Tế Hanh, quãng đời thơ đã mất (1)
Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh năm 1921 (Tân Dậu) tại làng chài vên biển tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 1939, Tế Hanh đã có tập thơ “Nghẹn ngào” được giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn. Các nhà thơ mới khi ấy, mỗi người đã như một tinh cầu chói sáng với những tư tưởng, cảm quan lớn lao và khác lạ so với sự cũ kỹ và đơn điệu trước đó. Chế Lan Viên làm sống lại lịch sử và những nước non đã mất; Xuân Diệu làm hoa lá cũng phải bừng dậy để yêu nhau; Huy Cận với cảm quan vũ trụ; Hàn Mặc Tử đồng hóa hồn mình với sự vật, sáng tạo hẳn một thế giới vừa gần gũi, vừa kỳ bí của tâm linh; Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Vĩ… dấn thân trong thác loạn.
Trên con đường lớn của văn nghệ, mỗi nhà văn, nhà thơ đều có một phong cách và một lối đi riêng. Có lối đi nở đầy hoa trong hiện tại nhưng mau chóng mờ nhạt và bặt hẳn dấu tích trước nhịp bước thời gian. Có lối nhỏ luồn qua hẻm núi, rừng gai hôm nay, một ngày nào đó chợt mở òa đài lộ. Có tiếng nói, có con đường hôm qua được đồng cảm, nâng niu mà hôm nay và ngày mai cũng được nâng niu, đồng cảm – đó là đường thơ Tế Hanh.