Một góc nhìn khác về thảm nạn giáo dục: Từ một giáo viên

- Quảng Cáo -

Chúng tôi là giáo viên Tiểu học (Minh Minh)

Thật ra bao vấn nạn đều có thể tránh được nếu Việt Nam bắt chước VNCH hay các nước Âu Mỹ, Úc, Nhật, Hàn, Đài: miễn phí hoàn toàn cho tiểu học và trung học và trả lương đủ sống cho giáo viên.
Nhưng thế thì cần nhiều tiền, tiền ở đâu ra? Thật ra, nếu muốn, nhà nước dư sức làm chuyện này. Chỉ cần xây ít tượng đài lại. Nhưng điều quan trọng nhất là bỏ hệ thống độc đảng để diệt tham nhũng thật sự có hiệu quả. Khi đó ngân quỹ quốc gia sẽ không bị ăn cắp, xà xẻo thì sẽ có thể dư sức chi cho ít nhất hai ngành quan trọng là giáo dục và y tế vốn đang là nạn nhân thê thảm của nạn tham nhũng đang hoành hành trên mọi miền đất nước.
Cần nói thêm, khi phê bình thì mạng xã hội không nhắm vào đội ngũ giáo viên vì thật ra lương giáo viên vô cùng ít ỏi, không đủ nuôi thân mình. Lỗi ở đây nằm ở bộ giáo dục và chính sách tiền lương của đcsvn. Đó mới là nguồn gốc của vấn đề.
***
Hôm nay, một người đồng nghiệp xa lạ đã kết thúc cuộc đời mình, di thư để lại chỉ yêu cầu: “Khi em đi rồi, tuyệt đối không cho ai là giáo viên đến viếng em.” Và chị ấy cũng mong tất cả các kiếp sau này sẽ không chọn nghề giáo nữa.
Thật buồn!
Tôi đã chứng kiến nhiều người rời khỏi bục giảng, rẽ sang con đường khác vì không chịu được áp lực của cái nghề vẫn được xem là cao quý.
Tôi cũng từng nghe nhiều người khuyên: “Chuyển nghề đi con, sao phải buộc mình ở đây làm gì.”
Hai người dì của tôi – một luật sư, một nhà báo – không ít lần bảo: “Về làm cho dì, lương giáo viên bao nhiêu, dì trả con hơn như vậy”…
Tôi không phải chưa từng nghĩ đến một con đường khác cho bản thân trước những lời đề nghị đó.
Thử nghĩ xem:
Khi năm học mới vừa bắt đầu, các trang mạng đã đua nhau đăng những tin tiêu cực về dạy thêm – học thêm, thu chi quỹ lớp / quỹ trường… Người ta bàn tán về ngành giáo dục và giáo viên với đủ mọi ngôn từ khủng khiếp. Những câu chuyện đó khiến nhiều người trong chúng tôi phát nản.
Bác sĩ có thể mở phòng mạch, luật sư có thể mở văn phòng riêng, nhưng giáo viên thì không được dạy thêm – đó là cái tội.
Giáo viên không được ăn mặc đẹp, không được nổi bật, phải khiêm nhường chừng mực. Bực tức, nóng giận phải nuốt vào trong.
Giáo viên thu quỹ lớp phải đắn đo tính toán, sợ sau lưng điều tiếng không hay, muốn mua cái khăn trải bàn cũng phải dò 80 lần giá…
Tự lúc nào, nghề giáo chẳng khác gì “làm dâu trăm họ”.
Học sinh học dở – tại giáo viên.
Học sinh không ngoan – tại giáo viên.
Chương trình nặng – tại giáo viên.
“Trăm dâu đổ đầu tằm”, nhưng lương giáo viên thì chật vật tứ bề, nuôi thân đã khó, có con cái gia đình lại càng nặng gánh lo toan.
Thế nên người ta bỏ nghề.
Một người em đồng nghiệp đã rời bục giảng bảo: “Em tiếc mấy năm đi dạy, không gần chồng gần con, đầu tắt mặt tối, chuyển sang kinh doanh cuộc sống em khá hẳn, gia đình hạnh phúc hơn… Dẫu buồn vì xa nghề mình thích, nhưng cuộc sống mà, no bụng vẫn quan trọng.”
Xót cho nghề giáo.
Cô giáo trẻ hôm nay ra đi vì áp lực công việc, cuộc sống, hay vì bất kì lí do gì chăng nữa, cũng đang gióng lên một hồi chuông khẩn thiết: “Xin hãy bớt khắt khe với giáo viên”.
“Muốn qua thì bắc cầu Kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy.”
Đừng bắt giáo viên phải gánh trên lưng những áp lực như thay đổi phương pháp dạy, bài giảng theo hướng công văn A, B, C với mấy chục trang giáo án một tiết; thi giáo viên giỏi; thi các cuộc thi để ngành lên báo cho oai nữa…
Cũng đừng cho giáo viên là thần thánh, chỉ cần thở để sống với đồng lương eo hẹp; hay vung tay là lo được trọn vẹn mấy chục học trò giỏi ngoan răm rắp.
Giáo viên cũng là người.
Hãy để giáo viên đi dạy với tình yêu nghề, nhiệt huyết cháy bỏng, thay vì chạy cho kịp tiến độ như một cỗ máy.
Giáo viên có hạnh phúc, học sinh mới hạnh phúc.
Một nền giáo dục hạnh phúc mới có thể tạo ra một xã hội hạnh phúc.
Chứ không phải mấy dòng di thư buồn như tối hôm nay…

Nguồn:Nguyễn Phan

- Quảng Cáo -