Vì sao nhiều quốc gia phản đối bản đồ mới của Trung Quốc?

- Quảng Cáo -

Hoàng Sa – RFA

Trung Quốc công bố một bản đồ mới

Báo chí Trung Quốc mới đây công bố: “Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023 của Trung Quốc đã chính thức được phát hành vào ngày 28/8 và ra mắt trên trang web của dịch vụ bản đồ tiêu chuẩn do Bộ Tài nguyên (Trung Quốc) quản lý. Bản đồ này được biên soạn dựa trên phương pháp vẽ đường biên giới quốc gia của Trung Quốc và các nước khác nhau trên thế giới” (1).

Thời điểm công bố bản đồ mới báo hiệu những khó khăn cho các tiến trình ngoại giao khi một loạt các hội nghị lớn trên thế giới đang bắt đầu, như hội nghị G20 sắp tới vào đầu tháng 10 tại New Deli, thủ đô của Ấn Độ.

- Quảng Cáo -

Nhà phân tích chính trị, Giáo sư James Chin từ Đại học Tasmania nói rằng động thái này của Trung Quốc nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự này trước các hội nghị thượng đỉnh là “điển hình của ngoại giao Trung Quốc”.

“Thời điểm rất quan trọng. Người Trung Quốc muốn đây trở thành điểm thảo luận tại các hội nghị thượng đỉnh và muốn chứng tỏ rằng họ nhất quán trong việc tuyên bố những vùng lãnh thổ này là của mình” (2).

Trong số các phần lãnh thổ được đưa vào bản đồ mới có bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, khu vực Trung Quốc lâu nay vẫn tuyên bố chủ quyền là phần phía Nam của Tây Tạng và Aksai Chin, khu vực khô hạn ở phía Bắc Ladakh, vốn bị Trung Quốc chiếm đóng kể từ khi kết thúc Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962. Một điểm khác biệt của bản đồ mới là “đường 10 đoạn”, bao quanh Biển Đông (“đường 9 đoạn”) và toàn bộ đảo Đài Loan (vạch thứ 10), cùng một số đảo nhỏ mà các nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền như Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Indonesia. “Đường 10 đoạn” này cũng bao trùm thêm nhiều khu vực thuộc EEZ của các quốc gia Biển Đông khác.

Ngoài ra, theo bản đồ này, một phần lãnh thổ của Nga là đảo Bolshoy Ussuri, cũng bị coi là lãnh thổ của Trung Quốc mặc dù đã có sự phân định giữa Nga và Trung Quốc. Theo hiệp ước năm 2008 giữa Nga và Trung Quốc, hòn đảo này được phân chia giữa hai nước. Tuy nhiên, bản đồ chính thức mới của Trung Quốc lại đánh dấu toàn bộ hòn đảo là điểm cực đông của lãnh thổ Trung Quốc.

Đảo Bolshoy Ussuriysky có diện tích từ 327 đến 350 km2, tùy thuộc vào mực nước sông. Từ đầu thế kỷ 19 đã có một cuộc đấu tranh lâu dài giữa Nga và Trung Quốc để giành quyền kiểm soát hòn đảo này, nhưng trong những năm 1920 và 1930, hòn đảo này đã được quân đội Liên Xô “bảo vệ”.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, hòn đảo này vẫn thuộc quyền quản lý của Nga. Trung Quốc có lợi ích đặc biệt đối với vùng lãnh thổ này, và đã tranh chấp quy chế của vùng này kể từ năm 1964. Năm 2008, Nga đã bàn giao phần phía tây của đảo Bolshoy Ussuriysky và các vùng lãnh thổ khác cho Trung Quốc. Các chuyên gia vào thời điểm đó chỉ ra lợi ích lâu dài của Moscow trong mối quan hệ ổn định giữa hai nước.

