Tôi chỉ là người tiêu dùng. Tôi không hiểu biết về sản xuất điện. Thiếu hiểu biết thì hỏi. Tôi muốn hỏi, nhưng thấy cách đặt câu hỏi như trong bài viết này là đầy đủ và chính đáng. Hỏi có chiều sâu, cả trong vấn đề sản xuất điện lẫn thị trường kinh doanh.
Về nguyên tắc, trong thị trường độc quyền, thiếu sự cạnh tranh bình đẳng, nhà tư bản ắt trở thành tên đế quốc mọi rợ hút máu người, dù công việc của nó tưởng chỉ có hút dầu, hút than hay hút nước. Điều này chính Lenin đã nói rất đúng, rất hay trong các bài viết về sự hình thành chủ nghĩa đế quốc. Trong cái chủ nghĩa mọi rợ ấy, Lenin khẳng định: dân đang thành con tin để con buôn hút máu.
Điều Lenin nói xem chừng như đang “tự diễn biến” tại thị trường Việt Nam.
Đối với y tế, như vừa rồi, con bệnh trở thành con tin để các bệnh viện gọi là “công” mặc cả nâng giá thuốc, khống trang thiết bị, bán máu giá cắt cổ, đến mức có lúc bịa ra thiếu máu dự phòng, mặc dù hàng năm có hàng triệu dân hiến máu.
Đối với giáo dục, bao nhiêu năm không phát triển trường lớp theo đà gia tăng dân số, biến học sinh, phụ huynh thành con tin để khống giá đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, tăng giá sách. Phụ huynh học sinh phải đóng phí cao, mua sách giáo khoa giá cắt cổ, lại phải chạy trường, chạy lớp, trẻ em phải phờ phạc trong các kì thi để được vào trường gọi là “công lập”.
Ngành điện có được cơ sở hạ tầng từ tài nguyên đất nước và xương máu của nhân dân, nhưng kết cục cái ngành ấy không chỉ hút máu dân một lần mà hút ráo riết bằng cách đòi tăng giá liên tục. Cắt điện trở thành vũ khí kinh điển để đe doạ dân lẫn đe doạ sản xuất kinh doanh.
Dân cần năng lượng để sống và sản xuất chứ không phải là con tin để chủ nghĩa độc quyền hút cạn kiệt năng lượng.
Lấy lý do thiếu nước dẫn đến thiếu điện để đòi quay ngược lại các dự án điện than hay buộc phải mua điện của Trung Quốc là tận cùng man rợ của chủ nghĩa đế quốc và cũng là tận cùng khốn nạn của dân. Dân không còn lối thoát trong môi trường ô nhiễm và bị lệ thuộc toàn diện vào nguồn năng lượng độc quyền trong nước và nước ngoài.
Khi biến dân thành con tin, cũng đồng nghĩa với bán dân. Bán dân đáng sợ hơn bán nước.
Đến lúc phải để cho dân cái quyền tối thiểu là được hỏi. Trách nhiệm của chính quyền là trả lời thoả đáng “tại sao?”, “tại sao?”
Đã “hỏi” thì không có chuyện đúng hay sai. Sự phán xét đúng hay sai nằm ở câu trả lời.
Chống “diễn biến”, “tự diễn biến” phải bắt đầu từ chống “con đỉa hai vòi” (từ dùng của Lenin), một vòi nhân danh vì dân bám chặt vào đất đai để hút cạn kiệt tài nguyên quốc gia, còn vòi kia thì bám chặt vào dân để hút cạn máu dân. Chống “diễn biến”, “tự diễn biến” không đồng nghĩa với lợi dụng khẩu hiệu ấy bày trò chụp mũ tư tưởng hay kiểm soát ngôn luận.
Chu Mộng Long