Lâu nay ngành giáo dục bị liệt vào loại “chuộc chạy cùng sào bước vào sư phạm”, nghĩa là xã hội dưới thời Cộng Sản xem nhẹ giáo dục. Ngành giáo dục được gọi là ngành “trồng người” nhưng thực chất giáo dục Việt Nam từ lâu đã không theo tiêu chí dạy làm người mà là vẫn chạy theo tiền và quyền. Quan điểm giáo dục này không khác gì hàng ngàn năm trước khi sự học là nhắm tới có địa vị xã hội bằng chức quan nào đấy để được đời nể sợ và gia đinh được hưởng vinh hoa phú quý.
Làm nghề giáo chân chính thì gia tài lớn nhất của họ là học sinh thành người. Về mục tiêu kiếm nhiều tiền và có nhiều quyền lực thì nghề giáo không đáp ứng cho tham vọng đấy. Với quan điểm chạy theo quyền và tiền mà Chính quyền Cộng sản đã tạo ra cho xã hội này thì nghành sư phạm bị ruồng bỏ là điều tất yếu.
Để thỏa mãn cho tham vọng quyền – tiền thì ngành công an đáp ứng tốt hơn ngành sư phạm. Làm công an có quyền để hạch sách thiên hạ, có quyền để thị uy thiên hạ và có thể dùng quyền để nặn ra tiền. Đó là lý do tại sao dù cho người ta dựng lên hàng rào “sơ tuyển” để gạt bớt thí sinh dự thi nhưng cuối cùng số lượng thí sinh đổ vào ngành Công an cũng còn rất đông nên điểm trúng tuyển mới cao ngất ngưởng.
Thực tế là rất nhiều cử nhân, kỹ sư làm tài xế grab chứ chưa có ai tốt nghiệp trường cảnh sát hay quân đội nào phải rơi vào thảm cảnh như vậy. Với ngân sách cho Công an trên 5 tỷ đô la và ngân sách cho giáo dục chỉ 255 triệu đô đủ thấy ý đồ của Nhà nước Cộng sản chú trọng vào vấn đề gì rồi.
Lẽ ra ngành Công an có nhiệm vụ bảo vệ công lý nhưng ở Việt Nam đảng cộng sản đặt mục tiêu là bảo vệ chế độ. Việc các thí sinh muốn thi vào ngành công an phải qua sơ tuyển tại cơ quan công an nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú là cách đảng muốn lọc bỏ thành phần “không nghe lời đảng”.
Giống như luật bất thành văn, hễ ai phục vụ cho chế độ một cách tận tụy thì chế độ “không bạc đãi”, Đảng sẽ thưởng và phần thưởng lớn nhất là Đảng cho Công an sử dụng quyền lực trong tay để nặn ra tiền. Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thì bảo kê cho các tòa nhà không đảm bảo phòng cháy chữa cháy hoạt động, cảnh sát khu vực thì bảo kê cho các loại hình kinh doanh có dính đến tệ nạn vv… Công an được Đảng làm lơ những điều đó để làm giàu, đổi lại họ trung thành với chế độ. Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương chết 32 người làm dấy lên sức ép từ dư luận nên buộc Chính quyền vào cuộc kiểm tra các quán karaoke để xoa dịu lòng dân, tuy nhiên, một thời gian sau cũng đâu vào đấy bởi nó là miếng ăn cho Công an để đổi lấy lòng trung thành của họ.
Theo tôi được biết, hiện nay các sếp công an luôn ao ước địa phương của họ có “phản động” để mà làm nguồn dự trữ thành tích cho họ. Bắt “phản động” vừa an toàn hơn và dễ hơn bắt cướp nhưng công lao được ghi nhận lớn hơn bởi Đảng đặt ý thức bảo vệ chế độ cao hơn ý thức bảo vệ công lý ở người Công an. Nếu ông sếp nào đang bảo kê cho tệ nạn thì ông đấy cần phải tóm “phản động” để tạo công. Có nhiều địa phương, khi đã bắt sạch những “phản động” được cho là có máu mặt thì họ quay ra bắt những người không chống chế độ. Trường hợp Công an TP. Đà Nẵng bắt “Thánh rắc hành” Peter Lâm Bùi là ví dụ. Nhiều người ngạc nhiên, tại sao lại bắt một cá nhân không chống đối chế độ rõ rệt như ông Bùi Tuấn Lâm (tức nick Peter Lâm Bùi) như vậy? Ông Bùi Tuấn Lâm rõ ràng là vô hại với chế độ kia mà? Xui cho ông Lâm là ở Đà Nẵng giờ hết “phản động” thực sự để bắt nên ông phải chịu làm “vật tế thần”.
Đấy là Đà Nẵng còn có ông “phản động nhẹ” như ông Peter Lâm Bùi để mà bắt, chứ như Thái Bình thì họ chả lục đâu ra “phản động” mà bắt, thế là họ bắt những ai “nói xấu lãnh đạo” để lập công. Việc Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an tỉnh Thái Bình phạt nữ Streamer Milona Nguyễn Thị Thanh Loan 10 triệu đồng vì nói “ông chủ tịch nước hói đầu vì xem phim 18+” cũng là cách như thế. Mục đích là để dùng cái “chiến công” ấy che đậy những hành động đáng tởm của họ trong bóng tối. Mặc dù cách làm của họ lại bôi xấu thêm bộ mặt ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhưng họ bất chấp, họ chỉ biết họ có cái gọi là “thành tích” để che đậy.
Xã hội Việt Nam là xã hội “máng lợn” nên những giá trị cao cả của người thầy chân chính không được ai quan tâm dù cho họ có trồng ra không biết bao nhiêu người tốt cho xã hội. Xã hội này chỉ quan tâm đến cái nghề anh có làm ra nhiều tiền hay không, cái ngành đấy có mang lại cơ hội kiếm nhiều tiền hay không dù cho nó đạp lên đạo lý. Và vì thế, đa phần thầy biến thành thợ dạy và nghề giáo bị xem thường và đó là lý do học sinh ruồng bỏ nó mà chen nhau thi vào ngành làm công cụ bảo vệ Đảng./.