Phản ứng của các nước Đông Nam Á

Antonio Carpio, Cựu Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines, hôm 30/8 đã phân tích: “Thật khó tin rằng các đường ở Biển Đông, dù là 9 hay 10 đoạn, đều cấu thành biên giới quốc gia của họ. Vì vậy, nếu đó là ranh giới quốc gia của bạn thì mọi thứ trong đó là lãnh thổ quốc gia của bạn. Bây giờ thì rõ ràng rồi, họ đã làm rõ điều đó theo cách đó. Tôi nghĩ ý đồ của họ muốn khẳng định rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc” (3). Theo ông, bản đồ mới của Trung Quốc sẽ không thay đổi phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Philippines Francis Tolentino cũng đã chỉ trích tuyên bố của Bắc Kinh, đồng thời nói rằng “Bản đồ mới nhất của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không còn là ‘Đường 9 đoạn’ nữa, mà là ‘Đường 10 đoạn’. Giờ đây, chúng ta đang nói về ‘Đường 10 đoạn’, chứ không phải ‘Đường 9 đoạn nữa” (4).

Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) khuyến cáo Bắc Kinh nên tôn trọng phán quyết của Toà trọng tài năm 2016 dành cho Philippines và Trung Quốc. Tham mưu trưởng AFP Romeo Brawner nói: “Họ nên tôn trọng phán quyết năm 2016 của trọng tài, theo đó coi ‘Đường 9 đoạn’ là bất hợp pháp. Điều đó không có cơ sở và trên thực tế, họ nên tuân theo trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” (5).

Về phần mình, Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines (NSC) và Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia phụ trách Biển Tây Philippines (Biển Đông) cho biết họ hiện đang yêu cầu chính phủ Trung Quốc làm rõ bản đồ mới này. Trợ lý Tổng Giám đốc NSC Jonathan Malaya cho biết: “Nếu bản đồ được chính thức xác nhận là do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ban hành, thì NSC sẽ đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) trao công hàm phản đối mạnh mẽ đối với việc ban hành bản đồ này vì điều đó xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Philippines”. (6)

Ngoài ra, hôm 30/8, Malaysia cũng bác bỏ “bản đồ tiêu chuẩn” mới của Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vùng biển ngoài khơi bờ biển Malaysia ở Biển Đông. Đây là cuộc “khẩu chiến” mới nhất về sự quyết đoán của Bắc Kinh trên tuyến đường biển này. Theo bản đồ mới, các yêu sách đơn phương của Trung Quốc trên vùng biển chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ngoài khơi bờ biển các bang Sabah và Sarawak trên đảo Borneo (7).

Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Malaysia nhấn mạnh: “Malaysia không công nhận các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, như được nêu trong ‘Bản đồ tiêu chuẩn Trung Quốc 2023’, theo đó bao phủ khu vực biển của Malaysia”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nêu rõ, bản đồ này không có thẩm quyền ràng buộc đối với Malaysia, đồng thời khẳng định, bản đồ này, trong số những thứ khác, thể hiện các yêu sách hàng hải đơn phương của Trung Quốc xâm phạm các khu vực hàng hải của Malaysia ở Sabah và Sarawak, dựa trên Bản đồ mới của Malaysia năm 1979. Hơn nữa, như Chính phủ Malaysia đã nhấn mạnh trước đây về vấn đề Biển Đông, bao gồm các vấn đề biên giới trên biển, Malaysia luôn bác bỏ yêu sách của bất kỳ quốc gia nào về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển dựa trên Bản đồ mới của Malaysia năm 1979 (8).

Mô tả vấn đề Biển Đông là “phức tạp và nhạy cảm”, Kuala Lumpur khẳng định tranh chấp này phải được “xử lý một cách hòa bình và hợp lý thông qua đối thoại” dựa trên luật pháp quốc tế. Malaysia cũng cho biết họ ủng hộ việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử về các tranh chấp trên biển mà các quốc gia Đông Nam Á hiện đang đàm phán.

Trước đó, năm 2021, Kuala Lumpur đã triệu Đại sứ Trung Quốc sau khi các tàu Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Malaysia cho biết khu vực Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền ở phía Bắc đảo Borneo – bao gồm 5 thực thể biển trong quần đảo Trường Sa – nằm trong khu vực đó.

