Ước mơ về quyền tự do lập hội ở Việt Nam

- Quảng Cáo -

VNTB

Đầu tháng 7 năm 2014 ở Việt Nam có một tổ chức xã hội dân sự mang tên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam được thành lập với mục đích là phục vụ cho các nhà báo không phân biệt người trong nước và người ngoài nước.

Ông Nguyễn Gia Quốc, một Hội viên của hội này cho biết.

“Tại sao Hội nhà báo độc lập Việt Nam lấy ngày mùng 4 tháng bảy, cái ngày Quốc khánh Hoa Kỳ làm ngày sinh nhật hội? Thì trong cái bản Tuyên ngôn độc lập 1776 có cái đoạn viết về triết lý hiển nhiên là mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được tạo hóa ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Thì cái bản tuyên ngôn này nó gợi cảm hứng cho tiến sĩ Phạm Chí Dũng là hội viên lấy cái ngày này làm ngày sinh nhật Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, nhận cái trách nhiệm đấu tranh cho quyền tự do, trong đó có quyền tự do ngôn luận của báo chí”.

- Quảng Cáo -

Nhận xét về quyền tự do hội đoàn, nhà báo Minh Thọ, cựu Trưởng văn phòng tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, nói.

“Một cái hội tôi nhớ không nhầm thì cái hội nhà báo độc lập là cái hội đầu tiên được thành lập theo tự nguyện của mỗi thành viên. Thế mà có vẻ như là chính quyền không thích. Thế thì tôi nghĩ cái chuyện thích hay không thích thì nó không phải là vấn đề, mà vấn đề là có đúng pháp luật, đúng hiến pháp hay không? Thế thì về mặt nguyên tắc, về mặt ngôn từ thì rõ ràng là hiến pháp quy định thì tất cả đều có quyền tự do lập hội, hoặc tự do ngôn luận. Chứ không thể nào mà lấy lý do là chưa có luật, tại vì thật ra cái hiến pháp là bộ luật cao nhất. Thì các luật nào mà ra thì cũng phải tuân theo hiến pháp thôi. Tôi nghĩ là cái quyền hiến định đấy là quyền cao nhất”.

Tuy quyền hiến định là quyền cao nhất, thế nhưng trong bối cảnh chính trị của Việt Nam thì tổ chức xã hội dân sự như Hội Nhà báo độc lập lại không được pháp luật Việt Nam công nhận. Và điều này sắp tới đây có lẽ sẽ thay đổi khi Việt Nam tham gia Công ước về quyền tự do lập hội.

“Việt Nam có tham gia ký kết một cái công ước về quyền lập hội. Thế thì theo tôi thì đã là hội đó thì không nên chính trị hóa. Chúng ta chỉ nên, chính quyền chỉ nên đặt một cái hành lang pháp lý và đạo đức, đấy là hai nguyên tắc bao trùm hết để cho các hội hoạt động”.

Người đứng đầu Hội Nhà báo độc lập Việt Nam lúc thành lập là ông Phạm Chí Dũng, một nhà báo tự do và là cộng tác viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Ông được tổ chức Phóng viên Không Biên giới phong là Anh hùng Thông tin nhân Ngày Tự do Báo chí thế giới 2014. Nhà báo Minh Thọ nhận xét.

“Hiện tại vẫn lưu hành một cái trang nhà báo độc lập, tôi cũng có quan tâm đến đó vì trong đó có những bài mà họ viết khá sâu. Khá sâu. Thì trở lại vấn đề là quan điểm của tôi miễn là không vi phạm pháp luật thôi, tức là nói lên sự thật và có một cái phân tích khoa học, thuyết phục”.

Với mong muốn được nói lên sự thật, nhân ngày Quốc khánh Hoa Kỳ, hội viên Hội Nhà báo độc lập Nguyễn Gia Quốc bày tỏ.

“Nước Mỹ giàu mạnh, nhân dân Mỹ có tự do hạnh phúc là do cả nhân dân và nhà nước đều dồn nỗ lực theo đuổi và bảo vệ cái giá trị nhân quyền. Nhưng mà nếu bỏ rơi nhân quyền trong chính sách đối ngoại, thì sẽ làm tổn hại uy tín của sức mạnh của nước Mỹ. Trong cái tinh thần của bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, Hội vẫn sát cánh với đồng bào đấu tranh cho nhân quyền, tự do cho Việt Nam. Nhân dịp Quốc khánh Hoa Kỳ, chúng tôi đại diện cho Hội Nhà báo độc lập Việt Nam kính gửi đến Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ lời chúc mừng nồng nhiệt nhất”.

Hiện tại thì các buổi gặp gỡ tại Việt Nam của tổ chức xã hội dân sự độc lập về báo chí này đang tạm gián đoạn, vì quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam là một quyền chịu sự giới hạn của định hướng tuyên truyền từ nhà nước./.

- Quảng Cáo -