Một trong những việc mà Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 tiến hành ngay là thực hiện một phù hiệu để làm biểu tượng cho Đại hội Thể thao này. Tháng 09/2014, Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 ra thông báo kêu gọi mọi người khắp nơi, không phân biệt quốc tịch gởi mẫu design đến dự thi (mỗi người gởi bao nhiêu mẫu cũng được),mẫu nào đẹp, có ý nghĩa nhất được Ủy ban Tuyển khảo chọn sẽ được trao giải thưởng gồm một huy chương, một bằng cảm tạ và 1 triệu yen (gần 10 ngàn mỹ kim). Trong 104 mẫu gởi đến dự thi, mẫu của designer Sano Kenjiro (42 tuổi) được chọn. Ngày 24/07/2015 là ngày trao giải thưởng và cũng là ngày mà Ủy ban Tuyển khảo chính thức công bố phù hiệu biểu tượng Olympic Tokyo 2020 cho cả thế giới biết.
Ai cũng nghĩ như thế là xong chuyện, nhưng chỉ 1 tuần sau, vào ngày 31 tháng 7, ông Oli Debie, một designer thiết kế thương hiệu cho một rạp hát ở Bỉ đã cho báo chí biết rằng: nhiều người báo cho tôi biết phù hiệu Olympic Tokyo 2020 đã nhái theo thương hiệu của rạp hát Deliège mà tôi thực hiện. Tôi vào Internet để xem và quả thật thấy đúng như vậy nên đã hội ý với chủ rạp hát và đi đến quyết định gởi thư cho Ủy ban Olympic Thế giới (IOC) yêu cầu không được sử dụng phù hiệu Olympic Tokyo 2020 theo mẫu thiết kế của ông Sano Kenjiro, nếu không thì chúng tôi sẽ kiện IOC ra tòa. IOC họp báo cho biết là đã xem xét rất kỹ và không thấy nó phỏng theo mẫu design của rạp hát Deliège nên thấy chẳng có vấn đề gì, chúng tôi đã trình bày cho phía đòi nạp đơn kiện nhưng rất tiếc là họ không chịu nghe mà vẫn tiến hành kiện tụng, chúng tôi tin chắc ra tòa IOC sẽ thắng.
Sau khi biết được ý kiến của IOC là như thế nên designer Sano họp báo cho biết đây là mẫu do tôi nghĩ và thiết kế ra chứ hoàn toàn không biết gì về logo của rạp hát Deliège.
Ủy ban Tổ chức Tokyo Olympic 2020 cũng họp báo cho biết là designer Sano đã khẳng định như vậy, hơn nữa mẫu design này chúng tôi đã nạp cho Ủy ban Olympic Thế giới check lại và được chấp nhận nên không có vấn đề gì.
Các cơ quan truyền thông Nhật và trên các trang web liền tiến hành những cuộc thăm dò ý kiến với kết quả gần như giống nhau 73% cho rằng nó giống mẫu của rạp hát Deliège, số còn lại trả lời không giống.
Ngoài kết quả này ra, người ta còn phát hiện thêm nhiều mẫu designe khác của ông Sano là phỏng theo mô hình của một số thương hiệu, điển hình nhất là mẫu design mà ông Sano vẽ cho hãng rượu Suntory dùng để in lên giỏ xách làm quà tặng cho khách hàng là phỏng theo mẫu của một designer khác, Suntory phát hiện ra chuyện này nên đã hủy khế ước với designer Sano và không dùng các giỏ xách đó làm quà tặng nữa. Designer Sano nhìn nhận có lỗi lầm nhưng mập mờ đổ lỗi cho các phụ tá của mình.
Thêm một chuyện nữa là Thảo cầm viên Higashiyama ở Nagoya nghi là phù hiệu của mình đang sử dụng do ông Sano vẽ mẫu là bắt chước theo phù hiệu của viện Bảo tàng quốc gia Costa Rica ở Trung Mỹ nên đã nhờ người điều tra và kết quả là khá giống, nhưng viện Bảo tàng đó không thèm kiện tụng gì cả.
Qua những sự việc trên đa số ý kiến cho rằng tốt nhất là chẳng nên sử dụng mẫu design của Sano làm phù hiệu cho Olympic Tokyo 2020 cho dù nó không phải là hàng nhái, biểu tượng một đại hội thể thao lớn của thế giới mà bị nghi kỵ là đồ nhái rồi còn bị đem ra tòa kiện thì đâu có tốt. Vì bị dư luận trong và ngoài nước đàm tiếu nên mới đây Ủy ban Tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã quyết định không sử dụng phù hiệu của designer Sano nữa mà sẽ tổ chức tuyển chọn lại. Ký giả tìm đến phỏng vấn designer Sano nhưng ông ta tránh mặt với lý do phải nhập viện. Thiệt hại nặng nhất là các công ty bảo trợ vì họ đã in và cho treo, dán không biết bao nhiêu bích chương quảng cáo, tặng phẩm cho khách hàng có phù hiệu Olympic Tokyo 2020 của designer Sano nay phải bỏ hết, theo ước tính thì tổng số tiền thiệt hại của các xí nghiệp lên đến 67 tỷ yen. Ai sẽ bồi thường số tiền thiệt hại này cho các hãng là câu hỏi đang làm nhức đầu Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020, nhưng theo Tổng Giám đốc hãng Toyota cũng là Chủ tịch Liên đoàn các nhà đầu tư Nhật thì trong buổi họp mới đây Liên đoàn không trách nhiệm đứng ra đòi bồi thường mà tùy vào quyết định của từng hãng.