Kính nể các thủ tướng Nhật Bản

- Quảng Cáo -

Nguyen Ngoc Chu

  1. ĐẶT QUYỀN LỢI NHÂN DÂN TRÊN QUYỀN LỢI CÁ NHÂN VÀ ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ

Ngày 28/8/2020, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố từ chức. Ông nói trong cuộc họp báo:

“Tôi đã quyết định từ chức Thủ tướng”. “Tôi không muốn bệnh tật dẫn tới những sai lầm trong các quyết sách quan trọng”.

“Tôi xin lỗi từ tận đáy lòng mình rằng mặc dù được sự ủng hộ của người dân Nhật Bản, nhưng tôi vẫn quyết định từ chức dù vẫn còn 1 năm nhiệm kỳ. Tôi không thể làm Thủ tướng nếu tôi không thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho người dân” (https://dangcongsan.vn/…/thu-tuong-nhat-ban-abe-shinzo…).

- Quảng Cáo -

Ngày 03/9/2021, người kế nhiệm ông Shinzo Abe là đương kim Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga lại tuyên bố từ chức. Ông Suga cho biết:

“Như tôi đã nhiều lần nói với mọi người, bảo vệ mạng sống và sức khỏe của người dân là trách nhiệm của tôi với tư cách thủ tướng. Đó là những gì mà bản thân tôi cống hiến”.

“Tôi nhận ra tôi cần nguồn năng lượng rất lớn. Tôi không thể làm cả hai việc (tái tranh cử và xử lý đại dịch). Tôi phải chọn một việc thôi” (https://tuoitre.vn/vi-sao-thu-tuong-nhat-bat-ngo-quyet…).

Các Thủ tướng Shinzo Abe và Yoshihide Suga đã đặt quyền lợi nhân dân Nhật Bản lên trên quyền lợi cá nhân và đảng phái chính trị. Tuy còn sức khoẻ, còn rất minh mẫn, được nhân dân ủng hộ, nhưng ông Shinzo Abe từ chức trước nhiệm kỳ 1 năm vì “tôi không muốn bệnh tật dẫn tới những sai lầm trong các quyết sách quan trọng”, “tôi không thể làm Thủ tướng nếu tôi không thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho người dân”. Còn ông Yoshihide Suga thì “bảo vệ mạng sống và sức khỏe của người dân là trách nhiệm của tôi với tư cách thủ tướng”, “tôi cần nguồn năng lượng rất lớn”, “tôi không thể làm cả hai việc”, “tôi phải chọn một việc thôi”.

Nước Nhật hùng mạnh là bởi họ có những nhà lãnh đạo như thế. Họ không tranh luận về chủ thuyết. Họ không hô khẩu hiệu. Họ hành động. Họ biết tuy họ vĩ đại, nhưng còn có nhiều người vĩ đại hơn – nên phải nhường bước. Nếu họ là người vĩ đại nhất thì nước Nhật hết đường tiến.

  1. HỌC THẦY KHÔNG TÀY HỌC BẠN

Nhân việc từ chức của các Thủ tướng Nhật Bản lại nhớ đến câu tục ngữ Việt Nam “học thầy không tày học bạn”. Sự học là không ngừng. Tuổi nào cũng phải học. Chức vụ nào cũng phải học. Ở vị trí càng cao, trọng trách càng lớn – càng phải coi trọng sự học. Từ xa xưa, các triều đại khác nhau kéo theo sự học khác nhau. Sự học là tấm gương phản chiếu triều đại. Sự học phản ánh tình trạng “sức khoẻ” của triều đại. Triều đại lành mạnh thì sự học lành mạnh. Triều đại bệnh tật thì sự học bệnh tật.

Ở các triều đại bệnh tật thì vua chúa không chịu học. Bởi tai chỉ nghe được những lời tụng ca anh minh vạn tuế, mắt chỉ thấy được lớp nịnh thần bao quanh. Khi vua chúa không quan tâm đến sự học, thì nhiều kẻ không học lại thành kẻ đi rao dạy, xã hội vì thế mà băng hoại, triều đại vì thế mà sụp đổ.

Có nhiều con đường học. Một trong số đó là: “học thầy không tày học bạn”. Có ai học các ông Shinzo Abe và Yoshihide Suga không?

  1. VÀ “THƯỚC ĐO” VỊ THẾ QUỐC GIA

Từ kính nể các ông Shinzo Abe và Yoshihide Suga mà nghĩ đến các “thước đo” vị thế quốc gia.

Quốc gia được kính nể khi có những nhà lãnh đạo được kính nể. Quốc gia không thể hùng cường khi các quan lại tham nhũng trở thành tầng lớp giàu có bậc nhất nước. Nhà nước không thể vững mạnh khi quan chức tham quyền cố vị. Từ lãnh đạo tự nguyện từ chức cũng biết được sự mạnh yếu của một quốc gia./.

#ShinzoAbe #Yoshihide Suga #NhậtBản

- Quảng Cáo -