Thông thường, với sự trung thực và tử tế thì một nhà báo/tờ báo sẽ đặt tiêu đề sao cho khái quát được nội dung trọng tâm của của bài; hoặc là chọn một chi tiết tiêu biểu nhất, có tính đại diện cho nội dung ấy, nhất là trong việc thông tin về một phiên tòa. Nhưng ở tiêu đề này, rõ ràng việc lấy câu nói ‘đang độc thân, chờ lấy vợ’ của ông Lê Tùng Vân để giật tít là không đảm bảo yêu cầu ấy. Nhưng tại sao Tuổi trẻ lại làm thế?
Trước hết, ông Lê Tùng Vân là một người thế tục (không phải tu sĩ xuất gia) nên việc ông (sẽ) lấy vợ là không có gì đáng để bàn luận cả. 90 tuổi hay 100 tuổi mà lấy vợ cũng là quyền tự do của họ, nó càng không nên trở thành lý do để giễu cợt. Càng không thể được phép bôi nhọ.
Nhưng Tuổi trẻ là một tờ báo lớn của “báo chí cách mạng” Việt Nam, chắc sẽ không tồi tệ đến mức mang số phận của mấy chục con người ra giễu cợt hay bôi nhọ được!
Vậy thì báo Tuổi trẻ có mục đích gì? Chịu, chỉ thấy rằng, cũng đưa tin về phiên tòa sáng nay nhưng một số báo có cách đặt tiêu đề rất trung tính/ tử tế như, báo Thanh niên: Xét xử 6 bị cáo ‘Tịnh thất Bồng Lai’; báo vnexpress: “Bị cáo Lê Tùng Vân: ‘Cáo trạng không đúng’; báo Lao động: “Xét xử vụ “Tịnh thất Bồng Lai”: Luật sư đề nghị thay đổi chủ tọa phiên toà”; báo Vietnamnet: “Xét xử vụ ‘Tịnh thất Bồng Lai’: Cô gái bí ẩn được triệu tập nhưng vắng mặt” v.v..
Xin nhắc lại quan điểm
Nếu một người không tự xưng là xuất gia/tỳ kheo/tu sĩ…, thì ông ta không cần phải xin phép ai cả; mà dù có xin phép vẫn không được, vì theo giới luật, để trở thành một tỳ kheo thì phải được sự thế phát và truyền giới của những vị thuộc hàng đức hạnh trong tăng đoàn.
Ông Lê Tùng Văn không tự xưng (như chính Thích Nhật Từ đã xác nhận), vậy ông chẳng phạm tội gì đối với Phật giáo cả. Phật giáo thì ai thích tu cứ tu, cạo đầu hay để tóc, mặc áo đỏ hay áo nâu…, đều là quyền tự do cá nhân của mỗi người.
P/S: Từ thực tế, báo Tuổi trẻ nên dùng câu này của ông Lê Tùng Vân để giật tít thì hay và đúng hơn.
Thái Hạo