Hy sinh vì Dân, Dân thương, Dân thờ.
Tượng chú bé tè báo động hoả hoạn ở Brussel, Bỉ đã trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng trăm triệu du khách.
Tượng trung uý Đỗ Đức Việt sau cuộc vật lộn với lửa, vỗ về con chó đang có bầu, rồi hy sinh khi cứu Dân, chắc chắn sẽ tạo nên giá trị văn hoá, nhân văn ở Hà Nội, một thủ đô văn hiến mà đang quá thiếu vắng những bức tượng nghệ thuật cao, đi vào tình cảm công chúng.
Đây là tiếng nói của người Hà Nội về ý nguyện dựng tượng này.
Nguyễn Cảnh Bình, chuyên gia văn hoá, kinh tế, Phó chủ tịch Trung tâm Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương góp ý:
“Tôi không biết ý kiến góp ý cho Hà Nội có nhiều quá không hoặc cũng không biết có cách nào, kênh thông tin nào, diễn đàn nào để gửi ý kiến này đến người ra quyết định, vì thực ra tôi cũng không biết người ra quyết định là ai.
Nên sửa (dù thực ra là làm mới) tượng 3 người lính cứu hoả vừa dựng xong, thay bằng tượng ba người lính cứu hoả vừa ngã xuống ở Quan Hoa. Không nên, không cần thiết tượng người lính cứu hoả cứ phải cầm vòi nước hay cầm bình xịt bọt… mà lấy ngay cảnh những đời thật, người thật, việc thật như chính người lĩnh cứu hoả trẻ đang nói chuyện với con chó mà cậu ý vừa cứu được. Thậm chí, dòng chữ khắc trên tượng không phải khẩu hiểu cao siêu gì, hãy lấy ngay dòng chữ, câu nói, câu đưa trên facebook của cậu thanh niên ấy…
Bức tượng những người lính cứu hoả lấy hình tượng, hình ảnh, câu nói, câu chuyện từ những người thật việc thật, từ chính ba người lính vừa ngã xuống chắc chắn tuyệt vời, truyền cảm hứng, động viên những người lính cứu hoả của thành phố, an ủi gia đình, cha mẹ, vợ con họ. Tôi tin rằng cách dựng tượng họ thân thuộc, gần gũi, đời thường hẳn sẽ tuyệt vời hơn nhiều, hơn cả bằng khen, huân chương, quân hàm…
Tôi tin là không có bất cứ ai chỉ trích, chê bai bức tượng 3 người lính này. Tượng những người lĩnh cứu hoả, có thể dựng ngay Cầu Giấy, ở Quan Hoa, ở trụ sở Lính cứu hoả hoặc ở một chỗ nào đó đời thật của họ… đâu cần ở một nơi không hề có liên hệ gì…
Hãy dựng tượng họ, hãy để những hình ảnh và con người thật, đã ngã xuống, thay thế cho những tượng vô tri, vô giác, vô danh kia.”
Còn đây là ý kiến của nhà báo Kỳ Duyên, nguyên phóng viên báo Nhân Dân:
KHÔNG LÀM TƯỢNG “CỔ ĐỘNG”- HÃY TẠC TƯỢNG SỐNG ĐỘNG
Từ hôm qua đến nay, mình đã bị ám ảnh mãi về sự hy sinh của ba người lính cứu hỏa (phòng cháy chữa cháy), đặc biệt trong đó là sự hy sinh của Trung úy Đỗ Đức Việt. Bức ảnh của Việt được truyền đi trên mạng đã lay động biết bao con tim. Hình ảnh người lính ĐĐV gương mặt quá trẻ, và con tim hẳn cũng rất trẻ thơ, trò chuyện với bé cún đang mang bầu được Việt cứu trong một đám cháy khác, khiến mình rơi nước mắt.
Và cái còm (comment) của Facebooker- Hoa Phanxuan bỗng thức tỉnh mình về một chủ đề còn đang hot trên mạng XH mấy ngày qua: “Tượng về người lính cứu hỏa, phải là nguyên mẫu này chị ạ”!
Đúng rồi. Mạng XH mấy ngày qua chê hết lời nhóm tượng bộ đội, công an, lính cứu hỏa. Mà chê là đúng! Bởi nhìn vào, mình chỉ thấy một sự khô cứng, thô vụng, hệt các bức tranh cổ động
Cái tư duy cổ động, “nghệ thuật phục vụ chính trị” bao đời không thay đổi được
Xưa nay cái đẹp không đánh động được nhân tâm, không làm con tim rung động bởi giá trị chân thiện mỹ đích thực sớm muộn cũng bị quên lãng, dù là bia đá, tượng đồng, dù được thần thánh hóa đến độ nào…
Chính vì thế, mới hiểu bức ảnh của người lính cứu hỏa tuổi quá trẻ, đang “trò chuyện” với bé cún mang bầu- những sinh linh sắp chào đời làm con tim của biết bao cư dân mạng nhỏ lệ.
Đó là vẻ đẹp đức hy sinh, sự dấn thân hồn nhiên cho sự sống vạn vật của người lính
Viết những dòng ngắn này, mình chỉ mong Chính quyền Hà Nội, các “nghệ sĩ điêu khắc” hãy thay đổi cách tư duy “tượng cổ động chính trị” như lâu nay, để tạc những bức tượng đậm chất nhân văn, đầy sức sống, rất đời thường, giản dị- mà bức ảnh người lính trẻ Đỗ Đức Việt là một chất liệu sinh động, cảm động.
Có thể đặt ở những công viên, nơi trẻ em, học sinh phổ thông các trường thường đến sinh hoạt, vui đùa. Hẳn khi hiểu gốc gác của bức tượng, sự xả thân của một người lính trẻ, liệu có giáo dưỡng được gì trong tâm hồn trong trẻo, trong sáng của những đứa trẻ đang lớn, về lòng yêu Đất nước, yêu con người, yêu sinh linh vạn vật?
Hãy thay đổi tư duy làm tượng cổ động mà sản phẩm thường rất vô hồn, khô cứng, sống sượng, để “tạc tượng sống động”.
Sự “cổ động” rồi sẽ đi qua. Chỉ có sự “sống động” ở lại mãi, trong tâm hồn con người, nuôi dưỡng tình yêu, và lòng nhân sâu sắc.
Tác giả gửi BVN