RFA
Tết là dịp để đoàn viên, đầm ấm bên người thân. Nhưng đối với các gia đình có thành viên là tử tù oan sai thì Tết từ lâu đã không còn ghé nhà họ.
Gia đình Hồ Duy Hải đồng lòng kêu oan tới cùng
Trò chuyện với chúng tôi vào một buổi chiều cuối năm Nhâm Dần, Thu Thuỷ, em gái tử tù Hồ Duy Hải, trải lòng về những nỗi đau khổ, cay đắng mà cả gia đình cô phải chịu, kể từ khi anh Hải bị bắt vào ngày 21/3/2008.
Mười lăm năm qua là 15 cái Tết không trọn vẹn đối với gia đình Thuỷ. Cô Loan, mẹ Hồ Duy Hải, lại càng không vui vẻ gì mỗi dịp lễ Tết về. Thuỷ nói, mẹ không còn lòng dạ nào đón Tết khi con trai của mình đang chịu oan khuất, bị cầm tù suốt 15 năm nay:
“Tết ở nhà thì cũng cúng kiếng vậy thôi. Còn mẹ em thì mười mấy năm nay là không có Tết.
Mà thậm chí là đám tiệc trong nhà đều không có mặt của mẹ em. Mẹ em không tham dự bất kỳ một buổi tiệc nào trong gia đình hết. Mẹ chỉ nằm ủ rủ một mình chứ cũng không gặp gỡ ai, không nói chuyện với ai.”
Gần Tết, việc mà cô Loan hăng hái làm nhất là chuẩn bị thức ăn, đồ dùng thăm nuôi Hồ Duy Hải; nhà có gì ngon cô đều để dành gởi vô tù cho con trai. Lần thăm gặp gần nhất là trước Tết Quý Mão 2023 chỉ một tuần:
“Mới đi thăm cách đây vài ngày trước Tết. Anh Hải thì vẫn khỏe, tinh thần cũng ổn, nhưng có điều là ảnh buồn bởi vì thời gian đã quá dài rồi.
Với lại gần tới Tết mà không được ở nhà thì cũng buồn. Nói chung là những ngày lễ Tết là anh Hải buồn dữ lắm.”
Với cô Loan lúc này, không có niềm vui nào cho bằng con của mình được trả tự do. Thuỷ nói, sức khoẻ của mẹ không được tốt, nhưng hễ làm được việc gì cho con trai là bà đều không quản khó khăn.
Cứ có điều kiện là cô Loan lại ra Hà Nội. Cô đến khắp các cơ quan công quyền, từ hành pháp đến tư pháp để kêu oan. Thậm chí, có người mách cho địa chỉ nhà cán bộ cấp cao nào đó, cô Loan cũng đến trước cổng đội đơn chờ, với hy vọng họ sẽ quan tâm mà giải quyết trường hợp của con trai mình:
“Mỗi lần đi ra Hà Nội là đi khỏe lắm. Nói chung động lực là anh Hải, cho nên đi tới chỗ nào, cơ quan nào mẹ cũng cũng đi được hết, nhưng mà khi về tới nhà, buông cái giỏ xuống là bắt đầu mệt, phải nằm nghỉ.”
Cứ như vậy, người mẹ gầy gò, nặng chưa tới 40 ký, phải đi hết nơi này đến chỗ khác. Ai chỉ ở đâu có thể giải oan cho con là cô đều gõ cửa, lặn lội hơn 15 năm qua mà chưa biết tới khi nào con mình mới được tự do.
Hồ Duy Hải bị cáo buộc là thủ ác trong vụ án ở Bưu điện Cầu Voi (Long An) hồi năm 2008. Sáng ngày 15/1, hai nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) được phát hiện đã chết tại Bưu điện Cầu Voi.
Cơ quan điều tra triệu tập Nguyễn Văn Nghị (28 tuổi, ngụ tại xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, Tiền Giang), là một trong hai người bạn trai của nạn nhân Ánh Hồng, và ban đầu được xác định là nghi can số một.
