Hôm 27 Tháng Bảy, báo chí đồng loạt đưa tin Vinhomes chính thức động thổ hai dự án nhà ở xã hội đầu tiên quy mô 40.000m2, cung ứng 3.500 căn. Loại nhà ở xã hội này được Vinhomes đặt tên là Happy Homes. Được biết nhà ở xã hội Happy Homes có giá từ 8,5 triệu đồng/m2 cho loại 1, 13,3 triệu đồng/m2 loại 2 và 19,1 triệu đồng/m2 cho loại 3. Căn hộ được thiết kế từ 300 triệu đồng đến 950 triệu đồng/căn. Căn hộ dưới 1 tỷ đồng/căn hiện nay được cho là “không tưởng” bởi giá thị trường cho căn hộ tương đương từ gấp đôi cho đến gấp ba lần như thế.
Lý do được phía Vinhomes giải thích là, doanh nghiệp không phải chịu tiền đất. Được biết Vinhomes chỉ bỏ tiền xây dựng và nhà nước ấn định lợi nhuận không quá 10% cho phí đầu tư. Vì thế mà giá thấp. Mỗi dự án trung bình khoảng 2 năm mới đưa vào sử dụng. Vậy, mức lợi nhuận hằng năm cho nhà ở xã hội này thấp hơn lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp mà Vingroup đi vay bấy lâu nay thì có kinh tế không? Đấy là chưa kể Vingroup phải nuôi Vinfast đang lỗ hàng tỷ đô.
Doanh nghiệp được lập ra là để kiếm lợi nhuận. Một doanh nghiệp lớn như Vinhomes nhảy vào làm dự án này không thể không vì lợi nhuận. Nhưng với khung quy định vậy thì Vinhomes nặn ra lợi nhuận bằng cách nào? Dự án nhà ở xã hội đã được nhà nước Cộng Sản đề cập nhiều năm nay nhưng không nhà đầu tư nào thành công. Nguyên nhân là giá bất động sản hiện nay đã vượt quá xa tầm tay của người dân có mức thu nhập trung bình nên mọi nhà đầu tư đành bất lực.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa thì cách đây 4 năm, người dân Việt Nam mất 35 năm mới mua được nhà thì nay họ phải mất 57 năm. Nghĩa là giá bất động sản tăng nhanh hơn mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam rất nhiều lần. Biết đâu sau 2 năm nữa khi mà dự án được đưa vào sử dụng, giá căn hộ Happy Homes ngoài thị trường không phải gấp đôi hai gấp 3 nữa mà gấp 5 thì sao? Giá bán cho người dân có thu nhập thấp quá chênh lệch so với giá thị trường thì điều tất yếu là sẽ hình thành tầng lớp gian thương gom hàng Happy homes để bán lại theo giá thị trường kiếm lời.
Ví dụ, Công ty A bỏ tiền ra mua chuộc quan chức chính quyền, các quan chức này sẽ lập danh sách “gia đình có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo” và ra điều kiện với họ rằng để được vào danh sách mua nhà ở xã hội (ví dụ giá trị 950 triệu đồng/căn) thì phải ký vào giấy bán ngay cho công ty A với giá 1 tỷ đồng. Như vậy là hộ dân đó được hưởng ngay 50 triệu đồng cho chữ ký của mình, nếu không đồng ý, quan chức sẽ không đưa vào danh sách thì hỏng ăn. Công ty A sẽ cho hộ dân “vay” 950 triệu đồng để họ có tiền nhận nhà sau đó ký bán lại cho công ty A giá 1 tỷ đồng. Cuối cùng công ty A bỏ ra 950 triệu cho Happy homes và 50 triệu cho người mua danh nghĩa là họ thu mau được căn hộ 1 tỷ và bán ra thị trường 3 tỷ sau đó.
Công ty A gom hết hàng của Happy homes theo cách như thế rồi bán lại theo giá thị trường là lãi khẳm. Và biết đâu khi ấy, ông chủ Vingroup sẽ lập ra công ty A để làm điều ấy. Công ty A không thuộc họ Vin thì ai buộc tội được Vin? Thậm chí để đánh lạc hướng, ông chủ nhà Vin có thể lập hàng chục công ty tương tự như A để gom hàng rồi bán lại. Từ đó họ nhà Vin được tiếng giúp đỡ xã hội và lại được lời khẳm khi chỉ bỏ tiền ra xây dựng mà bán lại theo giá thị trường với giá của nhà lẫn đất.
Tôi nghĩ khoảng cách chênh lệch quá lớn giữa giá thị trường và giá ưu tiên của nhà ở xã hội sẽ không có chỗ cho người nghèo được hưởng thực sự. Vingroup đã từng lợi dụng “lòng yêu nước” để bán xe Vinfast kém chất lượng rồi bỏ mặc người dân chết cháy trong xe Vinfast mà không một tiếng xin lỗi công khai thì họ không thể có “tấm lòng vàng” hy sinh lợi ích kinh tế giúp dân nghèo được. Với lại lượng dân nghèo của Việt Nam gấp 3 lần dân số Australia thì Vin lớn bao nhiêu cũng giúp không xuể mà ngược lại họ phải xem lượng người đó là thị trường lớn cho phân khúc nhà thu nhập thấp để họ khai thác./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://plo.vn/quy-dinh-sao-ve-xe-nhap-khau-theo-dang-qua…
https://cafebiz.vn/noi-la-lam-vinhomes-chinh-thuc-dong…
https://vinhomecitys.com/thong-tin-nha-o-xa-hoi-vinhome…/
https://cafebiz.vn/chuyen-gia-kinh-te-le-xuan-nghia-4-nam…