Gió Bấc – RFA
Theo quy luật cung cầu, điểm tuyển sinh đại học thường cao ở các ngành xã hội đang có nhu cầu phát triển mạnh, thu nhập cao nói theo tiếng Tây ba rọi là ngành hot. Thế nhưng gần đây có điều kỳ lạ là báo chí đang bế tắc về kinh tế, báo giấy bán không ai mua, báo điện tử miễn phí hoàn toàn, doanh thu quảng cáo không đáng kể, ấy vậy mà điểm tuyển sinh đại học ngành báo chí cao ngất trời xanh, cả hai đại học quốc gia Hà Nội lẫn TP.HCM điểm tuyển báo chí đều đứng đầu các ngành khoa học xã hội. Điều gì thu hút thí sinh vào ngành báo chí?
Thông tin kết quả tuyển sinh đại học năm nay đồng loạt có điểm nhất bất ngờ, điểm tuyển sinh ngành báo chí vọt lên đứng đầu trong khối ngành khoa học xã hội. Ở Đại học quốc gia Hà Nội, ngành Đông phương học, quan hệ công chúng khối C00 có mức điểm chuẩn cao nhất là 29,95. Kế tiếp, ngành báo chí khối C00 là 29,9 điểm. Các ngành tuyển tổ hợp C00 khác có điểm chuẩn cao, dao động 27 – 28 điểm.
Các ngành khối D có mức điểm chuẩn dao động từ 24 – 27,5 điểm. Trong đó, ngành quan hệ công chúng, báo chí có mức 27,25 – 27,5 điểm. (1)
Ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, 10 ngành có tổ hợp điểm chuẩn cao nhất gồm: Báo chí, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, truyền thông đa phương tiện, tâm lý học, quản lý thông tin, quản trị văn phòng, quan hệ quốc tế, ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học, Việt Nam học. Trong đó, ngành báo chí (tổ hợp C00) có điểm trúng tuyển cao nhất với 28,25 điểm. (2)
Ở Học viện báo chí tuyên tuyền, điểm tuyển ngành báo chí cũng cao nhất cách biệt với các chuyên ngành khác (3)
Phải chăng báo chí đang vào thời kỳ phồn thịnh phát triển nên thu hút thí sinh như các ngành Kinh Tế, Luật, Quản Trị Kinh Doanh các năm trước đây? Hoàn toàn không phải như vậy. Không riêng tại Việt Nam mà ngay ở các nước phát triển Âu, Mỹ với những đại gia báo chí có truyền thống hàng trăm năm cũng đang chật vật trước sự phát triển của truyền thông mạng và công nghệ số.
Kinh tế báo chí trước nay gồm hai yếu tố là nguồn thu bán báo và quảng cáo. GS.TS. Nguyễn Đức An – nguyên là nhà báo tại TPHCM, hiện là giáo sư báo chí tại Đại học Bournemouth, Anh – trả lời phỏng vấn Kinh tế Sài Gòn xung quanh các xu hướng kinh tế báo chí trong môi trường truyền thông đương đại đã cho biết “báo chí nói chung đều đang đối đầu với nhiều thách thức mang tính tồn vong. Các tổ chức báo chí truyền thống – vốn thịnh vượng trong quá khứ nhờ lợi thế về quy mô/số lượng (economies of scale) – đang mất dần vị thế, vì cả người tiêu dùng tin lẫn giới quảng cáo ngày càng dồn nguồn lực (thời gian, tiền bạc) vào không gian số. Dù đã bắt đầu di cư lên thế giới số từ giữa thập niên 1990, báo chí truyền thống vẫn chậm chạp thay đổi so với tốc độ công nghệ và thói quen tiêu thụ tin tức.