Tuy nhiên, đến ngày 21/3, Cơ quan điều tra bắt tạm giam và sau đó khởi tố Hồ Duy Hải về hành vi giết người.
Gia đình Nguyễn Văn Chưởng khánh kiệt vì kêu oan
Ông Nguyễn Trường Chinh, năm nay đã 75 tuổi, vẫn đều đặn mỗi tháng ra Hà Nội một lần gởi đơn kêu oan cho con trai mình là Nguyễn Văn Chưởng, bị bắt hồi năm 2007 với cáo buộc giết người cướp của.
Từ đó, gia đình ông Chinh ngày càng lâm vào tình cảnh khánh kiệt hơn. Nỗi đau mà ông phải chịu trong suốt 16 năm trời gần như làm cảm xúc của ông chai sạn đi nhiều. Tết từ lâu cũng đã không về với gia đình này.
“Từ khi em nó (Nguyễn Văn Chưởng – PV) bị bắt thì gia đình rất xáo trộn. Gia đình người ta có Tết chứ nhà mình làm gì có đâu, suốt ngày lo lắng. Nói chung bây giờ tình cảm nó cũng đã chai lì rồi. Hậu quả mình nhận đến năm nay là 16 năm thì nó cũng chai lì rồi.
Năm hết Tết đến, cũng muốn con cháu sum vầy nhưng bản thân mình lại không có, thành ra mình cũng rất đau khổ. phải cam chịu những bất công, nhưng biết làm sao được.”
Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên mỗi tháng khi đến thăm con, chắt chiu lắm thì ông ký gởi được tầm một triệu đồng, có tháng chỉ còn có 200 ngàn. Có bao nhiêu ông gởi hết bấy nhiêu vào cho con.
Ngày bị bắt, con gái của anh Chưởng vẫn còn đang mang trong bụng mẹ. Khi bé được hai tuổi, mẹ bé giao lại con cho ông bà nội rồi bỏ đi biền biệt. Từ đó, áp lực kiếm tiền nuôi cháu ăn học, nuôi con trong tù cho đến việc gởi đơn kêu oan cho anh Chưởng đè nặng lên vai hai ông bà tuổi đã ngoài 60.
Ông Chinh kể, từ khi cháu gái lên tám tuổi, con bé đã phải theo ông bà rong ruổi khắp nơi, ăn ngủ ngoài công viên Ngô Thời Nhậm, để cùng ông bà kêu oan cho bố:
“Lúc tám tuổi, nó đã theo bà đi kêu oan cho bố nó. Cùng với một toán bé con dân oan, mỗi lần bố mẹ nó bị bắt là chúng nó cũng hô hào lên, cắn tay công an…
Nói chung là nó cũng bị sang chấn. Hồi bé thì nó không biết nhưng mà từ lúc nó học lên lớp bảy khi nó hiểu biết rồi nó mặc cảm, thứ nhất là do không có mẹ, thứ hai là do bố bị tù, thứ ba là nó không tin tưởng vào chính quyền…”
Đến nay, dù đã 16 tuổi mà hai cha con chỉ được nói chuyện với nhau qua cửa kính phòng thăm nuôi trong tù mỗi tháng một lần. Ông Chinh nói, mỗi lần cha con gặp nhau, anh Chưởng đều nhắc nhở con nghe lời ông bà, ráng học hành cho giỏi. Vậy nhưng, con bé nói nó không muốn đi học nữa, nó thấy bà yếu, ông cũng không còn sức lao động nữa nên nó muốn nghỉ học đi làm:
“Giờ cháu đi học việc ở xưởng may nhỏ, học việc thì không có lương, nhưng mà họ biết hoàn cảnh, họ thương nên vừa rồi sau khi ba tháng là họ trả cho một triệu sáu.”
