Quan tâm tới thời sự-chính trị, tới những vấn đề của đất nước, dân tộc, thể hiện quan điểm, chính kiến của mình là chuyện bình thường của mọi công dân trong một xã hội dân chủ. Chỉ có trong một xã hội độc tài thì những điều này mới trở thành cấm kỵ, và câu cửa miệng của nhiều người là “đừng nói chuyện chính trị”, hoặc “chuyện lớn đã có đảng, nhà nước lo”.
Người thường đã thế, nếu là một người nghệ sĩ chân chính càng không thể nào quay lưng lại với hiện thực xã hội, với số phận của đất nước, dân tộc, để chỉ biết “đẻ” ra những lời ca, tiếng hát, câu chuyện, bộ phim thuần túy mua vui, hoặc để điểm trang cho chế độ, tệ hơn, xa rời hiện thực, bóp méo lịch sử.
Ai cũng biết, ảnh hưởng của một người nghệ sĩ có tên tuổi đối với xã hội vô cùng lớn. Một chế độ có khi không sụp đổ vì một cuộc cách mạng có vũ khí, nhưng lại lung lay chỉ vì một bài thơ, một cuốn sách, một bộ phim.
Chính vì vậy, trong một chế độ độc tài, người nghệ sĩ có thể vì nỗi sợ hãi mà im lặng, nhưng đừng vì tiền, vì danh vọng, hoặc đơn giản chỉ vì thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết mà ném thêm “rác” vào xã hội, hoặc đứng về phía cái ác, tiếp tay với nhà cầm quyền viết lại lịch sử.
Cũng chính vì vậy, phải đánh giá người nghệ sĩ cả trên quan điểm, thái độ, tư cách công dân, những tác động tiêu cực hay tích cực từ tác phẩm của họ đối với xã hội. Không có gì là quá đáng hay oan ức trong chuyện này. Tài năng và tình cảm của quần chúng đã đem đến cho người nghệ sĩ vị trí, danh vọng trong xã hội, thì sự đòi hỏi gay gắt của dư luận cũng là cái giá phải trả.
Và cuối cùng, đối với người thường, chết là hết. Nhưng đối với một nhân vật lịch sử hay một người nghệ sĩ, chết không phải là hết. Hàng bao nhiêu năm sau, thế hệ sau sẽ còn lật lại, đánh giá về những người đã khuất. Mỗi một lời nói ra lúc này lúc khác, mỗi một việc đã làm, mỗi một tác phẩm đều sẽ còn đó, chẳng ai có thể chối bỏ được.
Không có ai hoàn hảo trên đời, người nghệ sĩ sống giữa danh vọng, giữa thời cuộc đảo điên, càng không. Nhưng nếu sai lầm, lầm lạc thì sự dũng cảm lên tiếng thừa nhận và sửa sai là điều cần thiết, để cuộc đời và người nghệ sĩ có thể tha thứ cho nhau.
Người nghệ sĩ và nỗi sợ bị lãng quên
Người nghệ sĩ sợ gì nhất? Có lẽ không phải sợ túng thiếu, đói khổ hay những thăng trầm trong cuộc sống. Mà là sợ bị cuộc đời lãng quên. Nên mới có những nhà thơ nhà văn không còn viết được nữa nhưng vẫn cứ phải xuất hiện chỗ này chỗ kia nói về thơ văn của mình, hoặc tìm cách để những nhà báo trẻ, các nhà văn đàn em phỏng vấn, viết bài ca tụng mình, những ca sĩ diễn viên đến tuổi già nhan sắc tàn phai, giọng hát không còn như xưa, nhưng vẫn xuất hiện trên sân khấu…Đâu phải ai cũng có đủ dũng cảm gác bút, dũng cảm rút lui vào bóng tối để bảo vệ hình ảnh đẹp đẽ một thời?
Cái câu ngạn ngữ thường nghe “cầm lên được thì đặt xuống được”, ngó vậy mà không hề đơn giản. Buông bỏ là cái khó nhất trên đời.
Nhưng cuộc đời thì cũng công bằng, những gì thật sự giá trị thì dù không xuất hiện trước mắt vẫn sẽ tồn tại lâu dài với thời gian.
Thế hệ sinh sau đẻ muộn kiếm tiền, kiếm danh từ di sản của quá khứ, hãy trân trọng quá khứ
Dưới chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản nắm quyền, lịch sử VN đã hoàn toàn bị viết lại, đổi trắng thay đen, bôi nhọ quãng này xóa trắng quãng khác. Nhất là về cuộc chiến VN, về chế độ VNCH.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, những người còn sống, còn hiểu biết thì từ lâu đã không còn muốn, hoặc không có cơ hội, lên tiếng. Những người thuộc “bên thắng cuộc” hoặc các thế hệ sinh sau đẻ muộn thì bị tuyên truyền giáo dục một chiều suốt bao nhiêu năm, lại không đủ dũng cảm để nói lên sự thật, nên những tác phẩm kiếm tiền, kiếm danh từ di sản của quá khứ, càng khó có hy vọng trung thực. Một chút lòng tự trọng đủ để cái gì không thể nói được thì thà đừng nói còn hơn tiếp tay nói bậy, nhưng có mấy ai biết từ chối?