Châu Nam Việt (VNTB)
Mới đây, nhà chức trách tại TPHCM vừa quyết định lập Tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng và giao Ngân hàng Nhà nước hàng ngày phải thu thập, chuyển giao thông tin, tài liệu của khách hàng mua vàng miếng SJC trên địa bàn cho công an. Nhà cầm quyền cho rằng, việc này nhằm phát hiện nghi vấn đầu cơ vàng.(1)
Vàng từ lâu đã được người Việt Nam coi như một hình thức tích trữ tài sản an toàn và phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế biến động hiện nay. Việc nhà cầm quyền thu thập thông tin chi tiết về người mua vàng không chỉ vi phạm quyền tự do cá nhân mà còn tạo ra tâm lý e ngại, lo lắng trong dân chúng. Thay vì đưa ra những biện pháp kinh tế hợp lý để điều tiết thị trường, thì họ lại can thiệp một cách thô bạo khi thu thập thông tin người mua vàng.
Lưu ý rằng vàng không phải là hàng cấm, cũng không phải của nhà nước, mà chỉ là hàng hóa có giá trị cao, cho nên việc đầu cơ hay đầu tư gì là quyền của người mua, người bán. Trong khi đó, Việt Nam đang muốn được Hoa Kỳ xác nhận là nền kinh tế thị trường. Nếu kiểm soát, lập danh sách, theo dõi thông tin tài sản, giao dịch của người dân như vậy thì còn lâu mới thật sự trở thành một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Thị trường hiện nay không phải là thời ‘tem phiếu’ của ngày xưa, vì vậy cần phải có biện pháp quản lý phù hợp chứ không thể cứ cái gì quản không được thì cấm. Thật ra thì chưa cần tới Hoa Kỳ tác động tới Việt Nam, mà việc kiểm soát thị trường vàng theo kiểu này chắc chắn đã gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Bên cạnh đó, điều 21, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định rõ quyền riêng tư của cá nhân là bất khả xâm phạm, đồng thời phát triển mở rộng phạm vi quyền riêng tư không chỉ là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín mà còn bao gồm quyền bảo vệ bí mật cá nhân, trong đó có thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Cho nên việc thu thập thông tin người mua vàng của nhà cầm quyền cũng là hành vi vi hiến.
Mặc khác, việc thu thập thông tin người mua vàng có thể tạo ra những nguy cơ tiềm tàng cho người sở hữu vàng, biến họ trở thành mục tiêu của tội phạm. Nếu danh sách người mua vàng bị hack thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Thông tin này, nếu rơi vào tay kẻ xấu, có thể bị sử dụng để xác định những người có tài sản đáng kể và thực hiện các hành vi như trộm cắp, cướp giật, hay tống tiền.
Trước đây, các nhà mạng viễn thông cũng yêu cầu người dân định danh số điện thoại để chống tin rác, xong cuối cùng thông tin người bị lộ tràn lan. Tin rác chưa chống được mà lừa đảo, quảng cáo ngày càng xuất hiện trong điện thoại cá nhân rầm rộ. Tại sao thông tin bị lộ thì có nhà mạng, nhà nước mới rõ. Bây giờ thông tin người mua vàng sẽ được bảo mật như thế nào, chẳng ai chắc chắn!
Cuối cùng, việc thu thập thông tin người mua vàng như vậy, chắc chắn người mua bán vàng sẽ tìm đến thị trường đen giao dịch để không bị ràng buộc về thông tin. Lúc đó giá vàng sẽ còn bị đẩy lên cao hơn nữa, vàng lậu sẽ ồ ạt tràn qua biên giới và sẽ có nhiều thất thoát cho ngân sách hơn. Cho nên, nền kinh tế thị trường nên để thị trường quyết định. Nhà nước chỉ nên can thiệp các chính sách vĩ mô và bỏ độc quyền vàng, chứ không nên can thiệp đến quyền riêng tư cá nhân của người mau vàng.
Tham khảo: