Cái từ ngữ “Công khai”, “minh bạch” và “không có vùng cấm” được những nhà lãnh đạo Việt Nam gần đây nhắc đi nhắc lại như những cỗ máy trên các cuộc họp, các diễn đàn. Họ nhắc nhiều đến mức người dân cứ thấy có điều gì đó không bình thường trong cái việc lẽ ra phải là rất bình thường trong một nhà nước pháp quyền, trong cuộc gọi là “Chống tham nhũng” và “bình đẳng trước pháp luật”.
Mấy tháng nay, dư luận xôn xao về vụ Trường Đại học Đông Đô cấp bằng “chính quy” nhưng không đúng quy định, thậm chí cấp bằng nhưng không thông qua đào tạo, nghĩa là cấp bằng giả, hoặc nói chính xác hơn là bằng thật, nhưng học giả.
Theo quy định, Đại học Đông Đô không có chức năng tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 chính quy. Nhưng trường này đã cấp hàng trăm tấm bằng chính quy cho hàng trăm người sử dụng.
Vụ việc này nếu chỉ có Trường Đại học Đông Đô thì chắc không thể làm được, mà đã có sự tiếp tay từ cấp cao hơn, là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, ngày 21/1/2015, Đại học Đông Đô có báo cáo thống kê năm học 2014 – 2015 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 của gửi Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ GĐ-ĐT. Tại công văn này không có nội dung đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 chính quy, song vẫn được Bộ GĐ-ĐT thông báo có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.
Đến các năm học sau, Đại học Đông Đô có văn bản “xin” chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy và được các đơn vị chức năng của Bộ GĐ-ĐT cho đăng tải lên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ, trong đó năm 2016 là 150 chỉ tiêu; năm 2107 là 150 chỉ tiêu và năm 2018 là 400 chỉ tiêu.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đã có 626 người được Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh, nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh. Trong đó, Cơ quan an ninh điều tra đã làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo.
Viện kiểm sát yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp này. Viện kiểm sát cũng đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý hậu quả 60 trường hợp sử dụng bằng giả để thi tuyển công chức, bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ…
Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra đã phải đề nghị các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo rà soát hồ sơ đã tiếp nhận của cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh sử dụng bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ chính quy – Văn bằng 2 do trường Đông Đô cấp, phải báo ngay bằng văn bản cho cơ quan ANĐT. Ngoài ra, các cá nhân đã được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ chính quy – Văn bằng 2 cũng cần liên hệ với cơ quan ANTĐ để trình báo, làm việc và cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra.
Người ta thấy lạ. Người ta đặt nhiều câu hỏi.
Tại sao cơ quan An ninh điều tra của hệ thống công an Việt Nam được ca ngợi là “giỏi nhất thế giới” lại phải làm động tác này.
Trong khi đó, những người cất tiếng nói đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, hiện tượng mất dân chủ, bóp nghẹt quyền con người của người dân, thì hầu như ngay lập tức, cơ quan An ninh điều tra đã lôi ra được cả những “âm mưu”, “ý định”, “mục đích” mà ngay cả người bị kết tội vẫn chưa nghĩ ra, để kết tội họ một cách chóng vánh? Để rồi ngay sau đó, báo chí được cung cấp đầy đủ thông tin, thậm chí thừa những thông tin bịa đặt về bản thân họ và đưa lên báo chí công khai nhằm bôi nhọ những người vì dân, vì nước, vì lãnh thổ của Tổ Quốc.
Báo chí và người dân hiểu rất rõ rằng: Không có khó khăn gì để tìm ra danh tính những người đã mua bằng giả tại đây. Bởi dù là bằng giả, dù không qua đào tạo, nhưng để cấp những tấm bằng này như thật, ĐH Đông Đô vẫn phải có quyết định, có lưu sổ, lưu số về những thông tin của những tấm bằng được cấp ra và hẳn nhiên là có thông tin của các đối tượng được cấp.
Thế nhưng, điều mà dư luận xã hội đang quan tâm và yêu cầu phải công khai danh tính, công khai những mục đích và hậu quả của việc nhiều người mua bằng giả của Trường ĐH Đông Đô là những ai, họ đã mua bằng giả để làm gì?
Có lẽ điều này không có khó khăn và nghiêm trọng đến mức trở thành “Bí mật quốc gia” như danh sách các lãnh đạo được “cơ cấu” và Ban chấp hành Trung ương hoặc “trường hợp đặc biệt” về nhân sự chuẩn bị cho đại hội đảng. Nghĩa là danh tính những cá nhân chuẩn bị được đảng cử ra cho dân bầu làm “đầy tớ nhân dân”.
Bởi ai cũng biết một điều rất đơn giản: Những người không học hành, nhưng bỏ tiền ra mua bằng, không chỉ là để chơi, không chỉ để khoe mẽ hoặc mua cho vui. Hẳn nhiên là số tiền rất lớn của từng cá nhân bỏ ra để mua những tấm bằng này phải có một mục đích nhất định. Trong đó, việc sử dụng nó trong hệ thống nhà nước, công chức là chủ yếu.
Bởi ai cũng hiểu rằng: Với những công ty tư nhân, với những người làm việc cho các công ty nước ngoài, tấm bằng ngoại ngữ giả kia, chẳng hề có giá trị gì cho họ.
