RFA
Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm của các cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cấp quản lý. Ông Trọng đưa ra yêu cầu này tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hôm 10/5/2023.
Trước đó, trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ hôm 8/5/2023, Chính phủ cũng đã yêu cầu khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, thực hiện việc luân chuyển, xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Một luật sư không muốn nêu tên vì lý do an ninh, khi trao đổi với RFA hôm 12/5 cho rằng việc này từ xưa đến giờ người dân gọi là “trên bảo dưới không nghe”. Ông giải thích:
“Ví dụ như giải quyết khiếu nại của người dân vì một vấn đề gì đó, thì ở dưới người ta không nghe, có thể là do gắn với quyền lợi. Thứ hai là họ sợ trách nhiệm, việc này nằm nhiều ở ngành tòa án, khi giải quyết một vụ án tranh chấp dân sự, họ cứ mời lên hòa giải mãi… hết năm nay qua năm khác. Hoặc thậm chí họ không mời, chừng nào người dân khiếu nại họ mới hòa giải. Mà luật không quy định hòa giải mấy lần phải kết thúc, mà chỉ quy định thời hạn giải quyết vụ án. Cho nên họ đẩy qua thẩm phán khác, họ tuyên bố rằng thà bị kỷ luật chứ không để bị treo áo. Tức là đưa ra xử án có thể bị hủy, bị sửa, sau nhiều lần có thể bị treo áo. Do đó bây giờ có hiện tượng các cơ quan nhà nước họ sợ vấn đề trách nhiệm, nếu làm sai thì sợ đi tù, tương tự như thẩm phán bên ngành tòa án.”
Theo luật sư này thì luật pháp Việt Nam phải “bó tay”:
“Bó tay, chỉ có thể xử lý hành chánh, cũng chỉ là khiển trách này kia nọ, vì họ không có lỗi nặng nề, không để lại hậu quả…”
Theo bài viết của Reuters đăng hôm 28/11/2022, cuộc chiến chống tham nhũng theo kiểu Trung Quốc được phát động ở Việt Nam từ năm 2016 đến nay, đã khiến nhiều quan chức cấp cao vào tù hoặc đang bị điều tra. Điều này khiến các quan chức Chính phủ khác lo ngại và không dám bật đèn xanh cho việc mua bán hàng hóa hay các khoản đầu tư vì sợ bị điều tra tham nhũng.
Nhiều cán bộ trong đó có cả người đứng đầu các đơn vị, khi thực thi nhiệm vụ, dù biết là đúng quy định pháp luật nhưng vẫn sợ và không dám quyết định các vấn đề, chỉ vì để đảm bảo an toàn cho bản thân. Nỗi lo sợ bị kỷ luật, sợ bị xử lý đã trở thành nỗi sợ phổ biến trong cán bộ, công chức.
Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, từng công tác tại Tổng cục II, hôm 12/5/2023 cho rằng, việc này không phải diễn ra ngày một ngày hai, mà đã diễn ra từ khá lâu rồi:
“Biểu hiện rõ nhất như ở Bộ Giao thông – Vận tải chẳng hạn, trong mấy năm liền được cấp ngân sách nhưng không giải ngân được, nhiều đơn vị bị phê bình kỷ luật. Vì cán bộ nếu nhận công trình vẫn phải nuôi đủ các ban bệ, từ cấp trên đến địa phương, tất cả những tiền ấy đều ăn vào công trình. Thế nhưng nếu bị phát hiện có sai phạm thì vẫn đi tù, cho nên một khi làm mà không có ăn, hoặc ăn mà không bảo đảm an toàn vẫn phải đi tù, thì tốt nhất là người ta không làm. Việc này đã diễn ra quá lâu rồi, bây giờ trì trệ quá thì mới hô hào… Nhưng tôi nghĩ chẳng có chuyển biến gì, bởi vì theo logic thông thường có làm thì mới có ăn, bây giờ làm mà không được ăn thì người ta làm làm gì? Tôi nghĩ sau làn sóng này, sẽ có nhiều người bỏ các vị trí trong cơ quan Nhà nước để ra ngoài làm. Như ta thấy vừa rồi ở Hà Nội không biết tin có chính xác không, nhưng có đến vài ngàn đơn xin ra khỏi ngành công an.”
Theo cựu Trung tá Vũ Minh Trí, vấn đề ở đây là bộ máy Nhà nước quá cồng kềnh, một bộ máy mà từ xưa đến nay không thật sự hoạt động vì công việc, vì lợi ích của nhân dân… mà vì lợi ích của chính nó và của từng con người ở trong bộ máy đó. Cho nên suy cho cùng theo ông Trí, đó là vấn đề về mặt thể chế, bộ máy Nhà nước đã đến mức không thể sửa chữa hoặc cải thiện được gì, mà chỉ có thể thay đổi.
Trước đó, vào cuối năm 2021, Ông Hoàng Anh Công – Phó trưởng Ban Dân nguyện từng cho rằng: “Có một ‘dịch bệnh’ đã xuất hiện và âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, gây nguy cơ cho sự phát triển đất nước… là bệnh sợ trách nhiệm”.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, trả lời RFA khi đó cho rằng:
“Bệnh sợ trách nhiệm trong cán bộ đã có từ lâu. Những người có hiểu biết nhưng thiếu tự tin, kém bản lĩnh mới sợ bị kỷ luật, sợ bị cấp trên đánh giá sai, sợ vi phạm 19 điều cấm. Bệnh sợ này làm cho cán bộ không dám mạnh dạn thực hiện những việc tốt mà chưa được cấp trên cho phép, không dám phản biện những điều sai trái, gây một số tác hại cho nhân dân. Tác hại nhất là làm mất lòng tin của dân vào cán bộ, vào chính quyền, làm khổ dân.”
Để giảm bớt nỗi sợ này, Đảng đã ban hành quyết định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. Nhưng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, việc này chủ yếu là hình thức. Có quyết định mà không có người thực hiện hoặc người thực hiện không đủ phẩm chất thì cũng như không. Vấn đề cơ bản theo ông Cống là phải có được những cán bộ đủ tài năng, bản lĩnh và liêm khiết để làm ra và thực hiện luật pháp cùng các đường lối chính sách. Muốn vậy phải thực sự có dân chủ trong bầu cử. Mà muốn có dân chủ lại cần những điều kiện khác./.