Sau khi ‘quyết liệt giành lại vỉa hè cho dân’, chính quyền đem… cho thuê

- Quảng Cáo -

Lê Thiệt (SGN)

Khoảng Tháng Hai, chính quyền nhiều thành phố lớn đồng loạt có kế hoạch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”. Đây là “cuộc chiến” dai dẳng giữa chính quyền và những người “chiếm đóng”. Không ai tin chiến dịch lần này sẽ thành công trọn vẹn, “chính quyền sẽ ‘giành’ được, nhưng chỉ vài tháng ổn định thôi, đâu cũng lại vào đấy”. Nhiều người cho ý kiến như thế, vì nhiều lý do, trong đó có một lý do rất thực dụng: Người “chiếm giữ” vỉa hè là “đội quân” nuôi lãnh đạo địa phương.

Tại Sài Gòn, vào giữa Tháng Hai, Thành ủy TP.HCM đã ra chỉ thị mạnh tay dẹp bỏ sự chiếm dụng lòng lề đường nhằm “bảo đảm cho người đi bộ được ưu tiên sử dụng vỉa hè và tiếp cận giao thông công cộng”. Động thái này làm cho nhiều người dân kinh ngạc, và không tin đó là sự thật, dù họ đánh giá rất cao nỗ lực của chính quyền.

Đến nay, sau khi vỉa hè đã thông thoáng, người đi chưa “hưởng” được quyền đi bộ trên vỉa hè được bao nhiêu ngày, thì “đùng một cái” Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM gởi đề xuất cho thuê vỉa hè để kinh doanh. Thì ra, người dân không tin “lòng tốt” của chính quyền trước đây, cũng có lý do của nó.

- Quảng Cáo -

Đề xuất cho thuê vỉa hè được Sở GTVT làm rất chi tiết như cách thức “xẻ thịt một con heo ra bán thịt tươi”: Phần nào nạc, ngon thì ra giá cao, phần nào mỡ, xương thì ra giá thấp. Họ chia ra nhiều khu vực, và tùy thuộc vào loại hình kinh doanh, với mức cho thuê thấp nhất là 20.000 đồng/m2/tháng, và cao nhất là 350.000 đồng/m2/tháng. Tuy vậy, dù họ xẻ nát vỉa hè để cho thuê, nhưng vẫn “ưu tiên giành cho người đi bộ 1,5 mét”. Đó là “tính nhân văn” của đề xuất cho thuê vỉa hè của Sở GTVT.

Họ nói việc cho thuê chỉ là “tạm thời”, nhưng không nói rõ thời hạn là bao nhiêu, nên có thể hiểu chắc cao lắm cũng chỉ chừng… 99 năm là cùng. Để đề xuất có tính thuyết phục cao, Sở GTVT tính toán rằng chỉ cho thuê vỉa hè thôi, mỗi năm thành phố sẽ thu được hơn 1.500 tỉ đồng. Một con rất “ấn tượng”, sẽ khiến lãnh đạo thành phố phải cân nhắc, sau khi giành lại vỉa hè cho người đi bộ, có nên giành lại vỉa hè của người đi bộ để cho mướn không?

Dư luận cho rằng, sẽ có nhiều lãnh đạo bỏ phiếu “THUẬN”, vì nếu tính phần trăm chi phí “bôi trơn” là 30%, thì số tiền các lãnh đạo “bỏ túi” đã lên tới 300 tỉ đồng/năm. Một con số khủng khiếp!

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý việc vừa giành lại vỉa hè cho người đi bộ xong, lại “xẻ thịt” nó cho thuê lấy tiền “nuôi” lãnh đạo.

Bà Hoàng Thị Lợi, Phó chủ tịch Mặt trận phường Bến Nghé, quận 1, dù (phải) đồng tình với chủ trương cho thuê vỉa hè, nhưng cho rằng mức giá Sở GTVT đưa ra còn khá thấp, chưa sát với thị trường. Bà nói:

“Với giá này tôi cũng muốn thuê vỉa hè, lòng đường để giữ xe vì rất lời. Khoản chênh lệch này rơi vào túi ai. Ký hợp đồng rồi cho thuê lại cũng đã lời”.

Có thể bà Lợi không hiểu, hoặc cố tình không hiểu, chính quyền phải cho thuê giá thấp như thế, để người được thuê “trả thêm tiền ngoài sổ sách” cho lãnh đạo địa phương để tạo “quỹ đen”. Từ trước đến nay, mọi người đều biết rằng, những người thuê được vỉa hè làm bãi giữ xe đều là “công ty sân sau” hoặc người nhà của lãnh đạo địa phương, chứ người ngoài không thể trúng thầu cho dù trả giá cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Minh Sáu, cán bộ mặt trận phường 17, quận Bình Thạnh, cho biết theo tham khảo ý kiến của doanh nghiệp, người dân có mặt tiền đường và buôn bán hàng rong, 80% người được hỏi trả lời chưa nên triển khai cho thuê vỉa hè, lòng đường.

Bà Sáu dẫn chứng Luật Giao thông đường bộ quy định vỉa hè, lòng đường chỉ sử dụng cho mục đích giao thông. Nếu đặt vấn đề thu phí sử dụng tạm thời lòng, lề đường và hè phố vô hình trung sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh ở đây, tức hợp thức hóa việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Theo bà Bùi Diệu Tâm, cán bộ mặt trận phường Bến Nghé, quận 1, kinh nghiệm từ một số địa phương cho thấy, khi chính quyền cho thuê vỉa hè, lòng đường, tình trạng giao thông vẫn lộn xộn, người dân không có lối đi bộ.

Trong khi đó, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT cho biết khi làm đề xuất này, ông đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, cũng như học hỏi mô hình quản lý vỉa hè, lòng đường của nhiều thành phố lớn trong và ngoài nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. “Quản lý vỉa hè, lòng đường không đơn thuần là giao thông mà còn phải phù hợp với văn hóa đô thị”, ông Lâm nói và cho biết việc cho thuê vỉa hè sẽ được tính toán kỹ lưỡng nhằm giảm tác động đến người dân cũng như giao thông.

Ai cũng biết đó chỉ là lời hứa suông. Đến khi vỉa hè đã được thuê, chính quyền nhận tiền cho thuê và nhận cả “phong bì cảm ơn” thì người đi bộ lại bước xuống lòng đường mà đi, như đã từng đi như thế bao nhiêu năm nay./.

- Quảng Cáo -