Bắt đầu ba tháng hè, thời tiết nắng nóng, thế nhưng nghỉ hè chưa kịp ráo mực thì học sinh lại chuẩn bị học hè, học hết gần ba tháng hè, nghỉ vài ngày lại vào niên khóa mới, lại học thêm. Nói đến sự học ở xứ này chỉ có thể tóm tắt trong mấy chữ “đầu tắt mặt tối”. Học quần quật, học cay đắng, học ù lì, học mệt phờ, cắn răng mà học, gồng lưng mà học… Cái sự học lấy mất tuổi thơ, lấy mất tuổi trẻ và cuối cùng là lấy luôn mọi thứ cần thiết để trang bị cho cuộc đời, cho cả khi tuổi già, đó là nhân cách, lương tri và lòng tự trọng.
Bởi không phải tình cờ hay ngẫu nhiên mà người ta cho học sinh nghỉ ba tháng hè. Đây là ba tháng nắng nóng nhất trong năm, nhà trường buộc phải đóng cửa cho học sinh nghỉ học để đảm bảo chất lượng trí tuệ, sức khỏe cũng như học lực của học sinh. Hay nói khác đi là không thể mang học sinh nhét vào cái chảo nhiệt mùa hè, việc học trong mùa hè là phản khoa học và gây nguy hại cho sức khỏe, làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của cả năm và cả tương lai con em.
Không phải vì ngẫu nhiên mà ngay từ những năm cuối đầu thế kỉ 20, ngành giáo dục Việt Nam (lúc đó dưới quyền của Pháp) đã ra quyết định nghỉ ba tháng hè. Bởi xứ sở nhiệt đới này, ba tháng hè là ba tháng khắc nghiệt và nguy hiểm nhất trong năm, đặc biệt ảnh hưởng đến tim mạch và thần kinh. Chính vì nhiệt độ quá cao, độ ẩm cũng thất thường đã khiến cho hệ thần kinh và tim mạch con người rối loạn, bệnh điên, bệnh dại ở ba tháng hè cũng nhiều nhất trong năm. Việc nghỉ hè bắt buộc phải có là vì vậy.
Và, theo một hướng nghiên cứu khác, việc nghỉ hè cũng nhằm lấy lại cân bằng tâm sinh lý cho học sinh, hay nói khác đi là lấy lại tuổi thơ cho học sinh sau một quá trình dài chín tháng trời học hành, chạy đua với bài giảng, luôn phải nạp kiến thức. Theo hướng này, ba tháng hè chính là thời gian đàn hồi, thời gian thả lỏng của trí tuệ và tâm hồn. Tuổi thơ trong ba tháng hè được vui chơi thỏa thích, thả diều, đá bóng, chạy long nhong thăm xóng làng, ngoài đê, có một ngàn lẻ một thú vui cho trẻ con vào thời gian này. Và đặc biệt, mùa hè, cha mẹ sẽ dạy con kĩ năng bơi lội, lặn ngụp, chơi đùa. Nhờ vào khoảng thời gian quí báu của mùa hè mà trẻ em trưởng thành ra và có nhiều kĩ năng mềm, kĩ năng xã hội khác, từ việc phụ giúp cha mẹ nấu ăn cho đến quét nhà, rửa chén, thậm chí đi làm phụ một công việc nào đó với cha mẹ…
Nhìn chung, mùa hè vừa là mùa nghỉ ngơi, lấy lại sức khỏe, lại vừa là mùa bổ sung kĩ năng cho trẻ và hơn hết là mùa bồi bổ tâm hồn cho trẻ. Chính sự buông xả tâm lý, sự vui chơi thoải mái quên hẳn việc học hành của thời gian hè giúp cho trẻ có cơ hội tiếp xúc với những lối tư duy, suy nghĩ tự do, không bị ràng buộc hay không vướng bất kì sức ép nào. Nhưng, đó là câu chuyện khoa học giáo dục. Và muốn có khoa học giáo dục thì phải có nền giáo dục tốt, muốn có nền giáo dục tốt, chắc chắn cần một cái lõi triết lý giáo dục, từ căn bản này mà ra.
