Cô giáo Phạm Cầm Thu vừa viết trên trang cá nhân: “Hôm nay, tôi đã dành thời gian nghe trọn toàn bộ sáu file ghi âm lời bào chữa của sáu vị luật sư cho thân chủ của mình là cô giáo Lê Thị Dung, tại phiên toà Phúc thẩm. Sáu file đầy đủ từ đầu đến cuối.
Cảm giác thật bàng hoàng! Hơn cả sự oan khuất của Cô giáo Lê Thị Dung, đó là một cái gì đó khủng khiếp mà tôi không đủ ngôn từ để diễn tả. Tôi khóc, cũng như nhiều thầy cô giáo khác (Thầy Yến, Thầy Tuấn, Cô Thảo) đã khóc ngay tại phòng xử án.
Qua lời bào chữa của sáu vị luật sư, kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ, bộc lộ một điều gì đó rất nghiêm trọng, không phải chỉ riêng cho vụ án Cô giáo Dung, mà cho cả một nền Tư pháp ở một địa phương, một huyện, một Tỉnh, hay rộng hơn, cho một Quốc gia. Nghiêm trọng trong những vấn đề pháp luật liên quan đến số phận một con người” (hết trích).
Đây cũng là nhìn nhận và tâm trạng của tôi khi nghe những gì các luật sư đã vạch ra: thực sự kinh hoàng, như lời luật sư Trần Hồng Phúc đã nói: “coi sinh mệnh con người như cỏ rác”. Tôi tin, không một người có lương tri nào có thể kìm được nước mắt vì sự phẫn nộ, đau xót, bất lực của mình khi nghe những gì cả một bộ máy đã làm với một người vô tội.
Cách đây 4 giờ, luật sư Phúc viết trên Facebook: “chúng tôi sẽ dành thời gian thích hợp lần lượt đăng tải các quan điểm bào chữa của luật sư cho Nhà giáo Lê Thị Dung tại phiên tòa, nhằm rộng đường dư luận để thấy án oan là có thật, vi phạm pháp luật là đặc biệt nghiêm trọng; không có lý do gì để hát mãi điệp khúc “vi phạm không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến bản chất vụ án”. (https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=3209242635888068&id=100004070897326&mibextid=Nif5oz)
Đây cũng là điều mà tôi mong muốn nhất lúc này: các luật sư sẽ bạch hóa tất cả sai phạm của các cơ quan tố tụng trong vụ án cô giáo Lê Thị Dung, để kẻ cố tình thao túng pháp luật nhằm hãm hại con người sẽ phải đền tội, và qua đó giúp người dân nhìn rõ hơn khuôn mặt của ngành tư pháp cũng như các bên đã bắt tay với nó, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, giúp họ ý thức sâu sắc hơn hoàn cảnh xã hội bất công mà họ đang sống, từ đó thúc đẩy trách nhiệm công dân ở mỗi người.
Tôi như đang nhìn thấy thân phận của bạn, của tôi trong số phận cô giáo Lê Thị Dung: bất trắc và đầy hiểm nạn, mỗi ngày.
Thái Hạo