Hiện nay, doanh thu nội dung số phần lớn đi vào các mảng phi tin tức (âm nhạc, thể thao, điện ảnh, game) còn doanh thu quảng cáo số thì rơi chủ yếu vào tay các nhà công nghệ cung cấp dịch vụ và nền tảng như Facebook, Google… Trong ngành kinh doanh báo chí, chỉ có vài tờ báo số bản sinh (các trang tin ra đời và trưởng thành chỉ trong môi trường số, như Buzzfeed hay VnExpress chẳng hạn). Báo chí truyền thống thì vẫn cứ tụt dài”. (4)
Ở Việt Nam, các báo đảng, chính phủ, bộ ngành được trợ cấp một phần từ ngân sách, hầu hết báo, tạp chí của đoàn thể, tổ chức xã hội địa phương đều tự lực như là đơn vị sự nghiệp có thu vẫn phụ thuộc vào hai nguồn này. Trước năm 2000, xã hội có những thành ngữ thú vị là “nhà văn,nhà giáo nhà báo cộng lại bằng nhà nghèo” hoặc :”Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà đài – Bốn nhà cộng lại thành hai cái nghèo”. Người ta còn tự trào so sánh “Ba nhà báo lớn không bằng sạp báo nhỏ”. Thế nhưng có không ít tờ báo phát hàng hàng chục vạn tờ mỗi kỳ.
Gần đây, dưới thiên tài lãnh đạo, quản lý của đảng và chính phủ, Việt Nam luôn đươc xếp hạng ”cao” về tự do báo chí phần khác do công nghệ số phát triển nên số lượng phát hành báo chí ngày càng thê thảm. Ngay tại TP.HCM thị trường báo chí có truyền thống trên 200 năm, sạp báo giờ trở thành quý hiếm.
Báo chí không phát hành được số lương in thấp thu nhập quảng cáo cũng giảm theo ấy nhưng số đầu báo vẫn tăng, nhiều tờ báo còn xin ra thêm những ấn phẩm phụ, thu nhập nhà báo vẫn cao ngất ngưỡng, nhà báo bây giờ không còn là nhà nghèo.
Báo không bán đươc, quảng cáo không nhiều vậy thì phép màu nào, bí quyết nào để nhà báo Việt Nam hết nghèo?
Xin thưa, phép màu, bí quyết ấy chỉ có ở xứ thiên đường, một quái thai của báo chí đó là “Hợp đồng truyền thông”. Về nguyên tắc báo chí xưa nay nội dung báo chí và hoạt đông tác nghiệp của nhà báo phải độc lập, khách quan’ Luật Báo chí việt Nam cũng quy định quảng cáo và nội dung báo chí phải dộc lập tách biệt. Muốn thực hiện điều này báo chỉ và các đối tượng phản ảnh phải độc lập, khách quan, không đươc xung đột lợi ích.
Thế nhưng ở Việt Nam lại có luật bất thành văn về những hợp đồng thông tin, hợp đồng truyền thông giữa báo chí và các địa phương, các tổ chức kinh tế xã hội. Chính các tờ báo quyền lực trung ương đã công khai kiến tạo thông lệ này. Báo Nhân Dân đã thông tin hoành tráng lễ ký kết hợp đồng truyền thông với các địa phương, tổ chức (5)
Trung ương đã mở đường thì báo ngành, địa phương và các báo chí lon con khác tha hồ ký kết hợp đồng với các tổ chức và doanh nghiệp. Cơ quan báo chí ký hợp đồng thì cá nhân nhà báo cũng ký hợp đồng.
Năm 2017, bà Lê Bình cựu BTV của VTV 24 đã công khai trả lời phỏng vấn với báo Zing “Từ 2009 đến 2012, tôi có ký hợp đồng với 3 ngân hàng. Chúng tôi làm tư vấn cho 3 ngân hàng đó. Tôi làm phóng viên tài chính từ năm 1997, 1998. Nếu tôi muốn giấu diếm, dối trá, đời nào tôi chuyển qua tài khoản, ký hợp đồng công khai.
