Ngư dân neo tàu ở cảng cá tại tỉnh Thừa Thiên – Huế hôm 14/9/2017. AFP
Cách đây ít năm, trên chuyến tàu cao tốc từ Phú Quốc về Hà Tiên, tôi tình cờ ngồi cạnh một ngư dân già từng đi biển nội địa, đi biển gần “nước lạ” lẫn làm thủy thủ thuê cho chủ tàu người Việt ở Úc. Ông kể “Ngư dân mình hay qua đánh lén ở vùng biển Mã Lai (Malaysia). Bên đó nhiều cá lắm, mà mỗi đảo là một chủ, mình chạy tiền họ là được à. Lâu lâu xui thì bị bắt, nhốt ít lâu thả ra à”.
Tôi không đủ thông tin để kiểm chứng có bao nhiêu sự thật trong câu chuyện của ông, nhưng không ít ngư dân chúng tôi thường gặp cũng kể những câu chuyện tương tự. Thậm chí họ cười rất nhiều khi kể về một ngư dân từng được báo chí đưa tin thường xuyên về “thành tích” bị phía “nước lạ” bắt đi bắt lại. Tin trên báo thì như thế, nhưng nguyên do là vì ông ta liều lĩnh hết lần này đến lần khác xâm nhập vùng biển họ đang kiểm soát.
Tuy vậy, có một chi tiết có thật và có thể kiểm chứng nổi lên trong những thông tin kể trên. Đó chính là tình trạng biển Việt Nam đã cạn kiệt hải sản.
Các ngư dân Việt Nam bị Hải quân Hoàng gia Thái Lan bắt giữ ở tỉnh Narathiwat hôm 21/6/2021 vì cáo buộc đánh cá trộm. AFP
Những con tàu vỏ thép hỏng ngầm biến tỷ phú thành người vô gia cư
Báo chí Việt Nam mới đây đưa tin chỉ riêng tỉnh Quảng Ngãi đã có 48/62 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 đã bị nằm bờ vì thua lỗ. Các chủ tàu không trả được nợ gốc và lãi theo cam kết với ngân hàng. Trong số này có 43 chủ tàu phát sinh nợ xấu với dư nợ gần 167 tỷ đồng.
Đó hầu hết là những trường hợp đặc biệt đau lòng. Ví dụ như vụ hai ngư dân Trần Văn Hạo và Trương Hoài Khánh (cùng ngụ TP Quy Nhơn) đã bị ngân hàng phát mại hai chiếc tàu thép để thu hồi nợ. Mỗi con tàu đóng mới ban đầu trị giá khoảng 20 tỷ đồng, sau một thời gian nằm bờ đã bị gỉ sét nhiều bộ phận nên chỉ còn bán được với giá sắt vụn là 1,53 tỷ đồng/tàu. Hai ngư dân khác là ông Phạm Minh Vương ở huyện Phù Cát và ông Nguyễn Văn Lý ở huyện Phù Mỹ bị ngân hàng khởi kiện ra tòa để đòi nợ cũng vì liên quan con tàu thép họ đã đóng, trong đó ông Lý vay ngân hàng hơn 13 tỷ, ông Vương vay 21 tỷ.
Tương tự, ở Quảng Ngãi, ngư dân Phạm Tri Thức (TP Quảng Ngãi) cũng bị ngân hàng kiện ra tòa, sau đó xiết bán con tàu thép của ông cũng với giá 1,6 tỷ đồng.
Tại Đà Nẵng có tổng cộng bảy con tàu đóng mới theo vốn vay ưu đãi từ Nghị định 67. Sáu ngư dân được chọn vay vốn đều là những người giỏi nghề, nhiều năm lăn lộn ở ngư trường Hoàng Sa. Nhưng hiện cả bảy con tàu đều “đắp chiếu” nhiều năm. Cả người vay lẫn chủ nợ đều chờ ngày dắt nhau ra tòa vì tàu làm ăn không hiệu quả (báo Tuổi Trẻ ngày 28/3/2022).
Tất cả họ đều là những con sói biển với kiến thức, sở trường và kinh nghiệm dày dặn về biển. Họ đồng thời có vốn liếng không nhỏ và hiệu quả khai thác ngư trường hiệu quả suốt nhiều năm nên mới dám vay và được ngân hàng thương mại duyệt cho vay đến hàng chục tỷ đồng để đóng tàu vỏ thép. Ông Phạm Tri Thức từng làm chủ ba chiếc tàu vỏ gỗ, hai lần nhận huy chương vàng Thủy sản Việt Nam cùng hơn 100 bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương về thành tích đánh bắt hải sản. Những người khác cũng tương tự.
