Một đóng góp quan trọng của Shinzo Abe là ông đã xóa bỏ được óc hoài nghi và bi quan của dân Nhật về vai trò của họ trên bàn cờ quốc tế.
Cựu Thủ tướng Shinzo Abe qua đời là một mất mát lớn cho nước Mỹ và đồng minh, Đại sứ John R. Bolton, cựu cố vấn ninh quốc gia Mỹ mới nhận định. Ông Abe đã phục hoạt chính sách ngoại giao Nhật Bản; thúc đẩy một liên minh các quốc gia tự do dân chủ; nâng cao vai trò của nước Nhật ở Á châu và thế giới; nhiều lần báo động về tham vọng bành trướng của Cộng sản Trung Quốc.
Trong thời gian các tổng thống Mỹ Bush và Obama còn chờ đợi Cộng sản Trung Quốc sẽ thay đổi nhờ kinh tế phát triển, Shinzo Abe đã báo trước cuộc chạy đua giữa Trung Cộng và các nước dân chủ tự do sẽ quyết định tương lai thế giới.
Ông là chính khách Á Đông đầu tiên nói đến một vùng “Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương Tự Do và Mở Cửa,” từ đó một thế chiến lược căn bản đã thành hình. Tổng thống Barak Obama tuyên bố nước Mỹ “Chuyển Trục qua Á châu.” Abe củng cố quan hệ với Ấn Độ và Australia, liên kết với các nước trong khối NATO, thân hữu với Anh quốc sau khi nước Anh rút khỏi Liên hiệp Âu châu. Khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa hiệp Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) Shinzo Abe là người đã cứu sống liên minh này, giữ được những cam kết giữa 11 quốc gia còn lại – nhân đó cũng xóa bỏ một số điều khoản chính phủ Mỹ trước đó vẫn yêu cầu.
Shinzo Abe vận động, Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia hợp thành nhóm Bốn nước Đối thoại về An ninh, viết tắt là Quad. Nhưng ông giải thích rằng liên minh này thành hình chỉ vì bốn quốc gia cùng chia sẻ những giá trị căn bản, chứ không nhằm chống Trung Quốc. Ở Singapore năm 2014, ông Abe nhấn mạnh đến các giá trị tự do, dân chủ, và tinh thần tôn trọng pháp luật: “Thượng tôn luật pháp là một cột trụ vững chắc nhất để bảo vệ nhân quyền.”
Abe đề cao một trật tự thế giới dựa trên luật pháp; coi đó là nền tảng giúp các nước Á Đông sống trong hòa bình, thịnh vượng từ sau Đại Chiến Thứ Hai. Ông cũng cảnh báo rằng nền trật tự này đang bị Trung Cộng đe dọa. Trong chính sách bành trướng, Bắc Kinh chỉ quen mua chuộc, hối lộ, dụ dỗ hoặc đe dọa các nước khác, không quan tâm đến luật lệ quốc tế.
Vì vậy, Abe muốn bảo vệ mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Ông ngoại của Abe, Nobusuke Kishi đã từng bị Mỹ cầm tù ba năm sau năm 1945, như một trong những tội phạm chiến tranh. Ông Kishi làm thủ tướng Nhật Bản từ 1957 đến 1960, là người đã thúc đẩy Mỹ ký kết bản hiệp ước an ninh, cam kết bảo vệ Nhật Bản nếu bị nước khác tấn công.
Trong một bài nói chuyện ở Washington tháng Ba năm 2013, Abe tuyên bố, “Kính thưa quý vị, Nhật Bản đã trở lại. Nước Nhật không phải là, và không bao giờ chấp nhận mình là một quốc gia hạng nhì!” Đầu năm 2016, ông đã dẫn Tổng thống Barack Obama tới thăm Hiroshima, vị tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm đài kỷ niệm các nạn nhân chết vì bom nguyên tử.