Câu chuyện đó là có thật, diễn ra cách đây 5-7 năm. Cá nhân tôi được hưởng tiền đó từ 15-17 triệu một tháng. Chúng tôi đóng vào 20 triệu mỗi tháng làm quỹ phòng, từ tiền tư vấn. Một số bạn được nhận từ 3-7 triệu/tháng. Toàn bộ số tiền tư vấn chúng tôi chia nhau…” (6)
Với góc nhìn khách quan, sự nghiêm cẩn về nghiệp vụ và đạo đức báo chí, tờ báo tiếng việt ở nước ngoài đã lên tiếng “Có thể thấy sự liêm chính của báo chí, quy tắc nghề nghiệp, câu chuyện về “mâu thuẫn lợi ích”, về lợi dụng mác nhà báo, chức vụ, quyền hạn đã bị nhiều nhà báo coi nhẹ. Việc nhận tiền từ doanh nghiệp được khéo léo, kín kẽ che phủ bằng những cái nhãn có-tên-gọi “hợp đồng truyền thông”, “hợp đồng tư vấn”, và những gì mới phát lộ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm tham nhũng”
Bài báo này còn dản chiếu ý kiến của đồng nghiệp quốc tế “Tôi đem câu chuyện này hỏi những người bạn làm báo tại Nhật, Bangladesh hoặc Hoa Kỳ thì câu trả lời của họ là phóng viên báo chí không được phép làm như vậy, và họ sẽ “bị kỷ luật, mất việc ngay”. Họ chia sẻ rằng để đảm bảo sự liêm chính và độc lập, tòa báo cần tách biệt giữa tòa soạn/ sản xuất tin bài với kinh doanh. “Không có sự pha trộn trong vai trò, trách nhiệm và ảnh hưởng lẫn nhau”. Đọc trong các bộ Quy định nghề nghiệp của các tòa báo lớn trên thế giới đều có quy định rõ ràng cho phóng viên, nhân viên của mình (và hẳn nhiên đây là một điểm khuyết thiếu, một lỗ hổng trong các tòa soạn của Việt Nam)”. (7)
Ăn cơm chúa phải múa tối ngày, khi đã nhận tiền từ một chủ thể nào đó thì tờ báo, nhà báo đã trở thành công cụ của đối tượng ấy, quyền lợi của công chúng, người đọc, xem nghe trở thành thứ yếu thậm chí bị lợi dụng để phục vụ cho đối tượng đã bỏ tiền mua báo.
Đièu này thể hiện rõ trong vụ truyền thông bẩn nước mắm truyền thống nhiễm asen. Đại gia sản xuất nước chấm dùng toàn hóa chất đã chi tiền cho Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố nước mắm truyền thống nhiễm asen và những tờ báo có hợp đồng truyền thông với đại gia này rầm rộ đưa tin tạo thành áp lực. Nước mắm bị quy án ‘nhiễm asen’ bị rút khỏi quầy hàng siêu thị, trên quầy chỉ còn nước mắm công nghiệp. Nếu kế hoạch này thành công, các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp sẽ kiếm được hàng ngàn tỷ, ngành nước mắm truyền thống sẽ khốn đốn. Trước đó, cũng với thủ đoạn này, đại gia nước chấm hóa chất đã giết chết ngành sản xuất nước tương truyền thống. Rõ ràng hợp đồng truyền thông đã biến báo chí trở thành vũ khí cho cá nhân đi ngược lại hoàn toàn lợi ích, sự công bằng xã hội.
