Việt Nam: Nếu mọi người được chung sức thì không có thảm kịch thiếu điện

- Quảng Cáo -

Lý Thái Hùng (VOA)

Nắng nóng như thiêu trên diện rộng đã và đang ảnh hưởng rất lớn lên cuộc sống người dân tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam, kể từ khi Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia báo động đợt nóng với nhiệt độ dao động từ 39 lên đến 42 độ C từ cuối tháng Tư.

Cắt điện luân phiên và không báo trước đang là cơn ác mộng của người dân.

Mới đây, Trung Tâm Dự Báo Khi Tượng cho biết là sẽ có mưa to và rải rác có giông ở khu vực miền Bắc và Thanh Hóa trong các ngày giữa tháng Sáu, nhưng nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài trên cả nước.

- Quảng Cáo -

Thời tiết không là nguyên do chính cắt điện

Tuy nắng nóng là do thời tiết khắc nghiệt và ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng cúp điện trên diện rộng làm ảnh hưởng đời sống của hàng triệu người dân đáng lý ra là điều đã có thể khắc phục và tránh được.

Ngày 18 tháng Năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về biện pháp bảo đảm đủ điện trong bối cảnh cả nước bước vào mùa nắng nóng, và nước tại nhiều hồ thủy điện giảm xuống mức báo động.

Tại hội nghị này, chính phủ lượng định công suất các nguồn điện đáp ứng tổng nhu cầu trong dài hạn. Nói cách khác, dù có nắng nóng gay gắt cũng không làm ảnh hưởng đến nguồn cung ứng điện cho toàn xã hội.

Nhưng đến đầu tháng Sáu, người dân Hà Nội cũng như các tỉnh thành miền Bắc thường xuyên bị mất điện và phần lớn không được báo trước. Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng đã yêu cầu các khu công nghiệp quanh Hà Nội cắt giảm 50% lượng điện sử dụng.

Giải thích về hiện tượng cắt điện, Bộ Công Thương và Tập Đoàn Điện Lực nói rằng lượng điện tiêu thụ tăng vọt trong tháng Năm, tăng 20% so với tháng Tư, khiến nguồn điện cung ứng không theo kịp và phải cắt điện ở nhiều khu vực.

Nguồn điện miền Bắc chủ yếu là Thủy điện và Nhiệt điện than; nhưng cả hai đều gặp “sự cố” trong tháng Năm. Thủy điện chiếm 43% nguồn điện thì do thời tiết nắng hạn, các hồ thuỷ điện lớn cạn nước khiến cho sản lượng điện huy động bình quân giảm một nửa so với năm ngoái, khoảng 12-15% công suất. Nhiệt điện than chiếm 48% nguồn điện thì gặp trục trặc ở các nhà máy do sự vận hành quá mức trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài, các tổ máy giảm đến 30% công suất, khiến lượng điện giảm khoảng 6-10% một ngày, tùy thuộc thời tiết.

Các hồ thuỷ điện ở miền Bắc gần cạn nước vào giữa cao điểm nắng nóng

Nói chung, các giải thích về thiếu điện của Bộ Công Thương là do thời tiết nắng nóng bất thường, nhưng các chuyên gia năng lượng tại Việt Nam như chuyên gia Đào Nhất Đinh thì cho rằng việc thiếu điện đã dự báo từ những năm trước đại dịch COVID-19 nhưng chính phủ đã làm quá ít, đặc biệt ở khu vực miền Bắc, khiến cho nguồn cung ứng ngày càng theo kiểu “ăn đong.”

Phải mở rộng sự chung tay của mọi người

Từ nhiều năm qua, Việt Nam cho phép tư nhân đầu tư vào sản xuất nguồn điện tái tạo (gió, mặt trời, mái nhà) bên cạnh việc duy trì nguồn Thủy điện và Nhiệt điện than. Hiện tại, Tập Đoàn Điện Lực (EVN) chiếm hơn 38% sản lượng điện cung ứng cho toàn hệ thống, phần còn lại đến từ các nhà máy điện của Tập Đoàn Dầu Khí (PVN), Tập Đoàn Than Khoáng Sản (TKV), một số nhà máy BOT, và nguồn đầu tư điện tái tạo của tư nhân.