Ông Thức cho báo chí hay, bỏ ra hàng chục tỷ để đóng tàu nhưng chỉ đi được vài chuyến ông đã phải đưa tàu về nằm bờ vì tàu liên tục hỏng hóc, chi phí sửa chữa quá lớn, trong khi hiệu quả đánh bắt hải sản không đủ bù đắp. Các hệ thống điện tử, máy làm nước đá từ nước biển, máy lọc nước biển thành nước ngọt tốn kém cả tỷ đồng cũng nhanh chóng hư hỏng sau thời gian tàu nằm bờ. Ông đã phải bán hết ba chiếc tàu vỏ gỗ đang ăn nên làm ra để có tiền đổi tàu vỏ thép, sau đó thế chấp cả ngôi nhà đang ở để sửa tàu, trả nợ ngân hàng.
Nhưng sau khi ra tòa, ngôi nhà của ông cũng đã bị Thi hành án đến kê biên phát mãi để trả nợ cho ngân hàng.
Từ một tỷ phú, giờ ông thành kẻ trắng tay, chỉ có nước đi làm thuê cho các chủ tàu vỏ gỗ khác để mưu sinh.
Những người khác hoặc đi khỏi địa phương để trốn nợ hoặc hùn lại phần ngư lưới cụ trên tàu (trị giá vài tỷ) cho chủ tàu vỏ gỗ khác rồi chia phần.
Sự mất mát về tiền bạc và sụp đổ về cuộc sống hiện tại lẫn tương lai với những ngư dân giỏi như kể trên là không thể tính hết. Cũng không thể tính hết thiệt hại của kinh tế địa phương và ngành khai thác hải sản nói chung khi các thuyền trưởng tài giỏi nhất đều lần lượt bị bẻ gãy đôi cánh. Chủ trương đưa ngư dân ra biển để bám biển, khẳng định chủ quyền biển cũng khó thực hiện tròn trặn.
Nghị định 67 là gì?
Nghị định 67 của Chính phủ ra đời ngày 07/7/204 quy định về một số chính sách nhằm phát triển ngành thủy sản. Những người đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể, nếu muốn đóng mới tàu vỏ thép thì chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Thời hạn cho vay là 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa trả nợ gốc.
Một con tàu vỏ thép như của ông Phạm Tri Thức nói trên, về lý thuyết có thể đảm bảo cho đội thủy thủ đi khơi trong khoảng 30 ngày. Đây cũng là thời gian ở trên biển thông thường của các đội tàu cá tư nhân có chủ là người Việt ở Úc. Tuy nhiên, hiệu quả tính trên đơn vị của hai bên khác hẳn nhau.
Nhiều ngư dân cho biết sở dĩ họ mắc nợ chồng chất sau niềm háo hức đóng con tàu lớn, có nhiều máy móc hiện đại có thể ra khơi xa dài ngày là vì chất lượng tàu không đạt hoặc không hợp lý khi đánh bắt hải sản. Ví dụ cabin cao hơn mức cần thiết đến 1 m, khiến tàu bị rung lắc mạnh khi ra khơi. Thành tàu và bậc lên xuống quá cao khiến tàu khó buông lưới, thậm chí gây vỡ giàn đèn hay thành của các tàu cá khác khi áp mạn trên biển. Điều này khiến các tàu cá khác không dám lại gần khiến kế hoạch làm “nậu” (mua bán hải sản) ngay ngoài khơi của một số chủ tàu cũng bị tan vỡ. Hầm cá, máy tời, hướng tàu khi buông lưới… cũng không hợp lý khiến các chủ tàu phải sửa chữa lại rất tốn kém. “Đi 10 chuyến thì sáu chuyến hư hỏng” – họ nói. Cá đánh không được, không có tiền nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng. Mấy kỳ nợ không trả được thì ngân hàng xiết nợ, bắt tàu nằm bờ. Nhưng không có tàu đi biển thì ngư dân kiếm đâu ra tiền trả nợ ngân hàng?
Cái vòng luẩn quẩn vô lý xiết chặt cổ người chủ tàu, thế nhưng không hiểu vì sao không có nghị định nào gỡ bỏ nó để chủ tàu thực sự được vươn khơi theo đúng tinh thần Nghị định 67. Nhiều chủ tàu mong ước được giãn nợ trong vòng năm năm để họ kịp kiếm tiền, như thế nhiều khả năng họ không lâm cảnh từ tỷ phú sa xuống thành con nợ và còn lâm vòng lao lý.
