Có “dẫn độ” được 3 luật sư vụ “tịnh thất Bồng Lai” đang ở Hoa Kỳ?

- Quảng Cáo -

Cát Tường (VNTB)

Bộ Công an cho rằng cần xây dựng hẳn Luật Dẫn độ thay cho Luật Tương trợ tư pháp đã không còn phù hợp.

Công an tỉnh Long An cáo buộc ba vị luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo vụ “tịnh thất Bồng Lai” là có dấu hiệu vi phạm điều luật hình sự 331.

Câu hỏi đặt ra: giả dụ mai đây cơ quan công an tỉnh Long An thực hiện các bước tố tụng tiếp theo là khởi tố vụ án, khời tố bị can thì liệu có thể “dẫn độ” ba vị luật sư này về tỉnh Long An để phục vụ công tác điều tra xét hỏi?

- Quảng Cáo -

Trả lời nhanh: về nguyên tắc là không thể “dẫn độ”, chỉ có thể là “tự nguyện đầu thú” như Trịnh Xuân Thanh, hoặc như cựu kế toán trưởng AIC Đỗ Văn Sơn mới đây.

Không thể dẫn độ ở đây, thật ra còn vì một lý do rất đơn giản, đó là sở dĩ ba vị luật sư buộc phải rời quê hương vì họ đối mặt với cáo buộc của một điều luật liên quan đến quyền tự do thể hiện chính kiến, mà quyền này với tất cả các quốc gia “không cộng sản”, thì đó là quyền hiển nhiên.

Vấn đề trên, mới đây đã được phía Bộ Công an… nhìn nhận, và cho rằng cần xây dựng hẳn Luật Dẫn độ thay cho Luật Tương trợ tư pháp đã không còn phù hợp. Cụ thể, dẫn độ chỉ là một trong 4 lĩnh vực mà Luật Tương trợ tư pháp điều chỉnh, gồm tương trợ tư pháp về dân sự, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Trong khi đó xu thế chung của các quốc gia trên thế giới hiện nay là xây dựng riêng Luật Dẫn độ để thuận lợi cho việc áp dụng.

Đơn cử như các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Canada, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia… đều đã ban hành luật riêng về dẫn độ. Liên Hiệp Quốc cũng đã thông qua Luật mẫu về dẫn độ (năm 2004) để làm cơ sở cho các quốc gia tham khảo, xây dựng pháp luật trong nước.

Theo Bộ Công an, một số nội dung của Luật Tương trợ tư pháp chưa phù hợp với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Chẳng hạn, Luật Tương trợ tư pháp chưa có quy định về việc từ chối dẫn độ trong trường hợp có đủ căn cứ để tin rằng người bị yêu cầu dẫn độ có nguy cơ phải chịu sự tra tấn ở quốc gia yêu cầu.

Ngoài ra, theo quy định của các điều ước quốc tế song phương về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên cũng như thông lệ quốc tế, các quốc gia thường từ chối dẫn độ trong trường hợp tội phạm được yêu cầu dẫn độ được xác định là tội phạm chính trị, hoặc tội phạm quân sự.

Tuy nhiên, Luật Tương trợ tư pháp chưa có quy định cụ thể về trường hợp này cũng như căn cứ để xác định tội phạm chính trị, tội phạm quân sự.

Trường hợp hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam, hiện Luật Tương trợ tư pháp quy định “có thể từ chối dẫn độ”, tuy nhiên thực tế cần quy định trường hợp này bắt buộc từ chối dẫn độ.

Thế nào là tội phạm chính trị theo cách hiểu của “từ chối dẫn độ”?

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người có nhiều thân chủ bị kết án bởi điều 117 và 331 của Bộ luật hình sự, khi còn ở Việt Nam, ông từng lên tiếng như sau: “Cùng với điều luật 331, thì điều 117 Bộ luật hình sự không nên được điển chế vào Bộ luật hình sự Việt Nam. Vì các điều luật này hạn chế quyền tự do ngôn luận theo điều 25 của hiến pháp, không những thế, cũng hạn chế điều 19 trong Công ước về các quyền chính trị và dân sự (ICCPR) 1966 mà Nhà nước Việt Nam đã tham gia ký kết từ năm 1982.

Ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, việc phát ngôn làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm cá nhân, tổ chức một cách không chính đáng thì chỉ là một lỗi dân sự. Chúng làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà thôi.

Theo đó, tôi nghĩ chính quyền nên xem xét lại sự tồn tại của 2 điều luật này để bảo đảm sự hội nhập, tương thích của luật pháp Việt Nam đối với những tiêu chuẩn luật pháp hình sự quốc tế”.

Nhắc lại, hồi đầu năm 2022, bảy tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và 79 nhân sĩ, trí thức đồng soạn thảo một kiến nghị yêu cầu bãi bỏ ba điều luật trong Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, nội dung yêu cầu nhà nước bãi bỏ hoặc sửa ba điều luật gồm điều 109 “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, điều 117 “Tội phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước”; và điều 331 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.

Đây là các điều luật thường được nhà cầm quyền sử dụng để kết án những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền. Và như vậy, khi các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động nhân quyền nếu bị đối mặt với những điều luật đó, họ có thể yêu cầu được “tỵ nạn chính trị” ở một quốc gia phương Tây mà không phải lo ngại chuyện “dẫn độ”.

 

- Quảng Cáo -