Tính đến tháng Năm 2023, nguồn điện được lắp đặt trên cả nước có vào khoảng 82.000 MW (theo dữ liệu EVN do VnExpress tổng hợp), trong đó điện tái tạo chiếm khoảng 21.839 MW và nguồn tư nhân chiếm 34.139 MW
Với nguồn điện nói trên, nếu được phân bố hợp lý, Việt Nam đã không xảy ra tình trạng thiếu điện trên diện rộng như hiện nay. Sở dĩ miền Bắc thiếu điện mà không thể chuyển tải điện từ miền Trung và miền Nam ra là vì ba lý do:

1. Miền Bắc có mức tiêu thụ điện cao nhất nước do nhu cầu tăng trưởng FDI, nhưng chính quyền đã không đầu tư thêm các nguồn điện lớn nhất là nguồn điện tái tạo. Đa số vẫn dựa vào nguồn Thủy điện và Nhiệt điện than, còn lại là mua điện từ Lào và Trung Quốc.

2. Chính quyền quan tâm phát triển nguồn điện tái tạo nhưng lại tập trung quá nhiều ở khu vực miền Trung và miền Nam. Trong khi đó, năng lực truyền tải mạng lưới điện trên đường dây 500 kV Bắc – Nam thì quá tải, còn mạng lưới truyền tải điện tái tạo từ Nam ra Bắc hoàn toàn bất khả thi.

3. Việt Nam hiện không chấp nhận sự cạnh tranh cung cấp điện tư nhân. Tập đoàn EVN giữ độc quyền phân phối trên toàn quốc. Sự độc quyền của EVN đã tạo ra không biết bao nhiêu là bi kịch về giá bán, đặc biệt là “cúp điện” không cần thông báo trước vì những đặc quyền của bộ máy nhà nước.

Giải pháp chính

Những bất cập trong quản lý và điều hành của EVN đã chỉ ra hai nhu cầu cải cách lớn của ngành điện lực tại Việt Nam.

Một là Việt Nam cần chính thức hóa thị trường bán lẻ điện với sự tham gia của tư nhân bên cạnh các Tập đoàn EVN, PVN, TKV. Chính sự cạnh tranh này sẽ giúp cải thiện giá cả, tránh nạn cắt điện bất thường và chấm dứt nạn cát cứ của bộ máy nhà nước.

Hai là tập trung đầu tư và phát triển điện tái tạo, dần dần san sẻ bớt sự chi phối quá lớn từ hai nguồn Thủy điện và Nhiệt điện than nhằm đạt mục tiêu về khí hậu. Đây cũng là nhu cầu nhằm đáp ứng lời hứa của ông Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 tổ chức tại Glasgow, Scotland rằng Việt Nam sẽ loại bỏ than và đạt mức phát thải zero vào năm 2050.

Mặc dù Việt Nam có công suất năng lượng mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, các hoạt động đầu tư bị đình trệ kể từ năm 2020 ngay sau khi chính quyền ngưng trợ cấp cho các nhà sản xuất. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra bất bình khi chính quyền tìm cách cắt giảm nguồn năng lượng gió và mặt trời của họ khi lưới điện cũ quá tải và không hề giúp bù đắp chi phí như đã hứa. Đặc biệt là cho đến nay Việt Nam vẫn chưa thông qua luật cho phép các công ty mua điện tái tạo trực tiếp từ các nhà sản xuất tư nhân.

Việt Nam có lợi thế rất lớn nhờ địa lý thiên nhiên để phát triển nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời). Nhưng để chuyển đổi thành công sang nguồn năng lượng tái tạo không thể không có các nhóm xã hội dân sự – qua sự chung tay góp sức của nhiều người trên các mặt: môi trường, kỹ thuật và quản trị.

Tóm lại, tình hình cúp điện trên diện rộng, một cách tùy tiện cho thấy chính sách phát triển và quản trị nguồn điện của Việt Nam hoàn toàn theo kiểu “ăn đong”. Nó đang là sự ám ảnh thảm khốc trong đời sống của người dân.

Để giải quyết rốt ráo và thực tiễn, chính quyền phải trả lại quyền tự quản, tức quyền được chung tay góp sức của từng cá nhân, của từng nhóm xã hội dân sự vào nguồn năng lượng cả nước.

- Quảng Cáo -