Trong vòng gần một tháng nay, xăng dầu đã tăng giá vô tội vạ, hiện đã ở mức 26.000 đồng/lít A95 sau hàng chục lần tăng. Đây là mức giá cao nhất trong 10 năm qua. Như vậy, 1 lít xăng ở Việt Nam hiện có giá hơn 1 USD nhưng thậm chí không có xăng để mà mua ở các cây xăng khu vực miền Tây, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Viện cớ là “càng bán, càng lỗ” và “không có xăng do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng và có thể dừng sản xuất,” hàng ngàn cây xăng đã găm hàng, không bán hoặc chỉ bán nhỏ giọt chờ ngày… đồng loạt tăng giá. Trong bối cảnh như hiện nay, việc tăng giá xăng dầu là một cú đánh bồi đối với quá trình phục hồi vốn đang rất èo uột của nền kinh tế.
Sản phẩm | Vùng 1 | Vùng 2 |
Xăng RON 95-V | 25.820 | 26.330 |
Xăng RON 95-IV | 25.420 | 25.920 |
Xăng RON 95-III | 25.320 | 25.820 |
E5 RON 92-II | 24.570 | 25.060 |
Theo “tính toán” của các nhà thống kê CSVN thì việc giá xăng tăng phi mã chỉ làm “tăng nhẹ” các chi phí đầu vào của nền kinh tế. Nhưng trên thực tế, cứ khi xăng tăng 1000 đồng thì kéo theo chi phí của hầu hết các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu tăng thêm từ 2% tới 3%. Kể từ 2020, giá xăng tăng từ 15.000 đồng (27/10/2020) vượt mức 25.000 đồng như hiện nay (14/02/2022) đã kéo theo giá mọi hàng hóa dịch vụ tăng thêm 25%- 30%. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt và tăng giá nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu đã khiến cho hầu hết mặt hàng thiết yếu như phân bón, dược phẩm, thuốc trừ sâu, hạt giống, sắt thép, nhôm, đồng… tăng giá hỗn loạn. Với mức tăng giá xăng dầu, điện… và nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp như hiện nay sẽ xóa sạch mọi nỗ lực phục hồi kinh tế.
Thế mà tài tình làm sao, con số lạm phát của Việt Nam thấp một cách kỳ lạ. Theo thống kê của GSO, chỉ số tiêu dùng CPI năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với năm trước và lạm phát cơ bản tăng 0,84%. Nếu thế, thì cầu thị trường chắc chắn đã tăng trưởng âm rất sâu. Có thể nhìn thấy điều đó được phản ánh phần nào qua doanh số và mức tiêu thụ của các ngành xăng dầu, ô tô, du lịch, ăn uống… Như vậy, vấn đề của nền kinh tế nghiêm trọng hơn rất nhiều so với các nguyên nhân mà báo cáo hội nghị và báo chí lề đảng không được phép đề cập. Vì nền kinh tế vừa phải đối mặt với lạm phát phi mã thực do chi phí đẩy quá lớn, vừa phải đối mặt với thiểu phát do các động lực kinh tế đã tê liệt và cầu thị trường quá thấp.
Báo chí truyền thông nhà nước CSVN liên tục đưa ra các thông tin trấn an người dân rằng mọi việc vẫn ổn, xăng dầu không thiếu, không lọc được thì…nhập, thiếu chỉ là cục bộ… vân vân. Nghe cứ như tấu hài. Là một quốc gia có nguồn tài nguyên dầu khí phong phú, xuất khẩu dầu thô từ nhiều thập kỷ qua cũng như tự lọc được dầu từ 2009 khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động. Năm 2018, thì nhà máy lọc dầu Nghi Sơn với mức đầu tư khủng tới gần 10 tỷ Mỹ Kim là nhà máy thứ 2 của Việt Nam được khánh thành. Thế nhưng, dân Việt Nam được đảng và nhà nước “ưu tiên” bán cho với giá cắt cổ so với thu nhập bình quân đầu người. Nếu so với thu nhập đầu người, giá xăng dầu ở Việt Nam đứng thứ 2 thì không có nước nào dám đứng số 1. Mỗi lít xăng cõng đủ mọi loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí bảo trì đường bộ, thuế bảo vệ môi trường, quĩ bình ổn giá, VAT… Tổng của các loại thuế phí này chiếm tới hơn 60% giá bán.
Cũng giống như câu chuyện đường cao tốc ở Việt Nam có giá đắt gấp 10 lần đường cao tốc ở Mỹ hay Dubai và …không có làn khẩn cấp. Các nhà máy lọc dầu ở Việt Nam có mức đầu tư vượt xa các nước ở xứ tư bản giãy chết và luôn luôn thua lỗ. Nhà máy Nghi Sơn sau 3 năm đi vào hoạt động đã thua lỗ tới 3 tỷ Mỹ Kim. Mấy năm trước, vài người bạn của người viết ở Vietsopetro, PTSC (Petrovietnam Technical Services Corporation – Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) cho biết chi phí để sản xuất một thùng dầu thô ở Việt Nam khoảng gần 70 USD, nếu cộng đủ loại thuế, phí khác nữa thì cao hơn nhập khẩu. Chi phí để lọc dầu cũng cao hơn nhập khẩu!