Mới đây, Đinh Ngọc Hệ, bị can bị tuyên án chung thân trong vụ xử về thu phí Đường Cao Tốc Trung Lương – Tp HCM, có một chi tiết là vị “bộ trưởng” mạo danh này tiến thân bằng một tấm bằng giả. Với 2,5 triệu đồng, ông Hệ đã mua bảng điểm và bằng tốt nghiệp đại học của ĐH Kinh tế Quốc dân.
Từ tấm bằng giả, Đinh Ngọc Hệ đã được Đảng kết nạp, rồi leo dần lên chức Thượng tá công an, trở thành một người rất quyền lực với biệt danh “Út bộ trưởng”. Trong một phiên tòa trước đây, chính Đinh Ngọc Hệ đã nói mình là nông dân, mình “dân trí thấp” nên không nhận thức được việc không đi học mà có bằng đại học là vi phạm. Đó cũng là lời thú nhận của một Thượng tá ngành công an.
Vậy thì rõ ràng, việc mua bằng giả để sử dụng vào mục đích thăng quan, tiến chức trong hệ thống công quyền là đều khá rõ ràng. Và điều này, gần như đồng nghĩa với việc gian dối, với việc vi phạm luật pháp cũng như đạo đức của quan chức. Chính vì thế, mới có việc Viện kiểm sát Tối cao yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp mua bằng giả tại đây đã được xác định.
Đơn giản vậy, rõ ràng thế mà tại sao người dân chỉ yêu cầu công khai rõ ràng ai đã mua những tấm bằng này để làm gì lại khó khăn đến thế?
Trong khi dư luận xã hội rất bức xúc trước hiện tượng gian dối đã quá nhiều trong xã hội, thì việc giấu diếm các thông tin này, chỉ càng làm cho mối nghi ngờ càng lớn hơn về hệ thống đào tạo, bằng cấp và phẩm chất của các quan chức nói chung.
Trong khi quan chức nhà nước, lãnh đạo đảng và chính phủ luôn công bố rằng: Chống tham nhũng, chống tệ nạn xã hội là không có vùng cấm, là công khai, là bình đẳng, là bất kể ai vi phạm cũng bị xử lý nghiêm… Đủ cả mọi ngôn từ rất kêu, rất mạnh mẽ.
Vậy thì tại sao việc công khai danh tính những người đã vi phạm này lại không được rõ ràng, minh bạch? Rõ ràng, hệ thống chính trị Việt Nam biết rất rõ, càng giấu diếm, càng có hại cho cái gọi là “uy tín” và lòng tin của người dân vào nhà nước, vào quan chức hiện nay.
Cũng mới đây, ông Nguyễn Xuân Phúc, trên cương vị Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu phải làm rõ số cá nhân được Trường ĐH Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả và các văn bằng, chứng chỉ khác… để thu hồi và xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Và đến nay, đã có thông tin cụ thể từ các cơ sở đào tạo về các trường hợp sử dụng bằng ngôn ngữ Anh giả của Đại học Đông Đô để học thạc sĩ, tiến sĩ: Đại học Quốc gia Hà Nội có 5 trường hợp, Học viện Khoa học xã hội có 7 trường hợp, Đại học Sư phạm Hà Nội có 8 trường hợp, Học viện Báo chí – Tuyên truyền có 4 trường hợp.
Vậy mà các cơ quan chức năng, hệ thống công quyền vẫn cứ im thin thít không hề đáp ứng yêu cầu của dư luận, của xã hội về việc họ cần biết ai đã sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô, và sử dụng vào việc gì cụ thể. Thậm chí, họ cũng chẳng coi cái chỉ đạo, yêu cầu của Thủ tướng là cái “đinh gỉ” gì.
Điều đó, tưởng như không có gì lạ, bởi như một tờ báo mới đây đã tiết lộ rằng: Những người sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô là những người có uy tín trong xã hội.
Cụ thể, 55 đối tượng đã mua bằng tiếng Anh giả để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án Tiến sĩ nhằm chui sâu trèo cao ở các tổ chức Nhà nước và được xưng tụng là những người có uy tín xã hội, hẳn nhiên, họ phải là những quan chức cỡ bự, những người mà phải có tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ… cho đủ cái nhãn mác khi được cơ cấu vào Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch các Tỉnh… vì nếu chỉ chức chủ tịch Huyện thì chẳng cần đến mức phải có cái nhãn Tiến sĩ đến vậy.
Và hẳn nhiên, các quan chức đã ở cấp Tỉnh ủy, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố… thì họ phải là Ủy viên hoặc Ủy viên trung ương dự khuyết. Và đầu dây, mối nhợ và sự liên hệ sẽ là hết sức chặt chẽ với các cấp cao nhất trong hệ thống Đảng, nhà nước.
Bởi, ngay cả đến chức vụ Chủ tịch nước như Trần Đại Quang, cũng đã từng khai man lý lịch, bằng cấp và gian dối ngày tháng năm sinh nhằm chiếm thêm một nhiệm kỳ giữ ghế. Mọi chuyện rõ rành rành, nhưng chỉ vì vướng vào vùng cấm nên phải im.
Và khi sự thân quen, thần thế đến mức đó, thì việc không có vùng cấm, việc công khai, minh bạch… chỉ là chuyện hài hước không hơn, không kém.
Ngày 30/12/2020
J.B Nguyễn Hữu Vinh
#Đại họcĐôngĐô #bằnggiả