Nơi Bắc Kinh bỏ mặc Moscow

- Quảng Cáo -

Von Pavel Lokshin, Christina zur Nedden (Welt)

Nguyễn Xuân Hoài

Phương Tây lo ngại khi siêu cường đang lên Trung Quốc và người khổng lồ về tài nguyên Nga đang thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác. Nhưng thực tế lại có phần không long lanh, rực sáng như người ta nghĩ. Tình bạn này không hề bằng vai phải lứa.

Từ hai năm rưỡi nay Tập Cận Bình mới ra nước ngoài. Trừ một ngày ông tới Hồng Kông, Chủ tịch Trung Quốc đã ở trong nước từ tháng 1 năm 2020. Ấy vậy mà, cho dù các thành phố của Trung Quốc vẫn đang bị phong tỏa, ông Tập hiện đang công du Trung Á. Tại đây, ông cũng sẽ gặp Tổng thống Nga Putin.

- Quảng Cáo -

Đây là lần đầu tiên Putin và ông Tập gặp mặt trực tiếp kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Mặc dù Trung Quốc thể hiện mình là một đồng minh trung thành của Nga, nhưng nước này biết rằng cuộc chiến Ukraine tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và mối quan hệ quá chặt chẽ với Moscow có những bất lợi. Ví dụ, Trung Quốc không giao vũ khí cho Moscow, mặc dù Putin đang rất cần. Theo Politico Nga được cho là đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp vũ khí ngay từ mùa xuân.

Tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cho biết mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh là “quan hệ đối tác, không phải liên minh” và “không chống bên thứ ba”. Không giao vũ khí cho Nga. Liệu cuộc gặp hiện tại có phải là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tăng cường ủng hộ cuộc chiến, hay chỉ là vẻ bên ngoài, bên trong Trung Quốc đang ngày càng xa lánh Moscow khi quân đội của Putin đang đối mặt với những khó khăn to lớn?

Hôm thứ tư ông Tập thăm Kasachstan, nước láng giềng của Trung Quốc ở Trung Á. Trung Quốc có quan hệ hữu hảo với nước này. Hôm thứ năm, ông ta sẽ đến Uzbekistan để tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Samarkand. Trung Quốc dẫn đầu SCO gồm 8 nước, bao gồm các nước thuộc Liên Xô cũ cộng với Ấn Độ và Pakistan, tuy nhiên SCO do Trung Quốc và Nga chi phối.

Ông Tập dự kiến sẽ gặp Putin tại hội nghị thượng đỉnh vào thứ năm. Đây sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của bộ đôi này kể từ tháng 2, khi họ tuyên bố với thế giới về tình bạn “không biên giới” tại Thế vận hội Bắc Kinh, ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine.

Đây là thời điểm gây cấn với cả hai nguyên thủ quốc gia. Putin đang phải gánh chịu thất bại nặng nề nhất ở Ukraine trong tuần này. Hậu quả kinh tế và chính trị của cuộc chiến tranh của ông ta khiến nước Nga bị cô lập trên trường quốc tế. Trong khi đó, ở Trung Quốc, Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20 sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy một tháng nữa, ông Tập đang tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ ba kéo dài 5 năm, đây là điều chưa từng có để trở thành chủ tịch quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.

Ông Tập kiên trì chính sách Zero-Covid

Để đạt được mục tiêu này từ năm 2018 ông đã dỡ bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ cho chức vụ chủ tịch nước. Mặc dù ông có khả năng đạt được mục đích gia hạn nhưng vị thế của ông ở trong nước đang bị ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh nền kinh tế đang bị suy giảm, tình trạng thất nghiệp của thanh niên gia tăng và các cuộc biểu tình phản đối chính sách zero-Covid hà khắc, đại dịch kéo dài triền miên, đây là các yếu tố đặc biệt quan trọng đối với ông Tập. Cả ông Tập và Putin đều nhận thấy mối quan hệ của các nước họ với phương Tây đang ngày càng xấu đi.

Phương Tây lo ngại về mối quan hệ đối tác giữa siêu cường đang lên Trung Quốc và người khổng lồ về tài nguyên Nga đang ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Trong bảy tháng đầu năm 2022, thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã tăng gần một phần ba. Khi châu Âu tìm cách không nhập khẩu năng lượng của Nga và thi hành các lệnh trừng phạt Nga thì Putin đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc và châu Á.

Tuần trước, ông thông báo rằng Gazprom đang lên kế hoạch lập một tuyến xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc qua Mông Cổ. Đổi lại, Trung Quốc không lên án Nga xâm lược Ukraine, gọi đây là “một hoạt động quân sự đặc biệt.” Hồi tháng 6, ông Tập cho biết ông kỳ vọng thương mại Trung Quốc-Nga sẽ tạo ra “kỷ lục mới” trong những tháng tới, thể hiện “sự hợp tác tuyệt vời giữa hai quốc gia chúng ta.” Các cuộc tập trận chung đã diễn ra từ nhiều năm nay tuy nhiên giờ đây các cuộc tập trận này có vẻ đe dọa nhiều hơn đối với phương Tây. Kẻ thù chung là Hoa Kỳ đang gắn kết chặt chẽ Trung Quốc và Nga với nhau hơn.

