Định Tường -VNTB
Nhắc đến Tết, người công nhân mất việc chỉ cười buồn: “Tết nay chắc khó”.
Trong những tháng qua, hàng loạt doanh nghiệp không có các đơn hàng mới do ảnh hưởng của tình hình thế giới, nhiều nơi doanh nghiệp cố gắng xoay xở từ giãn ca, cho nghỉ luân phiên… để chờ đơn hàng dồi dào trở lại.
Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ đầu năm đến ngày 28-11-2022, hơn 472.000 lao động đang chịu ảnh hưởng trực tiếp suy giảm việc làm, mất việc. Trong đó hơn 41.500 lao động mất việc và 430.600 người bị giảm giờ làm hằng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng.
Nhìn vấn đề ở tầm vĩ mô cho thấy ở đây rất có thể là lỗi của truyền thông định hướng, khi các khó khăn được dự báo ngay lúc đang xảy ra dịch giã đã được cơ quan tuyên giáo đảng đánh giá không đúng mức, đưa đến ngay cả Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng vẫn một mực tin rằng “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Cần nhắc lại để thấy đâu là sai lầm khiến người lao động lâm cảnh bi đát như hiện tại. Đó là câu chuyện ngay ngày khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng sáng 26-1-2021, khi ấy ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư kiêm nhiệm Chủ tịch nước, đã có bài diễn văn mang tên “Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII”, có đoạn “tụng ca” với những so sánh dễ tạo ngộ nhận đối với những ai ‘ngoại đạo’ về kiến thức quản trị kinh tế:
“Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nước ta, gây nhiều thiệt hại về kinh tế – xã hội, nhưng với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc, đất nước đã đạt được những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước.
Trong khi kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%, kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; sự lãnh đạo nhạy bén, đúng đắn của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ; sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta đã kịp thời khống chế, cơ bản kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan của đại dịch Covid-19 trong cộng đồng; hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của năm 2020 và cả giai đoạn 2016 – 2020.
Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng trong việc thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch Covid-19 thành công; vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân.
(…) Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…” – trích https://daihoi13.dangcongsan.vn/…/toan-van-phat-bieu…
Kiểu ‘tự sướng’ trên dẫn tới một tai hại là tạo tâm lý chủ quan cho cả hệ thống chính trị.
Bởi ghi nhận từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lại cho thấy thực tế có gam màu xám xịt ngay sau Đại hội Đảng XIII (*), thế nhưng dường như các con số thống kê đó đã không đủ sức trong thay đổi niềm phấn khích về “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” của Tổng bí thư, để rồi hệ lụy trước mắt là người lao động đang… mất Tết (!?)