Các chủ cây xăng lỗ nặng vì cách điều hành thị trường của CSVN

- Quảng Cáo -

HÀ NỘI, Việt Nam (NV)

Cách điều hành thị trường của nhà cầm quyền CSVN không theo nguyên tắc thị trường nên làm các chủ cây xăng thua lỗ nặng nhưng không được nghỉ bán.

Hôm Thứ Hai, 12 Tháng Hai, tờ Tiền Phong dẫn một “kiến nghị” của giới kinh doanh bán lẻ xăng dầu gửi nhà cầm quyền trung ương kêu ca về chuyện họ bị thiệt hại nặng vì cách điều hành thi trường của nhà cầm quyền.

Trong khi các “doanh nghiệp đầu mối,” một số là đại xí nghiệp quốc doanh, “luôn đạt mức lãi hàng ngàn tỷ đồng” thì các chủ cây xăng bán lẻ “bị lỗ không lối thoát” gần hai năm qua.

- Quảng Cáo -

Một số chủ cây xăng kiệt quệ tài chính vì phải bán xăng lỗ vốn “nhưng cũng không được nghỉ bán.” Nhiều cây xăng không chịu được thua lỗ đã đóng cửa nghỉ bán nên không những bị phạt mà còn bị dọa rút giấy phép kinh doanh, báo chí trong nước từng đưa tin.

Kiến nghị của giới bán lẻ xăng dầu nói rằng “chi phí lưu thông được quy định là 1.350 đồng/lít xăng, bao gồm lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít và 1.050 đồng chi phí lưu thông.” Tuy nhiên hai nghị định 95 và 83 của nhà cầm quyền CSVN “không ghi rõ tỷ lệ phân chia chi phí này nên các doanh nghiệp đầu mối thường hưởng hết.”

Phần chi phí được gọi là chiết khấu (thật ra là tiền giảm bớt trong giá mua của chủ cây xăng bán lẻ để cây xăng có lời) cho các nhà bán lẻ “tùy thuộc vào năng lực và sự hào phóng của các đầu mối tại mỗi kỳ điều hành.” Mấy tháng gần đây, mức “chiết khấu” là 0 (không).

Đây không phải lần đầu tiên người ta thấy giới kinh doanh bán lẻ xăng dầu kêu ca về sự bất hợp lý trong chính sách điều hành thị trường của nhà cầm quyền CSVN. Những tháng vừa qua, họ đã nhiều lần đề nghị phải để thị trường tự điều chỉnh giá bán theo sát giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, hiện vẫn không thấy thay đổi.

Việt Nam có khoảng 17.000 “cửa hàng bán lẻ xăng dầu” thì khoảng 13.000 cây xăng do tư nhân làm chủ. Khoảng 4.000 cây xăng trực thuộc những đại công ty quốc doanh như Petrolimex, Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam, hãng xăng quân đội,… làm chủ.

Mấy tháng trước đây, một số bản tin, bài viết trên báo chí trong nước nêu ra thực trạng kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam có quá nhiều tầng nấc trung gian, nên khi xuống tới chủ các cây xăng bán lẻ, chẳng còn gì cho họ khi mà giá bán lẻ do nhà nước ấn định, bất chấp nhà buôn lời hay lỗ. Nhiều “công ty đầu mối xăng dầu” chỉ là kẻ trung gian thuần túy, không phải nhà nhập cảng hay đại diện nhà sản xuất.

Theo thống kê, Việt Nam đang có 38 công ty “đầu mối xăng dầu,” nhiều gấp 10 lần các nước như Nhật, Nam Hàn, Trung Quốc, Singapore. Phần lớn “không có chức năng nhập khẩu hoặc lấy hàng từ nhà máy lọc dầu trong nước.”

Trước đây, theo một bài viết trên tờ Thanh Niên, từng có đề nghị nhà cầm quyền trung ương chỉ nên “quản lý khâu chất lượng, quản lý buôn lậu, gian lận thương mại”. Còn các doanh nghiệp bán lẻ sẽ “tự quyết định việc điều chỉnh giá theo thị trường và biết cách tính toán chi phí cho từng giọt xăng dầu của mình.”

Nhưng nếu nghe theo “đề xuất” này thì lại không còn cái đuôi “định hướng XHCN” nữa.

Chính phủ Mỹ đã nhiều lần không chịu công nhận nền kinh tế của Việt Nam là “kinh tế thị trường” mỗi khi CSVN kêu gọi cho hưởng thuế quan ưu đãi. (TN)

- Quảng Cáo -