Dân: Vào hang trốn nóng – Nhà nước: Mất bò vẫn chưa làm được chuồng

- Quảng Cáo -

Hoàng Trường

Đại dịch Covid19 vừa dứt, dân Hà Nội lại rơi vào cơn hoảng loạn khác: Từ đầu hè, cả ngày lẫn đêm, người dân náo loạn do mất điện diện rộng trong cái nóng hầm hập như bị ai hắt lửa vào người. Cả nước nguyền rủa Tập đoàn điện lực (EVN).

Thảm cảnh

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc và miền Trung đang nắng nóng như thiêu trên diện rộng trong những ngày qua, có nơi nóng gay gắt với nhiệt độ từ 36, 39 lên 40 độ. Độ ẩm 40 – 55%, càng làm dân tình thêm điêu đứng. Nắng nóng ở Hà Nội thường được dự báo kéo dài từ 10h đến 18h mỗi ngày. Nắng nóng gay gắt khiến cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người lao động tự do bị đảo lộn, buộc họ phải tìm đủ cách chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Tổng công ty Điện lực (EVN) thông báo trong ngày 8/6, “nhiều nơi trên địa bàn TP Hà Nội bị cắt điện luân phiên. Đáng chú ý, tại thị xã Sơn Tây và huyện Thanh Oai mất điện trên rất nhiều địa điểm”. Danh sách các địa chỉ tại Hà Nội bị cắt điện trong ngày này dài gần 4 trang giấy A4.

- Quảng Cáo -

Từ ngày 5/6, nhiều khu vực của Hà Nội bị mất điện kéo dài, người dân sinh sống gần chùa Trầm (huyện Chương Mỹ) đã rủ nhau vào hang động để tránh nóng, đợi có điện mới về nhà. Hàng chục gia đình mang theo nước đóng chai, chiếu, quạt giấy… vào hang động bên trong chùa Trầm để tránh nhiệt. Bà Trương Thị Quỳnh Như (45 tuổi, thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, Chương Mỹ) cho biết, nắng nóng kéo dài lại mất điện, cả gia đình bà ăn vội bữa cơm rồi mang chiếu lên hang chùa Trầm nằm nghỉ. Theo bà, chùa Trầm cách nhà khoảng 1km, không khí mát mẻ hơn so với cái nóng hầm hập ở nhà. “Tôi người Sài Gòn, lấy chồng ra đây hơn chục năm nhưng vẫn chưa quen được cái nóng ngoài Bắc”. Mấy ngày qua, trời oi nồng, lại thêm mất điện, chồng và con bà không chịu được, ăn vội cho qua bữa rồi chạy trốn vào hang đá để tránh nóng.

Chật vật giữa cái nắng gay gắt, anh Vũ Văn Diện (quê ở Thường Tín), hiện đang làm tài xế GrabBike cho biết: “Nắng nóng đỉnh điểm khiến công việc chạy xe rất mệt. Nền nhiệt cao, không khí khô nóng khiến cho những người lao động mưu sinh ngoài đường như chúng tôi chịu không nổi, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên tôi cũng phải chấp nhận chống chọi lại nóng. Lúc trước chạy 5 – 7 cuốc xe vẫn bình thường, nhưng bây giờ chạy khoảng chừng 1 – 2 cuốc là mệt lử, nắng nóng quá khủng khiếp. Chạy mệt quá chẳng muốn ăn cơm, chủ yếu là uống nước rồi nghỉ ngơi cho khỏe lại rồi chạy tiếp”.

Biết bao dân lao động chịu thảm cảnh mất người, mất của, cuộc sống ngắc ngoải. Mất điện dẫn đến vô vàn câu chuyện đau lòng. “Ba cha con ở Hải Phòng bị ngạt khi nằm ngủ trong ô tô vào ngày mất điện có lẽ là sự việc đau lòng nhất trong “mùa mất điện” năm nay. Em P.M.H. 20 tuổi, được đưa vào viện trong tình trạng đã ngừng tuần hoàn hô hấp. Sau gần 4 giờ được các bác sĩ hồi sức cấp cứu tích cực nhưng cô sinh viên này đã không qua khỏi. H. ra đi bỏ lại nhiều ước mơ dang dở khi đang là sinh viên đại học và được đánh giá là người ngoan ngoãn, chăm chỉ”. Chủ trại gà Chu Văn Dũng (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội) kể: “Sau khi khu vực trại gà bị mất điện, tôi đã gọi lên người phụ trách điện của thôn, lúc đầu họ bảo 13h. Đến 13h chưa thấy, gọi tiếp thì họ lại bảo 14 – 15h… Tôi gọi liên tục không biết bao nhiêu cuộc, vậy mà 21h mới có điện. Chỉ nửa ngày, hơn 1.000 con gà sốc nhiệt lăn đùng ra chết”.