Tháng Tư năm 2015, nói chuyện với các nhà lập pháp Mỹ, ông Abe nhắc nhở, “Chúng ta phải coi đây là một phép lạ lịch sử. Hai nước thù địch từng đánh nhau đến chết nay đã liên kết trong một tình thân.” Mấy tháng sau, ông yêu cầu quốc hội thông qua một nghị quyết cho quân đội Nhật hỗ trợ quân Mỹ ở ngoài lãnh thổ Nhật, một điều mà bản hiến pháp do Mỹ soạn thảo sau năm 1945 không cho phép.
Năm 2016, Abe là vị thủ tướng Nhật đầu tiên đến Pearl Harbor, hải cảng ở Hawaii đã bị hải quân Nhật tấn công bất ngờ năm 1941, lý do khiến quốc hội Mỹ tuyên chiến với Nhật. Ông cũng là người đầu tiên đọc diễn văn trước hai viện quốc hội Mỹ, tuyên bố hai nước thù địch đã trở thành bạn thân.
Nhân danh vai trò “bạn thân” đó, Abe mới thúc đẩy chính phủ Mỹ chuyển hướng trong vấn đề Đài Loan. Nước Nhật lo Trung Cộng đánh chiếm Đài Loan hơn Mỹ. Vì Nhật có thể bị bao vây và cô lập nếu Bắc Kinh kiểm soát cả vùng eo biển nối Nhật Bản, Nam Hàn với vùng Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, các nước Trung Đông và Âu châu. Năm 1941 các nước Anh, Mỹ đã ngăn chặn các thương thuyền Nhật trong vùng biển Đông Nam Á cho nên Nhật tấn công Pearl Harbor rồi đánh chiếm Phi Luật Tân, cùng bán đảo Mã Lai.
Shinzo Abe đã chính thức kêu gọi chính phủ Mỹ xóa bỏ chủ trương “hoài nghi chiến lược” đối với Đài Loan, mà nên công khai cam kết sẽ bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Cộng đánh. Tháng Tư vừa qua, ông nói, “Những thảm kịch diễn ra ở Ukraine là một bài học cay đắng cho chúng ta” vì ông Vladimir Putin nghĩ rằng Tây phương không quan tâm giúp Ukraine. “Cần phải xóa bỏ tất cả mối nghi ngờ về quyết tâm bảo vệ Đài Loan cùng với chế độ tự do dân chủ, quyền sống làm người và thượng tôn pháp luật.”
Abe là vị thủ tướng Nhật đầu tiên công khai ủng hộ Đài Loan, mà nước Nhật đã cai trị trước năm 1945. Ông đã thành công, chính sách của Mỹ đối với Đài Loan đã thay đổi, từ thời ông Trump đến ông Biden, cùng với chiến lược căn bản của Mỹ tại Á châu.
Khi Tổng thống Trump lên năm 2017, ông đã chủ trương “Nước Mỹ Trước Hết,” muồn rút quân khỏi Nam Hàn, Nhật Bản, và Âu châu. Shinzo Abe đã tìm cách nhẹ nhàng thay đổi chủ trương đó. Abe sử dụng những kỹ thuật khéo léo chinh phục cảm tình. Ông là chính khách ngoại quốc đầu tiên đến tòa nhà Trump Tower ở New York gặp ông Trump khi còn chưa nhậm chức, rồi sau đó còn điện thoại hàng chục lần. Ông là chính khách quốc tế đầu tiên đến thăm Mar-a-Lago ở Florida, chơi golf với ông Trump năm lần. Hai người ngồi cùng coi những bức hình Bắc Hàn thử bom nguyên tử trong khi các khách khứa trong khu nghỉ mát đứng nhìn từ xa.
Ông Donald Trump đã bỏ qua chủ trương rút quân Mỹ khỏi Nhật. Ngược lại, liên minh quân sự giữa Mỹ và Nhật được tăng cường, với các cuộc thao diễn liên tiếp bị Trung Cộng phản đối. Ông Abe nói chuyện với nhật báo The Wall Street Journal, vẽ ra một viễn tượng, “Nếu chúng ta đặt sức mạnh Hải quân Mỹ bên cạnh Lực lượng Phòng vệ Duyên hải của Nhật, thì lúc đó ‘một cộng một thành hai! Khi Mỹ và Nhật kết hợp, cán cân lực lượng trong cả vùng sẽ giữ được cân bằng.”
