“Vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”: cớ để cùng chính phủ siết quyền tự do ngôn luận!

- Quảng Cáo -

Diễm Thi, RFA

“Vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” là thông báo từ Facebook gửi đến chủ danh khoản Facebook nhằm chặn một bài viết, một hình ảnh hay đường dẫn nào đó, mà chính chủ trang Facebook cũng không biết mình vi phạm gì. Ông Kế, một facebooker ở Việt Nam nói với RFA thực trạng này:

“Tôi không hiểu cụ thể mình vi phạm cái gì, vi phạm vấn đề gì. Không hiểu mình đăng hình ảnh, thông tin hay bài viết gì vi phạm vào những điều cấm. Mình không rõ vì Facebook chỉ thông báo chung chung là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Họ nói vậy mình biết vậy thôi. Tôi có tìm hiểu mà cũng chịu thôi. Trong vòng một tháng nay mà tôi bị ba lần rồi đấy.

Nếu họ nói rõ ràng thì tôi mới biết vi phạm cái gì để đồng ý hay phản đối. Đằng này họ chỉ báo chung chung là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng thôi. Có lần Facebook đưa ra một cái hình tôi đăng từ ba năm trước, báo là hình này vị phạm tiêu chuẩn cộng đồng.”

- Quảng Cáo -

Không chỉ thông báo “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” để chặn bài viết, Facebook còn bị cho là đang sử dụng một phương cách khác mà người  dùng Facebook gọi là “chặn tương tác”; “bóp tương tác”; “hạn chế tương tác” để ngăn những bài viết của họ lan truyền mạnh trên mạng xã hội. Luật sư Nguyễn Văn Đài hiện đang ở Đức cho RFA hay, trang Facebook của ông thường bị khóa khi ông đưa những thông tin mà chính quyền Việt Nam coi là nhạy cảm về chính trị. Ông nói thêm:

“Họ chặn tương tác. Hạn chế tương tác. Tức là họ hạn chế, không cho phép những người ở Việt Nam có thể tương tác hay nhìn thấy những bài đăng của mình trên Facebook. Trước đây, khi xảy ra vụ Tây Nguyên thì Facebook của tôi bị khóa thường xuyên. Cứ mở ra một tháng thì khóa một tháng, mở lại rồi khóa hai tháng… triền miên trong suốt năm 2022, đến giữa năm 2023 mới hết.

Theo tôi, họ (chính quyền VN) sẽ theo dõi, và khi có bài viết nào đó họ cho là nguy hiểm đối với chế độ và họ không muốn người dân trong nước đọc bài viết đó thì ngay lập tức họ “khiếu nại” với Facebook và Facebook Việt Nam phải có trách nhiệm chặn ngay bài viết đó ở Việt Nam. Facebook phải có trách nhiệm tuân theo tiêu chuẩn của chính quyền Việt Nam. Vấn đề là tiêu chuẩn đó nó trái với tiêu chuẩn quốc tế.”

Là một phần của Chiến dịch Tự do Internet, Đảng Việt Tân ở Hoa Kỳ phát hành một tài liệu nói về một cách kiểm duyệt khác từ chính phủ tới người sử dụng Facebook với khái niệm “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”.

Ông Hoàng Tứ Duy, Tổng bí thư Đảng Việt Tân nhận định, “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” là một cách kiểm duyệt internet. Ông nói với RFA sáng 21 tháng 12 năm 2023:

“Có hai cách mà Facebook đang kiểm duyệt tại Việt Nam. Cách cổ điển là do chính quyền áp lực Facebook phải tháo gỡ những nội dung mà họ cho là vi phạm luật Việt Nam, làm chậm tốc độ truy cập Facebook để người dùng không thể truy cập được.

Bây giờ họ áp dụng một cách nữa rất độc hại, đó là báo cáo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Nó không xuất phát trực tiếp từ nhà nước mà do mạng lưới dư luận viên lạm dụng chức năng báo cáo yêu cầu Facebook chặn bài và còn chế tài luôn. Việc này gây ảnh hưởng trầm trọng đến tự do ngôn luận tại Việt Nam.