Ông Trương Minh Tuấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thời ấy cho rằng có dấu hiệu của sự cấu kết bất lương trong truyền thông của doanh nghiệp, thậm chí là vi phạm pháp luật.(8)
Tệ hại hơn nữa, hợp đồng truyền thông còn được báo chí sử dụng như một công cụ tống tiền. Phương thức phổ biến là thông tin phanh phui những sai sót, khuyết điểm của doanh nghiệp sau đó thò ra hợp đồng giải cứu. Điển hình là loạt phóng sự điều tra đình đám về tập đoàn Asanzo lắp ráp linh kiện điện tử Trung Quốc gắn mác Việt Nam. Ngay trong lúc doanh nghiệp bị người tiêu dùng tẩy chay, bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý thì có dấu hiệu nhóm nhà báo làm phóng sự này đã nhắn tin, gợi ý doanh nghiệp chi tiền thực hiện hợp đồng giải cứu truyền thông với giá nhiều tỉ đồng. Báo chí trong nước đã phải lên tiếng: “Trong thông cáo báo chí mới nhất được phát đi, Công ty CP Tập đoàn Asanzo của ông Phạm Văn Tam cho rằng đại diện của báo Tuổi Trẻ đã nhắn tin đề xuất một kế hoạch giải cứu truyền thông sau khi đã thực hiện loạt bài sai sự thật gây ra khủng hoảng truyền thông cho Công ty Asanzo”. (9)
Trong bối cảnh báo in không bán đươc, thu tiền báo mạng chưa làm đươc, quảng cáo không nhiều, nguồn sống của báo chí Việt Nam hiện nay chính là hợp đồng truyền thông. Báo chí xứ thiên đường đã biến chức năng thông tin phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng thành công cụ đánh thuê chém mướn tống tiền.
Hệ quả mà cũng là hậu quả của Hợp đồng truyền thông là nghiệm trọng, phổ biến. Ngày 28-11-2021,
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 4854/BTTTT-CBC gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Hội Nhà báo Việt Nam; các cơ quan chủ quản báo chí; tổng biên tập các cơ quan báo chí về việc chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật. Văn bản này đặc biệt lưu ý đến Hợp đồng truyền thông: “Đặc biệt, có hiện tượng một số nhà báo, phóng viên, cộng tác viên lợi dụng việc nắm được những thông tin nội bộ một chiều, chưa được kiểm chứng về những tồn tại, sai sót của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để gợi ý, gây sức ép, thậm chí đe dọa, sau đó đề nghị ký kết hợp đồng truyền thông, quảng cáo hoặc thu lợi bất chính; vòi vĩnh cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, nhất là trong giai đoạn gần Tết Nguyên đán và những ngày lễ lớn.” (10)
Tuy nhiên, công văn này cũng mang tính nửa vời, chữa cháy và phủi trách nhiệm. Lẽ ra với chức năng quản lý nhà nước, Bộ phải có văn bản pháp quy nghiêm cấm loại hình hợp đồng truyền thông vì hợp đồng này đi ngược lại hoàn toàn với nguyên tắc độc lập, khách quan, trung thực của báo chí.
Nhưng biết làm sao được, áo mặc sao qua khỏi đầu, hợp đồng truyền thông là trái khế vàng của quan chức trong hệ thống tuyên truyền. Các ông lớn báo Nhân Dân, Tạp Chí Công sản đã tiên phong ký kết hợp đồng thì bố bảo Bộ trưởng TT TT có gan cóc tía mà ngăn cản.
2-https://thanhnien.vn/truong-dh-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van-tphcm-nganh-b…
3-https://diemthi.tuyensinh247.com/diem-chuan/hoc-vien-bao-chi-tuyen-truye…
4-https://thesaigontimes.vn/bao-chi-trong-moi-truong-so-lam-dung-hop-dong-…
5-https://baophutho.vn/trong-tinh/tinh-phu-tho-va-bao-nhan-dan-ky-ket-hop-…
6-https://zingnews.vn/le-binh-tra-loi-ve-viec-roi-vtv-post732866.html
7-http://nhipcauthegioi.hu/goc-nhin/Hop-dong-truyen-thong-tren-bao-chi-PHA…
8-https://www.nguoilambao.vn/truyen-thong-bat-luong-va-noi-oan-mam-viet-n3822.html