Mất bò vẫn chưa làm nổi chuồng…

Nguyên nhân sâu xa của việc mất điện triền miền trên diện rộng mấy tháng nay là do đâu? Để giải mã khối nguyên nhân này, điều ngạc nhiên là không chỉ mạng xã hội, mà ngay báo chí nhà nước cũng “hăng hái” vào cuộc. Chứng tỏ, từ đâu đó, đã có bật đèn xanh cho việc “giải phẫu” căn bệnh trầm kha này. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do nạn phá rừng và bán rừng có hệ thống và chủ ý, đồng thời kết hợp với tư duy dựa dẫm vào nhập điện từ Trung Quốc, được cho là giá rẻ hơn, so với thu mua điện từ các cơ sở sản xuất trong nước. Phác họa nguyên nhân như thế là đủ, và nghe ra cũng khá đơn giản để hiểu ra những vấn đề nhức nhối hiện nay. Tuy nhiên, để đi sâu vào “mổ sẻ” mạng lưới mafia, moi ra cho hết mọi ngóc ngách của cách thức “ăn xổi ở thì”, tư duy tham nhũng trục lợi, ăn hối lộ và làm giàu trên mồ hôi nước mắt của muôn dân, thì mọi việc không hoàn toàn đơn giản.

Mới đây, Thủ tướng vừa giao cho Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành, theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/6/2023. Ngày 6/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Công điện về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới. Công điện gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch, Tổng giám đốc các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu Khí Việt Nam, Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Xin Thủ tướng một câu bình luận: Giao cho Nguyễn Hồng Diên (đương kim Bộ trưởng) hay Trần Tuấn Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương) kiểm tra khâu quản lý và độc quyền cung ứng điện của EVN thì cũng như giao còi cho những trọng tài vừa thổi, vừa đá bóng. Tất cả rồi sẽ vô can!

Bởi vì, họa phúc phải đâu một buổi. Đáng ra Thủ tướng phải cho thanh tra EVN từ lâu rồi mới phải. Giờ thì “cháy nhà mới ra mặt chuột”. Mất điện trên diện rộng hiện nay đang đặt ra rất nhiều câu hỏi cho EVN. Một đất nước có thể gọi là cường quốc về điện gió và điện mặt trời như Việt Nam, nhưng tỉ trọng điện năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện chỉ chiếm khoảng 26%? Tại sao bao nhiêu năm EVN vẫn không cân đối được nguồn điện, để điệp khúc thiếu điện – cắt điện không phải lặp lại mỗi khi vào thời kỳ cao điểm, trong khi phải nhập khẩu và giá điện liên tục tăng? EVN hiện nay cũng đang trực tiếp quản lý khai thác một số nhà máy điện, cơ bản đến nay các nhà máy điện ấy đã hết khấu hao, không phải mất chi phí nguyên liệu đầu vào, chỉ việc khai thác và lãi, tại sao vẫn báo cáo lỗ? Có lẽ Cơ quan của Hiệp hội Năng lượng điện Việt Nam là đơn vị hữu quan nhất có thể trả lời những câu hỏi này.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 6/6, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mực nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Riêng hai hồ Thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết. Trong khi đó, trên cả nước, duy nhất chỉ có Thủy điện Đa Nhim là vẫn hoạt động trơn tru. Đây là biểu tượng vững chắc cho mối quan hệ thâm giao giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Công trình được khởi công xây dựng với sự tài trợ của chính phủ Nhật Bản. Tại thời điểm Cụm thuỷ điện đạt sản lượng 50 tỷ kWh, toàn Công ty CP Thuỷ điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi đã sản xuất được 85,072 tỷ kWh điện góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội đất nướ, đồng thời cấp nước phục vụ dân sinh và canh tác nông nghiệp cho hạ du các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Thủy điện Đa Nhim được khởi công từ ngày 1/4/1961 và hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 1964. Nhà máy có công suất lắp đặt 160 MW. Với độ cao cột áp 800 m, đây là nhà máy thủy điện có suất tiêu hao nước rất thấp, vào khoảng 0,55 m3/kWh. Bên cạnh nhiệm vụ phát điện, công trình còn cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ thâm canh nông nghiệp cho đồng bằng tỉnh Ninh Thuận với diện tích khoảng 16.000 ha