Chúng tôi có khuyến nghị cho Meta một số thay đổi mà Meta cần làm để thay đổi, điều chỉnh việc cảnh cáo về vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng bởi môi trường độc tài ở Việt Nam khác với môi trường cộng đồng của các quốc gia tây phương. Chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi với Meta nhưng điều đó chưa đủ. Việt Tân có mở ra một cuộc vận động để cùng với những giới quan tâm, chẳng hạn như các tổ chức nhân quyền, các chính giới ngoại quốc…, nói chung là những người quan tâm đến nhân quyền, đến tự do internet để họ cùng với chúng tôi áp lực công ty Meta phải có những thay đổi.”

Theo ông Hoàng Tứ Duy, các tiêu chuẩn cộng đồng của Meta có mục đích tốt nhưng dễ bị lạm dụng trong các xã hội độc tài như Việt Nam. Do đó, Đảng Việt Tân có đưa ra một số khuyến nghị cho Meta, chẳng hạn như nội dung bị nghi vấn có thể bị gỡ xuống để chờ xem xét thêm nhưng trang sẽ không phải đối mặt với các trừng phạt cho đến khi quá trình khiếu nại hoàn tất; Meta phải xem lại các tiêu chuẩn cộng đồng trong các quốc gia độc tài: cần phải phân biệt giữa nội dung thực sự có hại và báo chí công dân vạch trần hành vi sai trái của chính quyền và bất công xã hội.

Cũng theo ông Duy, do Meta là một công ty toàn cầu nên Meta phải đầu tư vào các bộ lọc ngôn ngữ chỉnh chu hơn cũng như đội ngũ nhân viên để xem xét bối cảnh và sắc thái của nội dung bài đăng, thay vì dựa vào các quy trình xét duyệt tự động. Ngoài ra, Meta cần loại bỏ báo cáo đến từ các tài khoản liên tục báo cáo vi phạm. Còn các trang của những cá nhân hoặc các tổ chức hoạt động xã hội, nhân quyền thường xuyên bị báo cáo hàng loạt cần được sự bảo vệ bổ sung để tránh bị “những cảnh cáo sai lầm”.

Ông Hoàng Tứ Duy nói thêm, có nhiều bài đăng của Việt Tân bị cho là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook, nhưng lại được các tài khoản Facebook khác tiếp tục chia sẻ rộng rãi mà không bị bất kỳ hạn chế hay trừng phạt nào.

“Những bài đó bị dư luận viên hoặc chính quyền Hà Nội báo cáo. Chúng tôi đã nêu tình trạng đó với Facebook và họ có nói là sẽ tìm hiểu thêm. Tuy nhiên, việc đó cho thấy một sự phi lý trong “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” của Facebook. Nếu thật sự một bài viết vi phạm thì nó phải bị lấy xuống trên tất cả các trang Facebook. Điều này cho thấy có sự lạm dụng chức năng báo cáo của thành phần dư luận viên.

Hôm 19 tháng 6 năm 2023, báo The Washington Post có bài viết của tác giả Rebecca Tan có tựa: “Facebook helped bring free speech to Vietnam. Now it’s helping stifle it.”, tạm dịch là “Facebook đã giúp mang lại tự do ngôn luận cho Việt Nam. Bây giờ Facebook lại giúp ngăn chặn tự do ngôn luận”.

Theo bài viết, khoảng một thập kỷ trước, khi Facebook bắt đầu vào Việt Nam, nó giống như một “cuộc cách mạng” khi lần đầu tiên, người dân trên cả nước có thể trao đổi trực tiếp về các vấn đề thời sự. Người dùng đăng bài về sự lạm dụng của công an, sự lãng phí của chính phủ, đi thẳng vào sự tuyên truyền của Đảng Cộng sản cầm quyền. Nhưng khi sự phổ biến của Facebook bùng nổ ở Việt Nam, đưa quốc gia này trở thành thị trường lớn thứ bảy của công ty trên toàn thế giới thì chính phủ bắt đầu yêu cầu những hạn chế.

Kể từ đó, Facebook đã nhiều lần nhượng bộ chính phủ độc tài Việt Nam, thường xuyên kiểm duyệt những người bất đồng chính kiến và cho phép những người bị chính phủ coi là mối đe dọa buộc phải rời khỏi nền tảng này. Bài viết dẫn nguồn tin ẩn danh cho biết, Facebook phải tuân theo một danh sách nội bộ các quan chức Đảng Cộng sản Việt Nam không để bị chỉ trích trên Facebook. Danh sách này được giữ kín ngay cả trong nội bộ công ty.

- Quảng Cáo -