Ngày 31/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định hành động của Trung Quốc là “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)” (9).

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh vì lẽ đó, “yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ nói trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982”.

“Một lần nữa Việt Nam khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của mình về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn.” (10)

Ấn Độ, Đài Loan cực lực phản đối

Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng đã bác bỏ các yêu sách trên của Trung Quốc, trong đó Ấn Độ đã “phản đối mạnh mẽ” bản đồ này thể hiện bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và cao nguyên Aksai Chin là một phần lãnh thổ chính thức của Bắc Kinh.

Ngày 29/8, trả lời phỏng vấn độc quyền của kênh NDTV (Ấn Độ), Ngoại trưởng nước này S. Jaishankar đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về lãnh thổ tranh chấp, cho rằng đó là yêu sách là “vô lý”, khẳng định những khu vực này thuộc về Ấn Độ. Ông nêu rõ: “Việc (Bắc Kinh) đưa ra tuyên bố vô lý về lãnh thổ của Ấn Độ không khiến lãnh thổ đó trở thành của Trung Quốc”. Theo nhà ngoại giao này, Trung Quốc “có thói quen” công bố các bản đồ như vậy và khẳng định rằng việc chỉ đưa lãnh thổ của các quốc gia khác vào bản đồ của mình chẳng có ý nghĩa gì (11).

Trước đó, New Delhi đã nhiều lần tuyên bố với Bắc Kinh rằng “Arunachal Pradesh đã, đang và sẽ luôn là một phần không thể tách rời của Ấn Độ”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jeff Liu nói rằng “Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc, là một quốc gia có chủ quyền và độc lập, không phụ thuộc vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ cai trị Đài Loan. Đây là những điều phổ biến.” sự thật được thừa nhận và hiện trạng trong cộng đồng quốc tế.” (12)

Liu nói rằng Đài Loan “hoàn toàn không” là một phần của Trung Quốc. Ông kết thúc bằng cách nói thêm: “Bất kể chính phủ Trung Quốc bóp méo tuyên bố chủ quyền của Đài Loan như thế nào, điều đó không thể thay đổi thực tế khách quan về sự tồn tại của đất nước chúng ta” (13).

__________

Than khảo:

  1. https://twitter.com/globaltimesnews/status/1696104724691570945?s=20
  2. https://www.channelnewsasia.com/asia/china-new-map-territory-g20-asean-summit-india-malaysia-russia-indonesia-protest-3737366
  3. https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/880601/china-s-new-10-dash-line-map-shows-extended-claims-in-scs-carpio/story/
  4. https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/880601/china-s-new-10-dash-line-map-shows-extended-claims-in-scs-carpio/story/
  5. https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/880601/china-s-new-10-dash-line-map-shows-extended-claims-in-scs-carpio/story/
  6. https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/880601/china-s-new-10-dash-line-map-shows-extended-claims-in-scs-carpio/story/
  7. https://www.nst.com.my/news/nation/2023/08/949182/wisma-putra-malaysia-not-bound-chinas-map-updated
  8. https://www.nst.com.my/news/nation/2023/08/949182/wisma-putra-malaysia-not-bound-chinas-map-updated
  9. https://tuoitre.vn/bo-ngoai-giao-viet-nam-ban-do-tieu-chuan-cua-trung-quoc-vo-gia-tri-20230831184319323.htm
  10. https://tuoitre.vn/bo-ngoai-giao-viet-nam-ban-do-tieu-chuan-cua-trung-quoc-vo-gia-tri-20230831184319323.htm
  11. https://www.ndtv.com/india-news/making-absurd-claims-does-not-make-others-territory-yours-s-jaishankar-on-china-4339360
  12. https://www.taiwannews.com.tw/en/news/4984988
  13. https://www.taiwannews.com.tw/en/news/4984988
- Quảng Cáo -