản Vị, và cũng chẳng hiểu tại sao chỉ có các nước XHCN mới có sổ hộ khẩu, và vì sao phải bỏ hộ khẩu.

- Quảng Cáo -

Cũng may là XHCN đời đầu vẫn còn duy trì ở Triều Tiên, Cuba, Venezuela, Zimbabwe để hậu thế hiểu, vì sao Triều Tiên, Cuba thiếu lương thực trầm trọng, vì sao nhân dân Venezuela phải bươi rác kiếm ăn, và vì sao Zimbabwe là nước nông nghiệp phát triển nhất Châu Phi mà nhân dân Zimbabwe đói vàng mắt. Bởi trong thời bao cấp, Việt Nam cũng phải dùng khoai, sắn, bo bo và…những gì có thể ăn được để chống đói mà vẫn không đủ no lòng, trong đó nếu không có cái sổ hộ khẩu, và nếu không có tên trong sổ hộ khẩu, thì chết đói là chắc chắn.

Nguyên nhân là do chính sách hợp tác hoá trong nền kinh tế kế hoạch, hình thành tệ nạn tập trung quan Liêu bao cấp làm tiêu tan động lực phát triển, hình thành chủ trương xin – cho, tạo ra tiêu cực gây bất công trầm trọng xã hội. Đến nỗi ngày nay, khi nghe nói đến cụm từ hợp tác hoá, tức hợp tác xã, là người dân mất lửa khi nhớ lại thời khoai sắn bao cấp trước đây, rùng mình khi nghĩ đến Triều Tiên, Cuba, Venezuela, Zimbabwe.

Chẳng biết đến bao giờ nông dân Việt Nam mới thoát cảnh “liều mạng” ? Và một vị lãnh đạo hàng đầu Việt Nam đang định hướng phát triển HTX, không biết là HTX kiểu gì ?

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here