Nhưng có lẽ, lợi ích từ việc chỉ định nơi đóng tàu cũng như duyệt chi cho chủ tàu đã gây thêm trở ngại cho việc gỡ rối này.
Hình minh hoạ: Ngư dân Việt Nam chất cá đánh bắt được lên bờ tại Đà Nẵng hôm 23/6/2009. AFP
Biển cạn kiệt
Cách xa đất liền đến 60 km, nằm giữa biển khơi, lẽ ra hải sản ở quần đảo Nam Du còn phải rất dồi dào. Nhưng không. Một bất ngờ là tàu đánh cá của ngư dân ở vùng này hầu hết chỉ là tàu vỏ gỗ, kích thước rất bé, tàu chỉ dài độ 7 m với tổng cộng năm ngư phủ/thuyền. Do tàu nhỏ nên mỗi chuyến biển chỉ đi về trong vòng một tuần.
Nhìn ngư phủ mang hải sản lên cầu tàu bán cho vựa, tôi suýt khóc. Mang tiếng ghe đi khơi nhưng số hải sản ít ỏi đến nỗi chỉ đủ xếp trong các khay nhựa loại thông thường, khoảng 25 cm x 30 cm, trông như họ đang bán cá nuôi trong bể chứ không phải vừa ra khơi đánh bắt.
Đâu rồi những ghe tàu to lớn đầy ắp hải sản, những chàng ngư phủ khỏe mạnh phải xóc đòn tre hai người khiêng mới nổi một cần xé đường kính gần cả mét, cá chất lên đến ngọn?
Hỏi ngư dân Nam Du, họ nói giờ chỉ có thể đóng ghe nhỏ vậy thôi, vì ghe lớn đi tốn dầu, tốn tiền mua máy lớn nhưng hiệu quả cũng chẳng là bao. Trong vùng vịnh Thái Lan, ghe nhỏ nhiều như lá, lúc nhúc chen nhau cố vét những con cá tôm còn sót lại.
Bây giờ chủng loại cá ngon ít đi, kích cỡ hải sản cũng giảm đến mức thảm hại. Con ghẹ bé lom dom, phần thân to hơn lòng bàn tay người lớn một tí đã được gọi là to. Con ốc hương bị cào lên xào nấu hấp luộc đủ kiểu khi vỏ còn gần như chưa sạch nhớt. Mực nang loại hai ba ký/con đã được trầm trồ. Những làng chài sầm uất ven biển cũng dần biến mất. Ngư dân nhiều tỉnh miền Trung như Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Định, Bình Thuận… bỏ nghề dần, hoặc chạy vào vùng biển cực Tây làm nghề. Chao ôi thời oanh oanh nay còn đâu, biển Việt Nam giờ chỉ còn liệt liệt.
Kết quả điều tra, đánh giá của Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ Nông nghiệp và nông thôn) tháng 12/2021 cho biết tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam giai đoạn 2016-2020 chỉ còn khoảng 3,95 triệu tấn, tiếp tục suy giảm đáng kể so với giai đoạn 2000-2005 (giảm 22,1%) và giai đoạn 2011-2015 (giảm 9,5%). Trữ lượng các nhóm nguồn lợi chủ yếu cũng đang có xu hướng suy giảm, đặc biệt là trữ lượng cá tầng đáy giảm 18,4%, là chỉ số quan trọng cho thấy sự suy giảm nguồn lợi hải sản nói chung. Tuy nhiên, sản lượng đánh bắt hải sản lại tăng.
Và cứ thế, đó không chỉ là câu chuyện của những chiếc tàu vỏ thép đóng một cách tay mơ và liên tục hỏng ngầm nữa. Nó chính là chiếc vòng kim cô siết một cách thầm lặng nhưng chắc chắn và liên tục vào nền kinh tế biển của Việt Nam, lật đổ trực tiếp nồi cơm của những đời ngư phủ. Và nó là trách nhiệm của Nhà nước.
_________
Tham khảo:
https://tuoitre.vn/ngu-dan-gioi-thua-trang-vi-tau-67-20220328103408076.htm
https://tuoitre.vn/tran-tro-voi-tau-vo-thep-649612.htm
https://tuoitre.vn/hai-san-can-kiet-dan-bao-ton-de-dam-bao-sinh-ke-cho-ngu-dan-20211225142818711.htm
https://zingnews.vn/tau-thep-hang-chuc-ty-gi-set-bo-hoang-o-cang-bien-mien-trung-post1306969.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
B.C.L.
Nguồn: RFA tiếng Việt