Dù bao nhiêu khổ cực, ông Chinh cũng chưa bao giờ quên việc gởi đơn kêu oan cho con. Cứ đều đặn mỗi tháng, ông ra Hà Nội nộp đơn tại Quốc Hội, văn phòng Chủ tịch nước, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và Toà án Nhân dân tối cao. Tuy nhiên, tất cả đơn từ đều đi vào im lặng kể từ năm 2015.
Vào khoảng 21h, ngày 14/7/2007, ở huyện An Hải (Hải Phòng), xảy ra một vụ án mạng. Nạn nhân là Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh, công an phường Đông Hải 2 (quận Hải An, TP. Hải Phòng)
Cơ quan điều tra vào sáng ngày 15/7 đã bắt giữ Nguyễn Văn Chưởng, ngụ ở huyện Kim Thành, Hải Dương, cùng với hai người khác bị cho là đồng phạm là Đỗ Văn Hoàng và Vũ Toàn Trung.
Luật sư khẳng định là án oan
Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng bị xác định là hung thủ và bị tuyên án tử hình trong hai vụ án giết người. Tuy nhiên, rất nhiều tình tiết trong vụ án này được nhiều luật sư chỉ ra là chưa đủ căn cứ luận tội, quá trình tố tụng có nhiều sai phạm.
Luật sư Nguyễn Văn Hoà, thuộc đoàn Luật sư Hà Nội, khẳng định với RFA rằng đây rõ ràng hai vụ án oan, và hai tử tù cần được trả tự do.
Năm 2013 – 2014, luật sư Hoà là người được Ban Nội chính Trung ương giao nhiệm vụ làm tổ trưởng kiểm tra vụ án Nguyễn Văn Chưởng. Sau khi xem xét hồ sơ kỹ lưỡng, luật sư Hoà cùng với các đồng sự đã có báo cáo khẳng định việc tử hình Nguyễn Văn Chưởng là oan sai:
“Oan là bởi vì không đủ cơ sở để kết luận rằng Nguyễn Văn Chưởng vừa là chủ mưu, vừa là thủ ác.
Bởi vì căn cứ vào hồ sơ vụ án thì lời khai củacác bị cáo trong vụ án đó là có mâu thuẫn với nhau. Có ba bị cáo thì lời khai của ba người là mâu thuẫn nhau nhau, tức là không làm rõ được ai là chủ mưu, ai là thủ ác, nó không thống nhất.
Thứ hai là chưa làm rõ được động cơ giết người nhằm mục đích cướp của.
Thứ ba là những chứng cứ, dấu vết trong vụ án này, cơ quan điều tra khám nghiệm rất sơ sài, cho nên là với những chứng cứ đó thì chưa thể kết luận được.”
Còn đối với vụ án Hồ Duy Hải, luật sư Hoà cũng là người nghiên cứu hồ sơ và gởi kiến nghị xem xét lại vụ án này. Ông cho biết vụ án Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng là tương tự như nhau, mà thậm chí nó còn có tính chất nghiêm trọng hơn bởi vì những chứng cứ và kết tội đối với Hồ Duy Hải còn sơ sài và mang dấu hiệu oan sai rõ ràng hơn.
Theo luật sư Lê Hoà, có lẽ các cơ quan chức năng cũng thừa biết sự oan sai trong các vụ án này. Do đó, đã 15, 16 năm trôi qua mà họ vẫn chưa dám thi hành án:
“Tôi thấy rằng là cơ quan chức năng họ cũng đang rất là ngại và sợ trách nhiệm. Cho đến giờ phút này đã có ai dám quyết định thi hành bản án tử.
Người ta bảo là không có cơ sở để xem xét lại. Thế tại sao người ta không dám thi hành án tử hình. Ngay cái việc bản án chưa được thi hành thì cũng cho thấy rằng người ta cũng đang rất là sợ.”
Luật sư Lê Hoà kết luận, theo luật, nếu không có đầy đủ bằng chứng thuyết phục để kết tội một người thì rõ ràng là bị oan, cơ quan chức năng phải thả tự do cho người đó ngay./.