Nếu vinh danh ngày báo chí Việt Nam thì phải là “Gia Định báo”

- Quảng Cáo -

Lynn Huỳnh – VNTB

tờ báo tiếng Việt đầu tiên, “Gia Định báo” góp công to lớn truyền bá, hoàn thiện chữ quốc ngữ trong quá trình phát triển của văn học sử Việt Nam.

Nếu đánh đồng “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam” là “Ngày báo chí Việt Nam” nói chung, thì đó là sự xúc phạm lịch sử.

Tài liệu về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết như sau:

- Quảng Cáo -

Tháng 11-1924, sau hơn một năm ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc được Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cử đến Quảng Châu – trung tâm của phong trào cách mạng dân chủ Trung Quốc. Qua sự giúp đỡ của Lãnh sự quán Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn những người ưu tú để rèn luyện, giáo dục, thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.

Sau khi thành lập Hội, Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản tờ báo Thanh niên tại ngôi nhà số 13 (nay là số 248 – 250), đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc để giữ vai trò tổ chức và hướng dẫn phong trào cách mạng trong nước.

Báo Thanh niên xuất bản được 202 số, số đầu tiên ra ngày 21-6-1925, số 202 ra ngày 14-2-1930. Báo Thanh niên thời gian đầu ra một tuần một kỳ trên 100 bản. Về sau, do gặp nhiều khó khăn nên số sau cách số trước từ 3 đến 5 tuần. Măng sét của báo viết hai chữ Thanh niên bằng Hán văn và Việt văn. Số mỗi tờ báo viết trong ngôi sao năm cánh. Phần lớn mỗi số báo có hai trang cỡ trung bình 13cm x 19cm, một số ít ra 4 trang.

Tháng 4-1927, tình hình cách mạng Trung Quốc có nhiều biến chuyển bất lợi. Những hoạt động cách mạng của Việt Nam trên đất Trung Quốc phải chuyển vào bí mật. Nguyễn Ái Quốc buộc phải rời khỏi Quảng Châu đến Vũ Hán rồi đi Liên Xô. Khi ấy báo Thanh niên mới xuất bản được 88 số. Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội chuyển đến Hồng Kông, tiếp tục cho xuất bản báo Thanh niên đến đầu năm 1930 thì tự đình bản. (dừng trích).

Như vậy tờ báo Thanh niên này từ lúc khai sinh đến khi đình bản, tất cả chuỗi thời gian đó hoàn toàn không được “làm báo” trên đất nước Việt Nam, và tổ chức gọi là cách mạng Việt Nam này cũng chỉ hoạt động ở Trung Quốc.

Một lưu ý về lịch sử, ngày 11-11-1924, Hồ Chí Minh lấy tên là Lý Thụy từ Moscow về Quảng Châu (Trung Quốc) với danh nghĩa là thư ký và phiên dịch cho cố vấn chính trị Quốc tế Cộng sản Bolodin hoạt động bên cạnh Tôn Trung Sơn. Tức khi ấy không có một người Việt Nam nào tên Nguyễn Ái Quốc, dù chỉ là danh nghĩa trong chuyện làm báo.

Do vậy công tâm mà nói, nếu chấp nhận tờ Thanh niên ở Trung Quốc đó là “ông tổ báo chí cách mạng Việt Nam”, vậy thì nên hiểu thế nào về chuyện cách đây 100 năm, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đã xuất bản tờ Le Paria (Người cùng khổ) tại Pháp ngày 1-4-1922.

Trong số đầu tiên đó có lời chào mừng bạn đọc như sau: “Trong lịch sử của quần chúng bản xứ các thuộc địa của Pháp, chưa có một tờ báo nào lập ra để kêu to sự thống khổ và sự nghèo nàn chung của họ, không phân biệt xứ sở và chủng tộc. Báo Người cùng khổ ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Madagascar, Đông Dương, Antilles và Guyam”.

Báo Người cùng khổ hoạt động trong 4 năm (1922-1926), xuất bản được 38 số với nội dung chống chủ nghĩa thực dân và kêu gọi đoàn kết các dân tộc bị áp bức.

Nếu vinh danh chuyện người Việt làm báo tiếng Việt, có lẽ phải lấy ngày phát hành tờ báo tiếng Việt đầu tiên là “Gia Định báo”.

Gia Định báo (1865-1909) là tờ báo chữ quốc ngữ (tiếng Việt) đầu tiên ở Nam Kỳ, cũng là đầu tiên của cả nước – tờ báo chữ Việt duy nhất ở Sài Gòn trong giai đoạn đầu tiên này. Tòa soạn báo nằm trong bộ phận thông ngôn của Nha Nội chính (Direction de l’Intérieur) Nam Kỳ. Địa chỉ tại số 59-61 đường De La Grandière (góc đường Đồng Khởi – Lý Tự Trọng ngày nay) Số đầu tiên ra mắt bạn đọc ngày 15-4-1865.

Gia Định báo ra đời theo Nghị định ngày 1-4-1865 của Chuẩn Đô đốc, Tổng tư lệnh, Quyền Thống đốc Nam Kỳ Pierre Gustave Roze. Theo đó, Ernest Potteaux – một viên thông ngôn người Pháp của Soái phủ Nam Kỳ được giao phó cho làm “Chánh Tổng tài” điều khiển báo này.

Đến tháng 9-1869, một người Việt – ông Trương Vĩnh Ký được chỉ định phụ trách tờ báo với chức vụ “Rédacteur en chef” (Chủ bút), lương hàng năm 3.000 francs, theo Quyết định ngày 16-9-1869 của Chuẩn Đô đốc, Tổng tư lệnh, Quyền Thống đốc Nam Kỳ Marie Gustave Hector Ohier.

Ngay từ những số Gia Định báo đầu tiên và sau đó đã có những cây bút thường xuyên xuất hiện như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Tôn Thọ Tường… Họ là những nhà báo tiên phong nổi tiếng, góp công lớn trong lịch sử xây dựng và phát triển nền báo chí Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc, Lý Thụy, Hồ Chí Minh chỉ là bậc hậu bối so với những nhà báo tiên phong kể trên./.

- Quảng Cáo -