Ngoài ra, các máy móc, vật tư tiêu hao trong ngành dầu khí ở Việt Nam được nhập về với giá rất cao vì bị quan chức kênh giá, khi đi vào sử dụng hư hỏng rất nhanh. Nhiều thiết bị có giá nhập về hàng triệu Mỹ Kim nhưng chỉ hỏng, sai lỗi một số chi tiết nhỏ đều bị đem đi thanh lý, bán đồng nát để tiện… nhập máy mới. Có khi đầu nậu mua những thiết bị đó đem sửa chữa, thay thế phụ tùng, dập lại số máy, ngày sản xuất, thay đổi hồ sơ nhập khẩu và lại bán lại cho chính đơn vị thanh lý… Nói chung, có vô số cách làm tiền. Tất cả đều đúng qui trình và đều được hạch toán vào giá thành sản xuất. Đương nhiên, người cuối cùng chịu “lỗ” luôn là “nhân dân anh hùng.”
Trong nền kinh tế có cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa,” các ngành công nghiệp chủ lực như xăng dầu, viễn thông, điện lực… đều nằm trong tay các tổng công ty và tập đoàn nhà nước. Họ được tiếp cận không giới hạn nguồn vốn, tài nguyên và độc quyền thị trường tiêu thụ. Ấy thế mà hầu hết các tập đoàn nhà nước đều thua lỗ khủng và luôn kêu gào các chính sách ưu đãi thêm nữa.
Báo chí vừa qua cho biết một vài dự án và vụ việc được Thanh Tra Chính Phủ sờ tới như: Dự án mở rộng và cải tạo sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang Thép Thái Nguyên; Việc quản lý, sử dụng đối với 2.200 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam trả nợ cho Tập đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy và số tiền 4.190 tỷ đồng chính phủ tạm ứng cho Tập đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy thực hiện tái cơ cấu; Việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM; Việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà… Thanh Tra Chính Phủ đã phát hiện vi phạm trên 79.966 tỷ đồng, 1.168 ha đất, kiến nghị thu hồi 38.142 tỷ đồng, 365 ha đất, xử lý khác 41.823 tỷ đồng, 804 ha đất.
Không rõ, nếu thanh tra toàn diện các tập đoàn nhà nước thì con số tiền thất thoát, sai phạm, nợ xấu, lãng phí là bao nhiêu? Cái thực tiễn khách quan này đã diễn ra trong suốt tiến trình tồn tại của thể chế và trở thành một đặc tính bản chất, không thể thay đổi.
Việc hỗn loạn giá xăng dầu như hiện nay, cũng như giá thịt lợn, giá sắt thép, phân bón… trước nay đều diễn ra như thế. Cũng hàng đống văn thư, thông tư, nghị định, chỉ thị… được Hà Nội ban hành để làm giấy lộn. Giá cả chẳng những không giảm mà còn tăng nhiều thêm. Đơn giản chỉ vì hai lý do.
Thứ nhất, đây là nền kinh tế tư bản băng đảng, bị lũng đoạn hoàn toàn bởi các nhóm lợi ích to lớn trong ĐCSVN. Mọi chỉ đạo hành chính chỉ là trò hề vì tất cả đều có phần cả rồi. Báo chí trong nước phản ảnh, phân tích cũng chỉ là những chiêu trò để các phe cánh khác sau này muốn chen chân vào thị trường và muốn có phần trong chiếc bánh đã được chia từ trước đó.
Kết quả sau một hồi đàn áp, bắt bớ, vài con dê tế thần bị đem ra xét xử, các băng đảng trong nội bộ đảng CSVN phải ngồi lại để phân chia thị trường, lợi nhuận. Khi cái bánh bị chia phần nhiều hơn, cũng có nghĩa phải tăng giá bán để có thêm lợi nhuận phân chia cho “đủ mâm, đủ bát.” Thế là, giá xăng dầu hay thịt lợn, sắt thép, thuốc đểu, thuốc dỏm, cũng phải tăng giá theo.
Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam chỉ hoàn toàn là thứ phế vật. Chúng không có tác dụng gì ngoài việc đẻ ra các sắc thuế mới, đưa ra các qui trình quan liêu để làm tiền, chúng không có khả năng điều tiết hay quản lý bất cứ cái gì. Cũng giống như câu chuyện cũ “Giá, lương, tiền” và siêu lạm phát của những năm bao cấp và những năm thập niên 80s, 90s. Câu chuyện giá xăng dầu, thịt lợn, phân bón, thóc gạo, nông sản, sắt thép…. cho đến cái kit xét nghiệm đểu của Việt Á hôm nay cho thấy một sự thất bại toàn diện của một hệ thống nhà nước mục ruỗng, vô năng, đầy rẫy tiêu cực và nhũng lạm tới cùng cực.
Các tập đoàn nhà nước được mệnh danh là “nắm đấm thép của nền kinh tế XHCN” – đồng thời là sân sau của những “bố già Đỏ” – đang đấm vỡ mặt “nhân dân anh hùng” và bầy linh cẩu CSVN vẫn tru lên “do dân và vì dân.”
Tân Phong