Dân thổ đu và vùng phụ cận sắp nhận được cái “thòng lọng” của ông đô trưởng Nguyễn Sỹ Thanh.
Người ta ví hệ thống gần 100 trạm thu phí vào nội đô Hà Nội của ông đô trưởng như cái “thòng lọng” cũng đúng. Nó giống như cái thứ dùng “siết cổ” dân, hoặc nói nhẹ hơn, hệ thống này như cái vó bắt cá. Với mật độ trạm thu phí dày đặc như thế, ông đô trưởng tin chắc không một con cá nào thoát được.
Để tạo ra thế “thiên la địa võng” như thế này, chính quyền Hà Nội sẽ “lấy mỡ dân rán dân”. Khái toán tổng chi phí đầu tư 87 trạm là hơn 2.600 tỷ đồng, gồm chi phí đầu tư ban đầu, thay thế thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (tiếng Anh gọi tắt là Tramoc, đọc là “trà mốc”) trực thuộc Sở GTVT Hà Nội, là đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu thực hiện dự án “siết cổ” này.
“Trà mốc” dẫn một “kết quả điều tra xã hội học” nói rằng: Mức phí mà người dân “chấp nhận được” là 22,3 ngàn đồng (?). Họ lập luận rằng: Nếu thu phí ở mức này, sẽ có 55% người sử dụng phương tiện chấp nhận trả phí. Và logic của “Trà mốc” là: Mức phí tối thiểu phải lớn hơn mức sẵn sàng chi trả của người dân thì mới có tác dụng điều tiết hành vi giao thông.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện nói rằng, bản chất phí thu phương tiện cơ giới vào một số khu vực “nhằm giảm ùn tắc giao thông, chứ không phải vì lợi nhuận”, nhưng mức thu 50 ngàn đồng tối thiểu đến tối đa 100 ngàn đồng/lượt xe vẫn được đề xuất.
VOV cho biết theo đề án, nếu thu mức phí 50 ngàn đồng/xe/lượt thì cũng chỉ đủ chi phí, không thu được đồng nào cho ngân sách. Chưa kể đến “phí bội trơn”, phí “trà mốc”…
Có nghĩa rằng, một tỷ lệ rất lớn số tiền thu phí nội đô sẽ được dành hoàn trả số tiền đầu tư- khoảng 2.600 tỉ, và “nuôi” bộ máy vận hành việc thu phí.
Thế hóa ra, ông đô trưởng Trần Sỹ Thanh, “nhà kỹ trị” của thổ đu tạo ra hệ thống “thòng lọng” này rồi bắt người dân nuôi nó, để nó có sức siết cổ dân? Và để dễ dàng thực hiện điều này, khi phát biểu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12 Tháng Mười, ông Thanh cho rằng, khi thành phố triển khai đề án thu phí xe hơi vào nội đô thì trong luật hay nghị định nên quy định mỗi chiếc xe hơi cần có thẻ định danh, tài khoản cá nhân, để chính quyền dễ dàng thu tiền, và tài xế không thể nào chạy thoát được.
Tài khoản Bích vân Nguyễn có nhận xét trên “tường nhà” Facebooker Đào Tuấn khá đau: “Đế quốc không thể đưa Thủ Đô Hà Nội trở thành thời kỳ đồ đá. Nhưng các đô trưởng Hà Thành dần dần sẽ làm được”.
Để tỏ ra đề án được nhiều người dân ủng hộ, đám “Trà mốc” dựng thêm câu chuyện “khảo sát” với 1.000 người được hỏi, rồi kết luận có 39,7% người dân ủng hộ việc thu phí, 33,2% người ủng hộ với điều kiện kèm theo, và chỉ có 27,1% người không ủng hộ.
Việc chọn ra 1.000 người trong thành phố có gần 10 triệu dân, để hỏi rồi kết luận tỷ lệ người đồng tình với dự án này rất cao, đủ biết tính “láu cá vặt” của “Trà mốc”.
Nếu người có trách nhiệm chịu khó lên mạng xã hội Facebook khảo sát sẽ thấy hầu hết giới chuyên gia và dư luận xã hội đều phản đối dự án.
Trong bài nhận định trên báo Lao Động, tác giả Quang Đại viết:
“Người dân đi vào nội thành để học hành, chữa bệnh, mua bán, giao dịch, vui chơi giải trí… đều có đóng góp cho sự tăng trưởng của kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân, doanh nghiệp và doanh thu cho nền kinh tế địa phương. Do đó, việc hạn chế người dân đi vào nội thành cũng góp phần làm suy giảm sự phát triển kinh tế”.
Xem ra tư duy của lãnh đạo Hà Nội cũng khác người, điều quan trọng là phải có những dự án bạc ngàn tỷ trong nhiệm kỳ. Còn thu được bao nhiêu, có đủ chi phí hoạt động hay không đôi khi là chuyện của người kế nhiệm./.