Anh xuất phát chậm hơn người ta mà nếu anh tăng tốc nhanh hơn thì khoảng cách sẽ được rút ngắn chứ? Tuy nhiên, nếu nói về tăng trưởng kinh tế thì dường như Việt Nam đã không theo logic như thế. Nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam luôn cao hơn Nhật – Hàn – Đài nhưng thực tế thì Việt Nam đang ngày càng bị các nước ấy nới rộng khoảng cách.
Ngày 5 Tháng Mười, trên Thời Báo Kinh tế Sài Gòn có bài viết cho biết, thị trường xuất khẩu lao động của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan hiện nay đang khắt khe hơn. Nguyên nhân là phía sử dụng lao động đòi hỏi nhu cầu ngày càng cao trong khi chất lượng nguồn lao động Việt Nam thì lại không đáp ứng.
Thực ra tăng trưởng và phát triển là khác nhau. Việt Nam chỉ có con số tăng trưởng đẹp nhưng đất nước lại không phát triển, đặc biệt là ở yếu tố con người là thước đo rõ nhất về sự phát triển. Phát triển là chỉ số toàn diện, tăng trưởng chỉ là một yếu tố đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Doanh nghiệp Nhật – Hàn – Đài ngày càng cần công nhân có tay nghề cao hơn, có ý thức trách nhiệm hơn và có tính chuyên nghiệp hơn chứng tỏ đất nước họ phát triển mạnh. Trong khi đó chất lượng nguồn lao động Việt Nam thì vẫn như ngày nào, vẫn tay nghề kém, vẫn ý thức kém, vẫn vô trách nhiệm, vẫn thiếu chuyên nghiệp vv… Họ tiến mình dẫm chân tại chỗ.
Tăng trưởng GDP cao nghĩa là nền kinh tế Việt Nam làm ra giá trị gia tăng lớn so với GDP. Như vậy, câu hỏi đặt ra là, những giá trị gia tăng đấy đã đổ vào nơi nào mà chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam vẫn dẫm chân tại chỗ? Đổ vào túi tham nhũng, đổ vào những trò sửa sai do ban hành chính sách sai lầm. Chính những nơi đó hút hết tiền làm cho giáo dục và y tế không có đủ tiền để phát triển. Mà cho dù có đủ tiền mà chính sách sai thì tiền cho giáo dục và y tế cũng cũng chẳng khác nào thứ “tiền âm phủ” đem đốt thành khói mà chẳng giúp ích gì trong việc phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Ngoài ra các dự án xây dựng hạ tầng tốn tiền nhưng kém chất lượng cũng đóng góp vào việc “Việt Nam là đất nước không chịu phát triển” như bà Phạm Chi Lan từng đánh giá.
Nếu bóc tách có số tăng trưởng kinh tế Việt Nam thì trong đó thành phần FDI chiếm phần lớn. Có người cho rằng nếu tách khối FDI ra khỏi nền kinh tế Việt Nam thì có khi con số tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam như Nhật Bản. Hiện nay khối doanh nghiệp trong nước vẫn đang nhập siêu rất lớn. Nền kinh tế xuất siêu là bởi FDI đóng góp. Được biết, FDI chiếm chỉ khoảng 20% nguồn vốn nền kinh tế nhưng đóng góp đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Giá trị gia tăng do các FDI làm ra thì đó là tài sản của nước ngoài, nó đóng góp cho con số tăng trưởng Việt Nam thôi chứ có đóng góp gì nhiều vào sự phát triển đất nước Việt Nam đâu?
Con số tăng trưởng của Việt Nam chỉ là con số rỗng. Rỗng bởi nó bị tham nhũng và lãng phí gặm một phần và phần còn lại bị các FDI rút bỏ túi. Trong giá trị gia tăng rỗng ruột đó mà chính sách sai, quản trị kém thì lấy gì Việt Nam có phát triển? Trong khi đó, Nhật có giá trị gia tăng lớn hơn con số tăng trưởng GDP rất nhiều bởi các doanh nghiệp của họ ở nước ngoài làm ra. Và điều đáng nói là Nhật – Hàn – Đài lại đầu tư hiệu quả cho phát triển thì tất nhiên các xã hội này càng ngày càng nới rộng khoản cách với Việt Nam.
Con người là nguồn tài nguyên quan trọng nhất cho sự phát triển mà chẳng phát triển được nguồn tài nguyên người này thì mãi mãi mục tiêu đất nước công nghiệp phát triển vẫn là xa vời. Tiền đã không đủ mà chiến lược sai lầm và quản trị kém thì bó tay rồi./.