Nếu như triết lý giáo dục của miền Nam, tức Việt Nam Cộng Hòa là Dân Tộc, Tự Do và Khai Phóng, thì đừng quên rằng chế độ Cộng sản xã hội chủ nghĩa cũng có triết lý giáo dục của họ, đó là: Học, Học Nữa, Học Mãi… Và chính cái nền tảng triết học Mác – Lê Nin, trong đó ảnh hưởng Lê Nin là nặng nhất và nó được giải thích, biện chú một cách sống sượng đã đẩy nền giáo dục Việt Nam trở thành cái lò luyện chữ và mọi khả năng sáng tạo bị triệt tiêu không thương tiếc. Và đây cũng chính là cái lò đốt mọi thứ tinh tế, sự nhạy cảm cũng như độ mềm dịu của tâm hồn học sinh. Học ngày thường chưa đủ, học thêm, cả những ngày cuối tuần cũng học. Cha mẹ quay mòng mòng, chóng mặt để đưa, đón con đi học, kiếm tiền cho con học thêm, học kèm. Cả cha mẹ và học sinh đều quay trong một cái vòng xoáy mà họ chỉ có thể tiếp tục và tiếp tục đuổi theo kết quả, thành tích học tập vì tự ái, sỉ diện, sợ hãi…
Và việc dạy thêm vô hình trung tạo ra quá nhiều kẽ hở giáo dục. Khi không có dạy thêm thì bên trên cải cách sách giáo khoa để chương trình dày ra và ken kín, nhà trường phải cho giáo viên dạy thêm để giảm tải bớt chương trình chính khóa. Dạy thêm theo nghĩa này là một cái bắt tay chia tải của nhà trường và giáo viên, cũng là cái bắt tay chia hoa hồng giữa giáo viên và ban giám hiệu, cơ quan quản lý địa phương trong việc dạy không chính khóa này. Và ngược lại, khi có lệnh cấm dạy thêm thì sẽ có một ngàn lẻ một kiểu lách luật của giáo viên để dạy thêm. Dễ thấy nhất là ếm bài, tổ chức dạy kèm tại nhà và học sinh nào không học kèm thì bị đày tận mạng, ngóc đầu không nổi. Việc học hè cũng y bản chất như vậy.
Cả học thêm và học hè nó cho thấy sự bất cập của tiêu chuẩn lương bổng cũng như giáo trình của ngành giáo dục. Và nó cũng cho thấy lòng tham của con người đã phá vỡ mọi thứ quy luật của lương tri. Nói một cách nghiêm túc là giáo viên cũng quá tham lam. Bởi ba tháng hè, tuy nghỉ ở nhà nhưng ngành giáo dục vẫn trả lương cho thầy cô giáo như các tháng còn lại. Điều đó cũng đồng nghĩa nếu như ba tháng hè, giáo viên chịu yên, dồn tâm lực cho chín tháng dạy học chính khóa, chuẩn bị giáo án tốt nhất để dạy nhanh, gọn nhất có thể thì việc học của năm sẽ suông sẻ, không đến nỗi bê trễ như đang có. Nhưng đây là trường hợp bộ giáo dục hành xử khoa học, tử tế, ngược lại, nếu bộ này nuôi toàn những kẻ cơ hội, vẽ trò để thay đổi sách xoành xoạch thì giáo viên mệt bở hơi tai. Đó là chưa nói đến chuyện giáo viên còn phải thi bằng này bằng nọ về chuyên môn, rồi lại học bồi dưỡng chuyên môn, đóng đủ các thứ phí cho cấp trên (chưa nhắc tới phí thân thể) mới được yên. Thì giáo viên có ba đầu sáu tay cũng chạy không kịp, làm không xong.
Đây, một môi trường giáo dục chỉ thấy vắt chân lên cổ mà chạy đua, chạy thục mạng vì chén cơm manh áo một cách ngớ ngẩn và phi lý, từ giáo viên đến học sinh, cha mẹ học sinh đều phải cuống cuồng mà chạy đua với “học, học nữa, học mãi” như vậy thì chắc chắn một điều là chỉ riêng thời gian chính khóa, tâm hồn trẻ thơ đã bị tổn thương quá nặng nề. Chưa kịp hết tổn thương trong chính khóa thì tiếp tục quay cuồng, tổn thương trong mùa hè, rồi lại tiếp tục tổn thương trong năm học mới với học thêm, học kèm, đối phó với giáo viên “khó tính”… Học sinh ngày càng trở nên chai sạn, xơ cứng tâm hồn và chỉ còn cách đối phó, đối phó và đối phó.
Và, quá trình học nằm đè ngang tuổi thơ, tâm hồn bị tổn thương, mọi thứ quay cuồng như vậy thì lớn lên, đứa trẻ sẽ ra sao? Vấn đề dễ nhận biết được là trẻ em, học sinh, thanh niên ngày càng thực dụng, khô khan và máu lạnh. Bởi chúng bị bắt làm người lớn, hành xử thực dụng và bị lấy đi tuổi thơ một cách thô bạo từ khi tấm bé, khi lớn lên, làm việc, vết thương ấy mới bắt đầu mưng mủ và hành hạ tâm hồn chúng.
Nhìn cách các “tinh hoa” của đất nước hành xử với nhau như súc vật, một mặt nói cười, lịch lãm, mặt khác giấu đi thủ đoạn đê tiện và hành vi bỉ ổi, đến khi có cơ hội thì lại giở ra một cách đồi bại, thê thảm… Tất cả như một sự trả thù và sự lấy lại tuổi thơ đã mất trong nền giáo dục “học, học nữa, học mãi” mà chẳng biết học cái gì, học để làm gì và học để đi về đâu. Tham nhũng và tội ác như một cách lấy lại những gì đã mất trong giáo dục.