“Lạy ông cơ chế, lạy bà tư duy…”

“Xin đừng hót nữa những lời chim chóc mãi…” Cách đây hơn phần tư thế kỷ, có một người cầm bút gan dạ đã đã dám lột trần bản chất “nửa dơi nửa chuột” của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, căn nguyên của mọi thảm họa. Đó là nhà thơ Nguyễn Duy. Ông suýt bị bắt, vì tội “thóa mạ Tổ quốc”. Nguyễn Duy thoát nạn do một sự tình cờ. Nếu như ngày nay thì ông đã bị bắt rồi, như Bộ Công an đã và đang bỏ tù một loạt các nhà hoạt động môi trường, từng dũng cảm tố giác nạn phá rừng và bán đất rừng có hệ thống. Nếu những ai đã nhìn thấy các bức ảnh về các bộ xa lông, tràng kỷ của những Nông Đức Mạnh, những Lê Khả Phiêu… của hằng hà sa số các nhà lãnh đạo cao cấp và các đại gia trọc phú khác, thì hiểu các khu rừng nguyên sinh đã bị bức tử ra sao, để có được những bộ xa lông, tràng kỷ ấy… Và đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến không còn những cánh rừng để giữ và điều tiết nước cho sông hồ, khiến các đập thủy điện bị cạn kiệt, dẫn đến “những mùa mất điện” như hiện nay.

Thảo luận dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM ngày 8/6, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) đề nghị “giao cho TP.HCM tính toán và tự cho phép các hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn tự lắp, tự dùng và có thể chuyển Điện lực TP.HCM về cho TP.HCM quản lý để giảm bớt độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”. Đề nghị này được dân Sài Gòn rất ủng hộ vì điện tiêu dùng của họ không thể phó thác cho EVN độc quyền mãi được. Không chỉ Sài Gòn mà các địa phương khác cũng muốn chủ động nguồn điện cho mình nếu có điều kiện. Bởi vì người dân đã hiểu quá rõ nếu mua điện và phân phối điện vẫn thuộc về độc quyền Nhà nước thì EVN chỉ có giải pháp mang tính “định hướng” là bắt chẹt giả thu mua trong nước để ưu tiên nhập điện của Trung Quốc!

Phê phán EVN là đúng nhưng chưa đủ. Trên EVN là cái cơ chế quái đản để EVN hàng năm tuy khai lỗ hơn 26 ngàn tỷ VND nhưng các Công ty con của nó thì vẫn lãi hàng nghìn tỷ và có hàng chục nghìn tỷ gửi Ngân hàng. Trò “úm ba la” đẻ ra cái “quái thai” này thì chỉ có nền kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” mới sản xuất được mặt hàng “đặc chủng” ấy. EVN là Tổng công ty nhà nước duy nhất có chức năng phân phối điện, nại lý do vì an ninh quốc gia (Cũng như người ta đang nại ra lý do vì an ninh quốc gia mà bắt giữ các nhà đấu tranh bảo vệ môi trường hiện nay!) Đó là lý do để EVN không nghĩ được cách “làm chuồng” như thế nào để có được một mạng lưới “hòa đồng bộ” các dòng điện khắp trên ba miền. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn sống mà thiêng thật! Các hộ dân Thủ đô cả tháng nay, đêm ngày vừa khấn “đất nước chưa bao giờ… được như hôm nay”, vừa cầu xin hôm nay, khu phố mình đừng bị cắt điện. Thời chiến tranh, Nixon – Kissinger quyết đưa Bắc Việt trở về thời đồ đá. Sau nửa thế kỷ, nhờ đi theo mô hình cùng “bạn vàng”, dân Thủ đô đang đua nhau vào hang để tránh cái nóng như ai bốc lửa ném vào mặt.

- Quảng Cáo -