Nhà bất đồng chính kiến Lê Anh Hùng kháng cáo bản án sơ thẩm năm năm tù giam, vì bị kết tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước.”
Thông tin trên được cung cấp bởi nhà báo Nguyễn Vũ Bình, một nhà hoạt động có quan hệ thân thiết với blogger Lê Anh Hùng.
Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do (RFA), ông Bình nói:
“Cách đây hơn một tuần tôi có đến thăm mẹ của Hùng thì được mẹ Hùng cho biết bà đi thăm gặp Hùng ở Trại tạm giam số 1 tức Hoả Lò (của Công an thành phố Hà Nội- PV) thì không được gặp. Người ta trả lời là vào ngày 12/9, Hùng mới kháng án, đề nghị phúc thẩm. Chưa xử phúc thẩm thì chưa được gặp.”
Phóng viên có liên lạc với bà Trần Thị Niêm, mẹ của ông Hùng nhưng bà có sức khoẻ yếu và không thể trả lời phỏng vấn.
Theo Khoản 4 Điều 22 của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (2015) quy định, Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong các trường hợp “Khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác.”
Một luật sư không nêu tên ở Hà Nội nhận định rằng, người kháng cáo bản án sơ thẩm đương nhiên sẽ bị các cơ quan tố tụng coi là người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác.
Ông này cũng cho biết, trong hầu hết các trường hợp chuẩn bị xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm thì các bị cáo rất khó được phép gặp người thân.
Nhà báo Lê Anh Hùng, blogger của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) là tác giả của nhiều bài viết về chính trị Việt Nam, bị bắt vào đầu tháng 7 năm 2018 với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Sau hơn bốn năm bị tạm giam và buộc chữa trị trong bệnh viện tâm thần, ông bị đưa ra xét xử vào ngày 30/8 trong một phiên toà không có luật sư và người thân.
Gia đình chỉ được biết về phiên toà khi mẹ ông Hùng gọi điện thoại cho cán bộ điều tra trong vụ án của ông và được người này thông báo miệng về kết quả phiên xử.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) hôm 16/9 ra thông cáo kêu gọi “chính quyền Việt Nam nên trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho blogger Lê Anh Hùng, đồng thời chấm dứt việc sách nhiễu các nhà báo với những cáo buộc ngụy tạo là chống nhà nước.”
Ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao ở Đông Nam Á của CPJ khẳng định:
“Sự kết án thái quá đối với blogger Lê Anh Hùng cho thấy Việt Nam sẽ cố gắng hết sức để ngăn chặn các báo cáo chỉ trích cá nhân, về các chính sách và sự cai trị của mình.
Ông Hùng và tất cả các nhà báo khác bị giam giữ một cách sai trái sau song sắt ở Việt Nam phải được trả tự do.”