Bán trái phiếu rác cho dân, liệu SCB có phạm tội lừa đảo?

- Quảng Cáo -
VOA
 
Hành vi bán trái phiếu công ty An Đông của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn, tức SCB, đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính-ngân hàng lớn nhất ở Việt Nam trong những năm gần đây với hơn 40.000 nạn nhân trên khắp cả nước với tổng số tiền thiệt hại lên đến 25.000 tỷ đồng.
 
Các lãnh đạo SCB vẫn một mực cho rằng họ chỉ là ‘bên môi giới, giới thiệu’ cho khách hàng mua trái phiếu nên không có trách nhiệm trả lại tiền, trong khi các nạn nhân nói với VOA rằng SCB đã ‘lừa đảo’ họ từ gửi tiền kiệm sang mua trái phiếu và ‘tung hỏa mù’ về trái phiếu doanh nghiệp như chính là sản phẩm của SCB có lãi suất cao khiến những khách hàng không có kiến thức về tài chính sập bẫy.
 
Về vấn đề này, ông Lâm Minh Chánh, chuyên gia đầu tư tài chính vốn là người sáng lập và giám đốc điều hành Học viện Kinh doanh và Tài chính ở thành phố Hồ Chí Minh, đã chỉ ra ‘bảy sai phạm’ của ngân hàng SCB.
 
Ông bác bỏ lập luận là ‘SCB chỉ là bên giới thiệu’ vì trong vụ bán trái phiếu dỏm này, SCB đã ‘tham gia từ đầu đến cuối’, từ giới thiệu sản phẩm, đến nhận tiền chuyển đi, đến giao hợp đồng, như là đại điện bán hàng.
 
Những sai phạm của SCB mà chuyên gia này chỉ ra bao gồm: chủ động chào mời, chèo kéo khách hàng mua trái phiếu mặc dù mục đích của họ khi đến ngân hàng là để gửi tiết kiệm; bán hàng dỏm; bán trái phiếu phát hành riêng lẻ cho công chúng vốn không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
 
Ngoài ra, các nhân viên ngân hàng này không có giấy phép hành nghề chứng khoán mà vẫn tư vấn bán trái phiếu cho dân, giới thiệu sai cho khách hàng khi đánh đồng trái phiếu như là gói tiết kiệm linh hoạt của ngân hàng và chẳng những không hề nói rõ rủi ro như thế nào mà còn ‘đảm bảo là không có rủi ro’, không hướng dẫn khách hàng đọc kỹ hợp đồng. Và cuối cùng, khi vụ việc vỡ lở, SCB không hề nhận trách nhiệm việc mình đã làm.
 
“Đứng về lý, khách hàng đã ký hợp đồng thì phải chịu thiệt hại cuối cùng. Ngân hàng SCB không thể trả thay cho người lừa đảo,”. “Nhưng SCB là một nhân tố quan trọng trong quy trình đưa trái phiếu lừa đảo, trái phiếu ma, trái phiếu rác đến người dân, thì SCB không thể chối bỏ trách nhiệm liên quan của mình mà SCB phải có trách nhiệm trong hành trình đòi lại tiền của khách hàng,” ông Chánh lập luận./.
- Quảng Cáo -