Khu vực nổi tiếng khô hạn nhất nước là vùng tam Phan: Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết. Trong đó Phan Rí và Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận.
Bình Thuận ở cực Nam Trung Bộ, là tỉnh khô hạn nhất nước. Trước đây nổi tiếng nhiều ma nhất: “Cọp Biên Hòa, Ma Bình Thuận”. Chắc là do lúc ấy rừng núi rậm rạp, thưa người?
Điều ngạc nhiên là, tuy là tỉnh khô hạn nhất nước, nhưng Bình Thuận sở hữu diện tích rất lớn rừng nguyên sinh, thảm thực vật rất giá trị, cây rừng rất nhiều gỗ quý, thu hút lòng tham của rất nhiều dạng lâm tặc, từ dân lâm tặc đến quan lâm tặc…
Ngạc nhiên hơn nữa, là từ ngày tách khỏi tỉnh Thuận Hải cũ, thành lập tỉnh Bình Thuận đến nay, chưa có một nhiệm kỳ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận nào mà ê kíp cán bộ lãnh đạo cao cấp của tỉnh không bị kỷ luật hoặc tù tội.
Hai phạm trù khiến cán bộ ở tỉnh Bình Thuận, từ cán bộ nhỏ đến cán bộ lớn, thường dính chàm, là đất đai và phá rừng. Trong đó vụ án phá rừng Tánh Linh Bình Thuận nổi đình nổi đám cả nước trong những năm đầu thế kỷ này là một ví dụ. Có thể vụ án phức tạp ấy đã mở màn tiền lệ xấu ở Bình Thuận là các cán bộ lãnh đạo tỉnh thường khó thoát kỷ luật hoặc tù tội, và mở ra lời nguyền linh thiêng không tốt cho bất cứ ai phá rừng dưới bất cứ hình thức nào? Bởi Bình Thuận rất nhiều Ma, Ma sẽ ám… Tất cả những ai phá rừng?
Việc vi phạm quản lý đất đai và phá rừng tại Bình Thuận thường có quan hệ qua lại với nhau. Mục đích của phá rừng, ngoài việc khai thác gỗ quý, còn nhằm chiếm đất (sau khi phá xong rừng).
Người ta hay vẽ dự án để hợp thức hóa việc phá rừng. Nói cách khác, núp bóng dự án để phá rừng hợp pháp, như số phận của khu rừng nguyên sinh giá trị ở xã Mỹ Thạnh huyện Hàm Thuận Nam đang “ngàn cân treo sợi tóc”, vì hơn 600 ha thảm thực vật nguyên sinh quý hiếm nơi đây sắp sửa bị phá sạch, khai thác sạch bách cây, gỗ… Cho dự án hồ thủy lợi Kapet, và cho lòng tham khôn cùng của ai đó?