Nơi Bắc Kinh bỏ mặc Moscow

Tuy nhiên, thực tế “quan hệ đối tác chiến lược” giữa Trung Quốc và Nga không mấy lung linh, hào nhoáng như những lời tuyên bố hùng hồn của hai nhà lãnh đạo. Đặc biệt khi Nga cần sự giúp đỡ vì các lệnh trừng phạt, Bắc Kinh lại làm cho Moscow thất vọng, không chỉ với việc chuyển giao vũ khí. Trung Quốc chưa bao giờ công nhận việc sáp nhập Crimea, và ngay cả sau cuộc xâm lược mới của Nga, Bắc Kinh đã tuyên bố về sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Nếu không sẽ khó duy trì tuyên bố về chủ quyền của mình đối với Đài Loan.

Bắc Kinh không quan tâm đến việc thay đổi lập trường này, rủi ro địa chính trị và nguy cơ bị trừng phạt thứ cấp là quá lớn. Trong lĩnh vực công nghệ cao, Trung Quốc vẫn bị phụ thuộc vào phương Tây. Vì Nga mà làm cho quan hệ Trung-Mỹ xấu đi là điều không đáng đối với Bắc Kinh.

Chính vì thế ở nhiều lĩnh vực Moscow chỉ nhận được câu trả lời là sự im lặng. Nhiều người Nga từng đặt nhiều hy vọng vào hệ thống thanh toán UnionPay của Trung Quốc sau vụ thẻ tín dụng Visa và Mastercard của họ ở nước ngoài bị chặn.

Tuy nhiên, chúng đã không trở thành một phương tiện thanh toán phổ biến mới: các ngân hàng Nga bị trừng phạt không còn được phép phát hành thẻ UnionPay. Mặt khác, thẻ UnionPay nước ngoài không còn được chấp nhận tại các cửa hàng bán lẻ nếu thiết bị đầu cuối thẻ do các ngân hàng bị xử phạt điều hành được sử dụng khi thanh toán.

Các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Trung Quốc, đã hạn chế nghiêm ngặt việc cấp vốn cho hàng hóa xuất khẩu của Nga vì lo ngại trước các lệnh trừng phạt thứ cấp. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, có trụ sở chính tại Bắc Kinh, đã chấm dứt mọi hợp tác với Nga trong tháng ba.

Gã khổng lồ điện tử Huawei, ngay cả khi bị Mỹ trừng phạt, đã xóa ứng dụng của các ngân hàng Nga bị trừng phạt như VTB và Promsvyazbank khỏi cửa hàng ứng dụng của mình. Hơn nữa, Huawei – không chỉ là một nhà sản xuất điện thoại thông minh, mà còn là một nhà cung cấp truyền thông di động quan trọng – đã thông báo nhiều tháng trước rằng họ sẽ không ký bất kỳ hợp đồng mới nào để mở rộng mạng di động ở Nga.

Thế nhưng Moscow chấp nhận để Bắc Kinh làm như vậy. Sau khi Nga xâm lược Ukraine, Trung Quốc đã được bảo đảm nhận được các điều kiện ưu đãi đối với nhập khẩu nguyên liệu: dầu mỏ được chiết khấu khoảng 30 USD / thùng và LNG được chiết khấu 10%. Từ lâu, Trung Quốc đã mua khí đốt qua đường ống “Sức mạnh của Siberia” với giá rẻ như bèo.

Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng vọt

Xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc kể từ đầu chiến tranh tăng 46%, với dầu mỏ và khí đốt là 70%, đây là con dao hai lưỡi trong bối cảnh này. Nga tuy đạt được lợi nhuận nhưng đang rời xa vị thế cường quốc thông thường khi Trung Quốc là người quyết định về giá. Điều này không chỉ xảy ra với xuất khẩu năng lượng. Bắc Kinh cũng đang trục lợi từ tình hình địa chính trị khó khăn của Nga trong các lĩnh vực khác.

Nhà sản xuất nhôm Rusal của Nga đã phải mua nguyên liệu nhôm monoxide để sản xuất kim loại ở Trung Quốc do nhà máy sản xuất monoxide của tập đoàn này ở Mikolayiv, Ukraine, phải đóng cửa do chiến tranh. Nhóm đang nắm giữ ở Úc không được phép giao hàng vì lệnh trừng phạt. Vì vậy, Rusal đã phải làm ăn với các nhà xuất khẩu Trung Quốc và trả giá cao hơn khoảng 40% so với giá thị trường thế giới.

Cuộc gặp ở Uzbekistan có thể được Tập và Putin sử dụng để công bố các dự án kinh tế chung mới ở Trung Á, bao gồm các đường ống dẫn năng lượng mới. Nhưng đó không phải là quan hệ tình bạn bằng vai phải lứa thực sự. Nga là một thị trường tương đối nhỏ đối với Trung Quốc.

Trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, xuất khẩu sang Nga chỉ chiếm 2,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. EU và Hoa Kỳ là những đối tác thương mại quan trọng hơn nhiều đối với Trung Quốc. Nga ngày càng trở thành đối tác đàn em của Trung Quốc, về lâu dài phải hỗ trợ các mục của Bắc Kinh./.

- Quảng Cáo -