Abe tìm cách gia tăng sức mạnh cũng như tầm hoạt động của quân đội Nhật Bản. Nhiều chính khách Nhật tố cáo Shinzo Abe vi pham bản hiến pháp hòa bình. Ông không chủ trương tái lập Quân đội Thiên hoàng, vì hiện nay “Lực lương Phòng vệ” của nước Nhật đã đủ mạnh rồi. Ông chỉ luồn lách qua các kẽ hở trong hiến pháp, khi đưa quân Nhật ra nước ngoài “để bảo vệ hòa bình” và xác định nước Nhật có thể tham dự các cuộc chiến “phòng vệ chung” với các quốc gia khác.
Abe gia tăng ngân sách quốc phòng lên trên giới hạn 1% Tổng Sản Lượng Nội Địa, đặt mua các máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Ông cho sửa chữa hai diệt lôi hạm để các máy bay có thể đậu và cất cánh lên thẳng, sửa các chiến thuyền chở trực thăng, có thể dễ dàng biến thành “hàng không mẫu hạm.” Nước Nhật cũng phóng các vệ tinh có khả năng điều khiển những hỏa tiễn bắn thẳng cỡ nhỏ mà nước Nhật mới sản xuất. Ông cho phép xuất cảng vũ khí của Nhật cho nước ngoài. Ông còn nói có thể cho Mỹ đem vũ khí hạt nhân vào nước Nhật, thêm một ý kiến bị nhiều người Nhật phản đối.
Dân Nhật Bản thực tình thương tiếc và xúc động khi ông Shinzo Abe bị bắn. Nước Nhật không nhiều súng ống như ở Mỹ. Lần cuối cùng một chính khách Nhật bị giết vào năm 1960, nạn nhân là chủ tịch đảng Xã Hội, thủ phạm là một thanh niên theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Ông Abe nổi bật so với các vị thủ tướng khác từ thời 1950, giữ chức thủ tướng lâu nhất, cả hai lần đã từ chức vì bệnh. Nước Nhật đã bước vào một triều đại mới khi Thiên Hoàng Naruhito, niên hiệu Linh Hòa, Reiwa, năm 2019 lên thay Akihito, thiên hoàng đầu tiên đã thoái vị trong 200 năm lịch sử.
Một đóng góp quan trọng của Shinzo Abe là ông đã xóa bỏ được óc hoài nghi và bi quan của dân Nhật về vai trò của họ trên bàn cờ quốc tế. Trong vai trò thủ tướng, ông đã đi thăm 80 quốc gia.
Ông đã thúc đẩy các nhà chính trị và dân chúng phải đối diện với những câu hỏi quan trọng về vận mệnh quốc gia và vai trò của nước Nhật trong thế giới. Trong nước, các chương trình cải tổ kinh tế của ông không thay đổi được tình trạng đi xuống vì số dân chúng càng ngày càng già hơn, giảm bớt khối người làm việc. Kinh tế Nhật không có những công ty trẻ đầy sáng kiến như ở Mỹ. Nhưng ông đã sử dụng các hiệp ước thương mại buộc các đại công ty và ngành nông nghiệp phải thay đổi. Bên ngoài, ông nâng cao vai trò lãnh đạo kinh tế của Nhật khi giữ lại thỏa ước Hợp tác Thái Bình Dương, đổi tên thành CPTPP. Ông coi việc phục hồi địa vị kinh tế của Nhật là một cột trụ trong chính sách ngăn chặn Trung Cộng bành trướng.
Năm 2020, ông nói trước quốc hội rằng “Nhật Bản không còn là Nhật Bản của thời quá khứ. Chúng ta đã thành công vượt qua bức tường nhịn nhục. Chúng ta sẽ kiến tạo một nước Nhật sáng chói trên diễn đàn thế giới.” Ước mơ đó sẽ được người Nhật tiếp tục hay không?
Dân Nhật và cả thế giới sẽ cảm thấy nỗi mất mát một nhà lãnh đạo như Shinzo Abe, như lời Đại sứ John R. Bolton./.