Vết nhơ khó rửa

- Quảng Cáo -

Nguyễn Thông

Đó là vụ án bay giải cứu mà những bị can chính nằm ở Bộ Ngoại giao. Lâu nay cái bộ này được coi là mặt tiền thể chế, nơi nhất cử nhất động đều liên quan đến quốc thể. Người ta thầm hiểu với nhau, nó không có uy như bộ quốc phòng, không đáng sợ như bộ công an, không giàu như bộ kinh tế… nhưng cao quý, đẳng cấp, trình độ, sự đáng kính nể thì không đứa nào bằng nó.

Giờ thì nó thảm hại, bị khinh rẻ, xem thường, thậm chí không bằng cả những bộ quèn.

Vì đâu nên nỗi? Nhiều lý do, nhiều nguyên nhân, chỉ có điều trong cái thể chế này chả có gì giữ trọn được phẩm chất, bởi sự tha hóa đã nằm ngay trong mỗi bộ máy và con người.

- Quảng Cáo -

Trước kia bản thân tôi cũng từng ngưỡng mộ ngành ngoại giao, Bộ Ngoại giao, nhưng sau khi đọc “Hồi ký Trần Quang Cơ” (cụ Cơ từng là thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao) thì hỡi ôi, vỡ mộng xưa, không còn chút tiếc rẻ, lăn tăn chi nữa. Nói như nhà thơ Việt Phương (Trần Quang Huy), tác giả tập “Cửa mở” nổi tiếng, “Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao/Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao”. Chỉ có điều, thời cụ Việt Phương, bùn hơi hiếm hoặc ít phát lộ, chứ giờ kỳ khu tìm được chỗ “đất sạch” trong cái biển bùn tầng cao mới là cực khó.

Có một thứ quy luật bất thành văn. Con người ta, dù tốt giỏi tới mấy, vẫn bị tha hóa trong quyền lực, địa vị. Thời nào cũng thế, ở đâu cũng thế, thể chế nào cũng thế, nhưng trong thể chế cộng sản là kinh nhất. Tôi đã nghe, đã chứng kiến nhiều vụ nhiều người như thế ở xứ này. Lịch sử Việt Nam hiện đại, tiếc là không có anh em nhà thái sử Bá như thời Chiến quốc, chỉ rặt những Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, Phạm Hồng Tung nên thiên hạ chỉ thấy trời cao xanh bát ngát. Bùn ngay trước mắt, họ cũng chả biết, sử với họ chỉ là phương tiện mưu sinh.

Lôi cổ được đám bùn nhơ nhỡ như thứ trưởng ngoại giao Tô Anh Dũng, trợ lý phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh Nguyễn Quang Linh ra đối diện pháp luật là sự cố gắng của cơ quan điều tra, nhưng cần nói thẳng, chưa hết đâu. Ông Phạm Bình Minh có thể là người tốt, giỏi, tử tế, nhưng ai dám chắc không rơi vào vòng xoáy tha hóa quyền lực. Tay trợ lý tên Linh kia, nó dưới trướng ông, đệ tử thân tín của ông suốt từ năm 2013 tới giờ, gần chục năm giời, khoảng thời gian không phải là ít, đi đâu ông cũng kéo nó theo, chả nhẽ thầy trò không liên quan gì. Ngay cả việc vừa rồi ông thay mặt thủ tướng ký quyết định kỷ luật đám cán bộ tỉnh thành, cùng vi phạm như nhau mà đứa chỉ bị khiển trách (Võ Văn Hoan ở TP.HCM), đứa thì cảnh cáo (Trần Hữu Thế, Phú Yên) đủ thấy tào lao rồi. Tay Hoan, cứ hỏi dân Sài Gòn rõ ngay tội trạng, chỉ khiển trách nhẹ hều thì làm bòi gì nó.

Vụ giải cứu, cũng cần nói thêm, cần tới nơi tới chốn, không chỉ với đứa ngồi chót đỉnh (tại trên ngồi chẳng chính ngôi/để cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn), mà cả cái đám ton hót, buôn chữ, bút máu, xu nịnh, tung hô ngợi ca “những chuyến bay giải cứu đầy tình nghĩa đồng bào, đầy tình thương và lòng nhân đạo, hiên ngang, ngạo nghễ, nghĩa tình, kiêu hãnh Việt Nam”, v.v.. Ai dám bảo bọn báo mậu dịch ấy không nhận tiền của những bị can bùn kia để nói những lời có cánh, sơn phết cho hành vi bóc lột bất nhân, tàn bạo. Giờ chỉ cần mở Gu gồ ra mà điều tra, điểm danh những đứa nào đứa nào tòng phạm, dễ ợt./.

Thông cào

- Quảng Cáo -