Đính chính: “Rừng nghèo” thì nên phá để làm giàu?

- Quảng Cáo -

Chu Mộng Long

Nhà báo, biên tập viên VTV Thu Uyên tận mắt chứng kiến rừng ở Bình Thuận, nơi có 600 ha rừng chuẩn bị biến thành hồ chứa nước.

Không có bình luận chủ quan, tức thấy sao nói vậy. Theo cô, đó chỉ là rừng khộp, chủ yếu là cây dầu, cây tung, một ít bằng lăng chưa tới vài mươi tuổi. Đó là “rừng nghèo”, tức không có gỗ quý hay tài nguyên gì. Mạch nước chỉ là con suối nhỏ. Ở đó có rẫy của đồng bào thiểu số.

Thu Uyên chưa hiển ngôn rằng có nên phá không, chỉ nói ích lợi của việc biến khu rừng đó thành hồ. Điều đó cũng có nghĩa là nếu “phá rừng nghèo” thì cũng chẳng có gì đáng tiếc. Vì đó là phá cái nghèo của rừng để làm giàu cho con người!

- Quảng Cáo -

Tôi tôn trọng quan điểm của cô, cũng như quan điểm của mọi người. Chỉ đặt câu hỏi: Cái mạch nước tạo ra con suối mà cô bảo khá nhỏ ấy từ đâu mà ra? Khi phá khu rừng này, con suối và cả mạch ngầm bên dưới lòng đất của vùng này liệu có còn không? Nếu hồ chỉ hứng nước mưa thì cái vùng ít mưa này mỗi trận mưa có đủ sức lưu giữ và tưới tiêu cho cả năm?

Cây giữ nước và tạo mạch nước không nhất thiết phải là cây gỗ quý. Thậm chí loại cây gỗ thân mềm như sung, lộc vừng, gòn, gáo… mới càng có khả năng giữ và điều tiết nước cao hơn.

Cả tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi gắn bó với rừng. Khi khát nước ở tại nơi xa con suối, chỉ cần chặt một nhánh cây thân mềm, thậm chí một sợi dây leo, đã có thể lấy nước uống.

Ở quê tôi, sau chiến tranh, cánh rừng nguyên sinh bị phá ba đợt.

Đợt một do dân quanh vùng khai thác gỗ để làm nhà. Chưa gọi là phá, vì dân chỉ khai thác những cây gỗ danh mộc, vừa tầm cây cột cây kèo. Cây to không chặt, vì có muốn cũng không có sức khi công cụ chỉ là chiếc rìu. Loại gỗ tạp càng không. Khai thác vài chục năm rừng vẫn xanh um. Ba con suối vẫn chảy quanh năm. Đồng ruộng xung quanh vẫn giữ độ ẩm vì mạch ngầm cuồn cuộn. Giếng đào chưa tới 2 mét là ngập nước.

Đợt 2 là khi rừng bắt đầu được bảo vệ bởi kiểm lâm. Nói thêm là rừng ở quê tôi cũng có ruộng rẫy, từ nhiều đời. Từ khi hồ do vương quốc Bỉ hỗ trợ đầu tư, xã lệnh cấm dân làm ruộng làm rẫy ở chân núi để bảo vệ hồ. Nhưng cũng là lúc dân nơi khác tràn đến, toàn dùng cưa máy và xe kéo ầm ầm khai thác gỗ. Những cây cổ thụ năm bảy người ôm bị cưa sạch. Rừng bắt đầu loang lổ những khoảng trống. Khai thác hết gỗ to thì đến gỗ nhỏ. Nhưng các khe nước vẫn chảy, mạch nước vẫn còn. Ba con suối vẫn chảy quanh năm. Là vì cây to dù bị chặt thân thì gốc vẫn còn, nó vẫn hút nước và xả nước để nuôi mầm. Đặc biệt là loại cây gỗ tạp như cầy, sung, lộc vừng, gáo là cái bộ máy điều tiết nước rất tốt.

Đợt thứ ba là mươi năm trở lại đây. Người ta khai thác cả phần gốc rễ, kể cả loại cây gỗ tạp, thân lùm để chơi cảnh. Một cuộc đào bứng đúng nghĩa “đào tận gốc trốc tận rễ”. Lệnh cấm dân làm ruộng làm rẫy để bảo vệ hồ, nhưng thay vào đó là nhà quan hợp thức hoá đất của dân thành của mình và thi nhau trồng keo, bạch đàn.

Kết quả là ba con suối biến mất trong một thời gian ngắn. Cái hồ do vương quốc Bỉ đầu tư tại nơi hợp lưu ba con suối chỉ còn hứng nước mưa. Hết mưa là trơ tận đáy. Đồng ruộng khô khốc. Giếng đào cả trăm mét vẫn không thấy nước.

Rừng tự nhiên, nếu không bị tàn phá thì không nghèo, chỉ có giàu lên, chỉ trong vài mươi năm đã có thể sinh sôi đủ các loại động, thực vật.

Nói nghèo thì nên phá chẳng khác gì câu chuyện cười ra nước mắt trong phong trào “xoá đói giảm nghèo”. Già làng báo cáo ở đây không còn ai đói nghèo, vì người nghèo do đói đã chết hết!

Chu Mộng Long

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10160441087509718&id=827714717&mibextid=Nif5oz

- Quảng Cáo -