Nói về 2 thiếu niên: “mới chỉ (16 tuổi) …nhưng”, “không những vậy”, “chạy tốc độ cao, lạng lách trên đường, vượt đèn đỏ, chèn ép xe của CSGT”, “cầm lái tăng ga bỏ chạy qua nhiều tuyến đường với hơn 30km”, “thừa nhận hành vi vi phạm và ngành chức năng đã lập biên bản” (ý cuối này như một khẳng định, kết luận về vi phạm của 2 thiếu niên, không cần bàn cãi nữa). Đây là cách nói tăng cấp, hàm ý đã sai còn cố tình vi phạm mỗi lúc một nặng hơn, trầm trọng hơn.
Nói về nhóm công an đánh người: “không kiềm chế, có hành vi thiếu chuẩn mực”, “sai”.
Nhận xét: Chưa bàn về tính xác thực của tất cả các chi tiết được Giám đốc Công an Sóc Trăng nêu, ở đây chỉ nói về “cách nói”.
– Đoạn thông tin trên chủ yếu là nói về 2 thiếu niên, còn nhóm cảnh sát chỉ được nhắc tới bằng mấy chữ ít ỏi như đã dẫn, trong khi cái mà nhân dân muốn và cần biết nhiều nhất là về nhóm cảnh sát này.
– Nói về 2 thiếu niên thì dùng những từ ngữ nặng nề có tính khẳng định về mức độ vi phạm nặng; còn nói về nhóm cảnh sát thì nhẹ hều. Xin thưa, hành động của nhóm cảnh sát này không phải là “thiếu chuẩn mực” mà là tàn ác, phi nhân tính, không phải chỉ là sai mà còn là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, chà đạp lên nhân quyền và dân quyền.
Đáng chú ý nhất là chữ “vì vậy” (trong câu “Vì vậy, khi dừng xe được hai thiếu niên, cán bộ công an đã không kiềm chế, có hành vi thiếu chuẩn mực”). Hai chữ này hàm ý rằng việc nhóm cảnh sát đánh 2 thiếu niên là có nguyên nhân, có logic, là quan hệ nhân – quả thôi. Xin thưa, không bao giờ được phép sử dụng chữ này trong bất kỳ hoàn cảnh nào để biện minh cho hành động phạm pháp, nhất là đối với lực lượng công quyền. Dù 2 thiếu niên này có vi phạm nặng hơn nữa thì cũng chỉ được quyền chặn dừng xe, đưa về đồn và giải quyết theo quy định của pháp luật, không bao giờ được lấy làm cớ để xuống tay độc ác như thế.
Qua cách diễn ngôn/ diễn đạt trong thông tin này có thể dự đoán được cách mà người đứng đầu ngành công an Sóc Trăng sẽ “xử lý” vụ việc./.
Thái Hạo