Theo Tổng cục thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2022, khối doanh nghiệp trong nước (khối nội) xuất khẩu được 80,36 tỷ USD nhưng nhập khẩu 105,28 tỷ USD. Như vậy là doanh nhiệp trong nước làm chảy máu 24,92 tỷ USD. Trong khi đó, khối FDI xuất khẩu 232,46 tỷ USD nhưng nhập về 198,14 tỷ USD. Vậy là khối FDI đã mang về cho nền kinh tế Việt Nam 34,32 tỷ USD. Như vậy khối ngoại (FDI) đang gánh vác phần lớn sức nặng nền kinh tế Việt Nam.
Được biết khối FDI hiện nay chỉ chiếm 25% tổng nguồn vốn xã hội nhưng lại chiếm 55% tổng giá trị sản phẩm công nghiệp Việt Nam. Tính ra khả năng tạo ra giá trị hàng hóa của doanh nghiệp FDI gấp 3,7 lần doanh nghiệp trong nước. Như vậy hiệu quả sử dụng vốn của các FDI cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp Việt Nam.
Từ nhiều năm qua, khối FDI chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, đến năm 2022 khối FDI là chiếm đến 74,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trên hai chân trụ, chân trụ thứ nhất là khối ngoại, chân trụ thứ hai là khối ngoại. Với việc tỷ trọng xuất khẩu của hàng hóa của FDI ngày càng tăng cho thấy, vai trò của các doanh nghiệp trong nước đang yếu đi hoặc đang bị tụt hậu so với mặt bằng chung của thế giới.
Thực ra khối nội mới là chân trụ thật của nền kinh tế, còn khối nội chỉ là chân giả vay mượn từ người khác. Thực tế, chân trụ thật đang bị thoái hóa và toàn bộ sức nặng nền kinh tế Việt Nam đang ngày một phụ thuộc vào chân giả nhiều hơn, không biết khi người ta “đòi lại” chân giả thì nền kinh tế trụ vào đâu? Khi nền kinh tế Việt Nam tiến sát với bẫy thu nhập trung bình thì nhiều FDI sẽ rời khỏi Việt Nam vì họ không tìm được lợi thế cạnh tranh thì sao đây? Thì khi đó nền kinh tế Việt Nam sẽ “dính bẫy” và mắc kẹt ở mức thu nhập trung bình mà không thể hoàn thành mục tiêu.
Ngày 25 Tháng Mười vừa qua, ông Lê Văn Thành – Phó Thủ tướng đã ký Nghị quyết số 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Nghị quyết này đặt tham vọng đến năm 2050, Việt Nam sẽ thành nước phát triển, thu nhập cao. Mục tiêu nghe có vẻ hoành tráng, nhưng liệu có đủ năng lực thực hiện hay không là chuyện khác.
Còn nhớ, ngày 30 Tháng Tư 2006, ông Nông Đức Mạnh khi đó là Tổng bí thư đã đưa ra mục tiêu là đến năm 2020 Việt Nam sẽ thành nước công nghiệp phát triển. Tuy nhiên trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13 vào Tháng Tư 2016, Quốc hội đã thừa nhận rằng mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 mà Việt Nam đặt ra cách đây nhiều năm đã không đạt được. Tuy nhiên, năm 2018, Đảng Cộng Sản lại dời mục tiêu đến năm 2030, rồi Tháng bảy năm nay đặt mục tiêu 2045 và giờ là đến 2050. Rõ ràng Đảng Cộng Sản đang đuổi hình bắt bóng mục tiêu hoang tưởng do chính họ đặt ra.
Vì sao mục tiêu “Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao”? Nếu nhìn vào chân trụ “doanh nghiệp trong nước” của nền kinh tế Việt Nam thì dễ nhận ra nhất. Theo số liệu tổng hợp cho thấy, chân trụ này đang bị thoái hóa thì làm sao hoàn thiện mục tiêu? Thêm vào đó là Việt Nam chưa giàu mà dân số đã già đi nhanh chóng thì đấy lại là gánh nặng rất lớn cho mục tiêu. Hiện nay, cuộc đại phẫu của ông Nguyễn Phú Trọng với các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam thì nó bày ra một sự thật ê chề, nó không hề có nội lực để gánh vác nền kinh tế mà nó là những ung nhọt của nền kinh tế. Chính vì cấu tạo trong khối nội như thế nên mục tiêu xem như là viễn vông nếu không cải thiện được chất từ trong chân trụ này./.